Ngôi nhà kì dị ở "rốn ngập" TPHCM chống chọi nước cống xì lên từ tứ phía
(Dân trí) - "Nóc nhà từng cách người tôi hơn 2m, nhưng giờ đi qua cửa thì đã gần chạm nóc. Mưa dai dai xíu là người ở ngoài đường không thể về, người ở nhà không thể đi làm…", ông Long buông lời mệt mỏi nói chuyện với phóng viên.
Chống ngập quanh năm
Vài năm trước, sau trận mưa kéo dài, con kênh sát mép nhà ông Nguyên (60 tuổi, ngụ đường Dương Văn Cam, TP Thủ Đức, TPHCM) đã đầy ụ nước. Từ độ sâu hơn 2 mét, dòng nước dữ liên tục trào ngược lên mặt đường Dương Văn Cam khiến ông Nguyên hoảng hốt.
Suốt buổi chiều hôm đó, ông ngồi trước cửa nhà, dặn dò từng người tránh xa đoạn nguy hiểm. Hôm sau, ông liền mua rào sắt và dựng tạm bợ trước miệng kênh làm biển cảnh báo, đồng thời chắn dòng nước mỗi mùa mưa.
"Bản thân lo sợ cho gia đình nên tôi đã nâng nền nhà, gần nhất là vào năm 2010 với độ cao hơn 1m. Nhưng từ khi hàng loạt công trình cao tầng mọc lên, nước kênh ngày càng dâng lên đường cao, xe ô tô chỉ cần chạy ngang là nước tràn hết vào nhà…", ông Nguyên nói.
Cách đó không xa, gia đình ông Long (59 tuổi) cũng gần 30 năm sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ ngập úng sau mưa. Năm đầu tiên nước tràn vào nhà, ông Long đã quyết định phải nâng nền. Thế nhưng, dù đã nâng 3 lần với độ cao hơn 1,5m so với mặt đường Dương Văn Cam, mỗi năm nước mưa vẫn mấp mé cửa nhà. Cuối cùng, ông Long chỉ còn cách dùng 2 tấm biển sắt chắn ngang trước cửa để ngăn, chặn.
"May mắn nhất của gia đình tôi là mưa nhưng nước không qua khỏi bậc thềm để giày dép. Còn có lần không chắn kịp, nước ngập hư hết đồ đạc, hay đỉnh điểm sau Tết 2022, một trận mưa thôi đã khiến cả đoạn đường thành biển, xe máy chỉ còn lộ ra đúng đầu xe…", ông Long kể.
Chưa giải quyết được tình trạng ngập trước nhà, vài năm sau nước tiếp tục xì qua các ống cống khiến toàn bộ khu vực bếp của gia đình Long ứ đọng nước. Từ đó, ông Long buộc trang bị thêm hàng loạt nắp nhựa xung quanh nhà. Chỉ cần dự đoán nước sẽ dâng cao, các thành viên gia đình ông lại chia nhau nhét nắp nhựa vào miệng cống để bịt kín.
"Tôi còn mua xi-măng về xây bức tường hơn nửa mét chắn trước cửa bếp. 2 năm trở lại, nước bắt đầu mấp mé, tôi tiếp tục nâng thêm một ô gạch nữa. Bức tường giờ đã quá cao, ra vào lúc nào cũng phải nhảy. Cả đời sống ở đây, cứ mưa là đằng trước nước tràn vào, đằng sau cống xì lên, phía trên mưa dột xuống, tứ phía cả…", ông Long nói.
Nhiều năm nay, TP Thủ Đức được xem là "rốn ngập" của TPHCM. Trong đó, khu vực quanh chợ Thủ Đức bao gồm đường Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân, Đặng Văn Bi, Dương Văn Cam… luôn trong tình trạng ngập nặng mỗi khi có mưa lớn.
Khảo sát các tuyến đường trên, hầu hết nhà dân đều xây nền rất cao so với mặt đường. Không chỉ thế, để có thể sống chung với ngập úng, nhiều gia đình còn dựng các bức tường xi-măng, cổng chắn trước cửa để chống nước. Riêng trục đường đường Võ Văn Ngân có độ dốc lớn, mưa chừng 15 phút, nước lại chảy như thác khiến nhiều người tay lái yếu liên tục bị quật ngã, xe bị kéo lê.
Năm 2017, nhằm giải quyết vấn đề ngập úng diện rộng ấy, TP Thủ Đức đã xây dựng hồ điều tiết ngầm tại Nhà thiếu nhi TP Thủ Đức với chiều dài 10m, rộng 9m và sâu 2,5m. Tuy nhiên, vì hồ có dung tích quá nhỏ, không thể chứa hết lượng mưa nên nước vẫn tiếp tục đổ dồn về hướng chợ Thủ Đức.
"Đoạn Dương Văn Cam xưa nay là vùng trũng, bị bao quanh bởi các dốc cao nên ngập nặng nhất. Mỗi khi mưa, nước từ ngã ba dốc Võ Văn Ngân - Đặng Văn Bi, dốc Tô Ngọc Vân và trục đường Phạm Văn Đồng… đổ về, Dương Văn Cam thấp nên trở thành lòng chảo ứ đọng.
May mắn, vài năm trở lại đây, chính quyền nạo vét cống rạch cầu Ngang giúp nước thoát nhanh hơn. Thế nhưng, tình trạng mưa là ngập thì vẫn chưa thể giải quyết" - một hộ dân sống lâu năm trên khu vực nói thêm.
Nhà nứt, đồ đạc hư hỏng vì ngập
Việc ngập úng xảy ra thường xuyên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhiều hộ dân tại TP Thủ Đức. Trong đó, việc nâng nền cao biến nhiều căn nhà thành hầm, ẩm thấp và thiếu ánh sáng. Đồng thời, nền nhà có độ dốc cao khiến nhiều người dân té ngã khi dắt xe lên xuống.
"Nóc nhà từng cách người tôi hơn 2m, nhưng giờ đi qua cửa thì đã gần chạm nóc. Chỉ có tiền nâng nền nhà khách nên toàn bộ buồng, bếp đều là hầm, đồ đạc thường xuyên ẩm mốc, hư hại… Chưa kể, mưa dai dai xíu là người ở ngoài đường không thể về, người ở nhà không thể đi làm gây ảnh hưởng kinh tế vô cùng…" - ông Long nói.
Bên trong con hẻm nhỏ, hộ gia đình của 2 chị em Trần Thị Bích Lệ và Trần Đức Huy (ngụ đường Dương Văn Cam, TP Thủ Đức) lại đối diện tình trạng nứt tường nghiêm trọng. Ban đầu khi nước tràn vào nhà, bà Lệ chỉ phát hiện một vài vết nứt nhỏ lẻ. Thế nhưng, qua thời gian kéo dài ngập úng kèo dài, giờ đây toàn bộ phần tường nhà vệ sinh, bếp đã có nhiều vết nứt dài hơn cả mét.
"Xưa cô còn tự bỏ tiền mua về để trám, giờ vết nứt lớn quá không thể tự làm được nữa. Mỗi lần mưa, gia đình vẫn chắn cửa, bơm nước ra ngoài nhưng vẫn lo sợ vì không biết tường sập bất cứ lúc nào…" - bà Lệ nói.
Tháng 10/2020, UNND quận Thủ Đức cũ (nay là TP Thủ Đức) khởi công xây dựng hệ thống thoát nước với kinh phí 129,4 tỷ đồng kéo dài 2,5km từ xa lộ Hà Nội đến rạch cầu Ngang. Trong đó, toàn bộ hệ thống cống cũ trên đường Võ Văn Ngân được thay thế bằng hệ thống cống hộp kích cỡ lớn hơn. Mặc dù dự kiến hoàn thành trong 17 tháng, nhưng đến nay dự án chống ngập vẫn chậm tiến độ.
Cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM sẽ thực hiện nhiều dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước nhằm giảm ngập cho TP Thủ Đức. Nguồn vốn đầu tư 2.750 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo lộ trình: Năm 2021 dự kiến sẽ chi 1.300 tỷ đồng; năm 2022, 2023, 2024 là hơn 687 tỷ đồng; năm 2025 là hơn 686 tỷ đồng.
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Như Hà
30/08/2022