"CHÌA KHÓA" KHERSON
Cách đây 8 tháng, Kherson là thành phố lớn đầu tiên của Ukraine "thất thủ" không lâu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng. Hơn 8 tháng sau, Kherson tiếp tục trở thành mặt trận nóng bỏng, thậm chí có thể là "chìa khóa" quyết định xung đột Nga - Ukraine.
Kherson, nơi có dân số 280.000 người trước chiến sự, là thủ phủ duy nhất trong các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát. Vùng đất này có ý nghĩa chiến lược đối với cả Nga và Ukraine bởi vị trí quan trọng của nó bên sông Dnipro, gần cửa Biển Đen và là một trung tâm công nghiệp với sông và cảng lớn.
Kherson cũng nằm ở vị trí mà Ukraine có thể cắt nguồn nước ngọt từ sông Dnipro đến Crimea. Kiev từng chặn những nguồn cung cấp quan trọng này sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, và Tổng thống Vladimir Putin đã đề cập đến sự cần thiết phải khôi phục nguồn nước như một lý do đằng sau quyết định mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cho biết: "Kherson là một chìa khóa cho toàn bộ khu vực phía nam, chiến thắng sẽ cho phép Ukraine nhắm đến các tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga. Nga sẽ cố gắng giữ quyền kiểm soát khu vực này bằng mọi cách".
Đối với Ukraine, việc có được Kherson sẽ tạo bàn đạp cho việc giành lại khu vực Zaporizhia do Nga kiểm soát và các vùng khác ở phía nam, và cuối cùng có thể là đánh vào Crimea. Việc lấy lại Kherson cũng có nghĩa là Kiev có thể cắt nguồn nước cho Crimea một lần nữa. Nếu rút khỏi Kherson, người Nga sẽ lại gặp vấn đề với nước ngọt ở Crimea.
"Giành lại Kherson là con đường khả thi nhất cho Ukraine để giành thắng lợi đáng kể trong xung đột với Nga và xoay chuyển cục diện chiến sự đúng nghĩa", Illia Ponomarenko, phóng viên chiến trường của Kyiv Independent, nhận định.
Đối với Nga, nếu giữ được Kherson, vùng đất này sẽ tạo bàn đạp giúp họ tiến vào Odessa và Mykolaiv. Từ đó, Nga có thể cắt đứt đường tiếp cận của Ukraine với Biển Đen, biến Ukraine thành quốc gia không giáp biển. Một động thái như vậy sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Ukraine. Điều này cũng sẽ cho phép Moscow xây dựng một hành lang đất liền tới khu vực ly khai Transnistria của Moldova, nơi có một căn cứ quân sự lớn của Nga.
CHIẾN THUẬT BÀO MÒN CỦA UKRAINE
Trong suốt mùa hè vừa qua, quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công liên tiếp để giành lại Kherson, một trong bốn khu vực mà Nga đã sáp nhập sau các cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9 của các vùng ly khai này.
Ukraine sử dụng các bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp để bắn liên tiếp vào cây cầu quan trọng bắc qua sông Dnipro ở Kherson, trong đó có hai cây cầu Antonivsky và Daryivsky. Để mất hai cây cầu huyết mạch này, Nga sẽ rất khó điều thêm quân và vũ khí từ Crimea tiếp viện cho thành phố Kherson.
Theo giới chuyên gia, kiểm soát tuyến đường thủy trọng yếu là yếu tố quyết định đối với chiến thuật "thắt miệng túi" ở Kherson, do thành phố này nằm trên bờ tây sông Dnipro, nối với hậu phương của Nga bằng các cây cầu.
Các cuộc phản công đã buộc Nga phải dựa vào cầu phao và phà - những phương tiện sau đó cũng trở thành mục tiêu của Ukraine. Ngoài ra, nó làm gián đoạn mạng lưới liên kết cung cấp cho Kherson và lực lượng Nga ở bờ tây sông Dnipro, khiến họ dễ bị bao vây.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho chiến dịch phản công ở Kherson, Ukraine được cho là cũng tìm cách cắt đứt đường tiếp viện của Nga từ Crimea bằng các vụ tập kích nhằm vào kho đạn và kho nhiên liệu trên bán đảo này hồi tháng 8 và tháng 9.
Tình trạng thiếu hụt tiếp viện của Moscow càng trở nên nghiêm trọng hơn sau vụ đánh bom xe tải vào ngày 8/10 làm nổ tung một phần của cầu Crimea nối đất liền của Nga với bán đảo.
Crimea vốn đóng vai trò là trung tâm cung cấp chính cho lực lượng Nga ở miền Nam Ukraine. Gần đây nhất, hôm 29/10, Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm đến các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga đóng ở Sevastopol, bán đảo Crimea.
"TRẬN CHIẾN KHỐC LIỆT NHẤT"
Ông Oleksiy Arestovych, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, dự báo "trận chiến ác liệt nhất" sắp diễn ra ở Kherson. "Với Kherson, mọi thứ đang hết sức rõ ràng. Quân Nga đang ra sức bổ sung, củng cố lực lượng. Điều đó có nghĩa là không phe nào có ý định rút lui. Ngược lại, một trận chiến ác liệt nhất đang hình thành ở Kherson", ông nói.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, một trận chiến như vậy có thể diễn ra ở thành phố này trong vài ngày hoặc vài tuần tới.
Boris Rozhin, một chuyên gia quân sự Nga, nhận định Ukraine có thể tiến công vào Kherson theo 3 kịch bản.
Thứ nhất, lực lượng Ukraine có thể tấn công từ phía bắc, từ thành phố Krivoy Rog quê nhà của Tổng thống Zelensky, nhằm làm suy yếu lực lượng Nga ở bờ tây sông Dnipro.
Thứ hai, Ukraine sẽ tấn công từ phía đông, nhằm vào hậu cứ của Nga. "Những cuộc tấn công phá hoại ở hậu cứ rất khó chịu và không nên đánh giá thấp hậu quả của nó", ông nhấn mạnh.
Thứ ba, Ukraine có thể chọn mũi tiến công phía tây, hướng tới thành phố Mykolaiv. Ukraine đã tập trung các đơn vị sẵn sàng chiến đấu ở đó. "Để vượt qua các tuyến phòng thủ của Nga ở đây, Ukraine có thể tiến hành chiến dịch đổ bộ từ Biển Đen", ông Rozhin phân tích.
Về phía Nga, Tổng chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, tướng Sergei Surovikin, hôm 18/10 thừa nhận tình hình ở Kherson "rất căng thẳng". Ông Surovikin nói rằng kế hoạch tiếp theo với Kherson sẽ còn tùy vào tình hình chiến sự nhưng không loại trừ khả năng quân đội sẽ đưa ra "những quyết định khó khăn".
Ông cho biết, chiến lược của Nga là không tấn công tốc độ cao mà đảm bảo an toàn cho từng binh sĩ và chỉ từng bước "nghiền nát lực lượng tấn công của đối phương", nhằm hạn chế tổn thất, đặc biệt cho dân thường.
Những tuần gần đây, giới chức của chính quyền do Nga bổ nhiệm ở Kherson đã liên tục phát cảnh báo về nguy cơ quân Ukraine tấn công thành phố. Tính đến ngày 26/10, ít nhất 70.000 người dân Kherson đã được sơ tán bằng thuyền từ bờ tây sang bờ đông của sông Dnipro. Hôm 31/10, chính quyền Kherson tiếp tục thông báo mở rộng phạm vi sơ tán thêm 15km tính từ sông Dnipro.
Những dấu hiệu này làm dấy lên đồn đoán Nga có thể chuẩn bị rút quân khỏi Kherson.
"Nếu chiến lược của Nga là củng cố một phòng tuyến vững chắc trước mùa đông, thì không loại trừ khả năng họ từ bỏ bờ tây và quay trở lại bờ đông (sông Dnipro)", chuyên gia quân sự người Áo Markus Reisner bình luận.
Mặc dù vậy, ông Konrad Muzyka, Giám đốc của công ty tư vấn quốc phòng Rochan Consulting ở Ba Lan, nhận định, vẫn có nhiều điều khó đoán trong động thái của Nga tại Kherson. Ông chỉ ra rằng: "Người Nga hầu như không bao giờ chính thức thừa nhận có điều gì đó không ổn hoặc sắp xảy ra. Do đó, có thể có mục đích đằng sau việc công khai thừa nhận khó khăn ở Kherson".
Giới chức quốc phòng Ukraine nhận định quân đội Nga không có ý định rút lui khỏi Kherson. Thay vào đó, Nga đang chuẩn bị phòng thủ thành phố này trước đà phản công của Ukraine. "Quân đội Nga đang điều động thêm nhiều đơn vị về Kherson và chuẩn bị tinh thần bảo vệ từng con phố tại đây", Thiếu tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo trực thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, đánh giá. Theo ông Budanov, lệnh sơ tán dân thường cho thấy Moscow có thể sẵn sàng cho việc tác chiến trong đô thị.
Nhiều nguồn tin cho rằng Nga sẽ điều về đây một lượng lớn binh sĩ dự bị trong thời gian tới, sau khi các binh sĩ này kết thúc thời gian huấn luyện. Ngoài ra, chính quyền thân Nga tại Kherson cũng thông báo về việc thành lập lực lượng dân quân địa phương nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ cho thành phố.
Hiện tại, trong bối cảnh Nga tìm cách phòng thủ cho Kherson, có nhiều đồn đoán kịch bản có thể xảy ra tại nhà máy thủy điện Kakhovka cách thượng nguồn sông Dnipro vài km. Nga cáo buộc Ukraine đang chuẩn bị một cuộc tấn công tên lửa vào con đập. Kiev đã bác bỏ, trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga âm mưu cho nổ tung con đập và nếu điều này xảy ra sẽ kéo theo một "thảm họa lớn".
THỜI ĐIỂM QUYẾT ĐỊNH
Các dấu hiệu hiện nay cho thấy Ukraine đã sẵn sàng cho một trận chiến quyết định ở Kherson sau khi giành được những bước tiến quan trọng ở mặt trận miền Đông và Đông Bắc.
Theo đánh giá của giới phân tích quân sự, Ukraine đang nỗ lực giành được một kết quả nhất định trước khi mùa đông đến, đặc biệt là sau khi Nga tấn công hàng loạt vào các cơ sở hạ tầng năng lượng tại quốc gia này.
Chuyên gia quân sự người Áo Markus Reisner nhận định: "Đây là một tình huống quyết định trước mùa đông. Chiến dịch Kherson sẽ là cuộc tấn công quan trọng nhất đối với Ukraine".
Mùa đông có thể gây thách thức lớn cho đà tiến công của cả Nga và Ukraine. Khi nhiệt độ giảm xuống kéo theo những cơn mưa lạnh lẽo, các con đường và cánh đồng sẽ đầy bùn lầy. Sau đó là khoảng thời gian tuyết rơi, mặt đất đóng băng và cứng lại, nhưng thời tiết khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của binh sĩ, làm giảm hiệu quả của vũ khí, khiến công tác hậu cần sẽ khó khăn hơn nhiều lần. Cuộc chiến khi đó sẽ trở thành cuộc đua về khả năng chịu đựng của mỗi bên.
Yuri Vitrenko, người đứng đầu tập đoàn năng lượng quốc gia Ukraine Naftogaz, cảnh báo nước này đang đối mặt "mùa đông khắc nghiệt nhất lịch sử" do các cuộc tập kích của Nga đã phá hủy khoảng cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. "Đó sẽ là mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử. Chúng tôi có thể đối mặt tình trạng mất điện liên tục, cũng như các vấn đề đối với hệ thống sưởi ấm", ông nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tháng trước cũng cảnh báo: "Mùa đông đang đến và mùa đông sẽ đặc biệt khó khăn trên chiến trường Ukraine. Chúng tôi biết quy mô của quân đội Ukraine đã lớn gấp ba lần so với mùa đông năm ngoái. Họ rất cần thêm quân phục cho mùa đông, cần máy phát điện để thắp sáng và sưởi ấm, họ cũng cần lều và những thứ khác để giúp vượt qua thời tiết khắc nghiệt".
Theo các chuyên gia, mùa đông sẽ là phép thử đối với cả Ukraine và đồng minh phương Tây. Trong khi đó, Nga đặt cược vào niềm tin rằng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev sẽ phai nhạt vào mùa đông khi áp lực về kinh tế, năng lượng đè nặng lên chính phủ các nước này.
Nếu Ukraine đạt được bước tiến quân sự đáng kể, đặc biệt ở mặt trận Kherson, châu Âu có thể sẵn sàng chịu đựng mùa đông khó khăn để tiếp tục viện trợ cho Kiev và trừng phạt Moscow. Trái lại, theo chuyên gia phân tích của New York Times Ross Douthat, nếu đà phản công của Ukraine chững lại, cuộc chiến bế tắc kéo dài, phương Tây nhiều khả năng sẽ phải tìm cách thúc đẩy các giải pháp hòa bình như hối thúc Ukraine chấp nhận một số nhượng bộ của Nga. Điều này là bởi một cuộc chiến tiêu hao sẽ làm cạn kiệt nguồn lực không chỉ của Nga, Ukraine mà cả phương Tây.
Minh Phương
Theo New York Times, Pravda, Washington Post, Conversation
05/11/2022