Ngôi miếu hơn 300 năm nổi giữa sông vào những ngày cận Tết

Trần Chánh Nghĩa| 05/02/2018 07:00

Ông Ba, một người bạn sống với nghề chài lưới ở khu vực cầu Bình Lợi (Bình Thạnh, TP.HCM), mời chúng tôi về thăm nhà ông ở gần cầu Bến Phân. Ông cầm lái. Chiếc ghe xuôi dòng sông Sài Gòn một đoạn khá dài rồi bắt đầu chuyển hướng rẽ trái vào nhánh sông Vàm Thuật. Đi được vài km, xuất hiện trước mắt chúng tôi một tòa miếu cổ...

Ghé vào miếu cổ

Tòa miếu ẩn mình trong sương mai buổi sớm. Phải đến gần, chúng tôi mới nhận ra được hết những nét đẹp của nó. Ông Ba nói: "Ở đây người ta gọi đó là Miếu Nổi. Mình lên chơi một chút nhé". Tôi đồng ý và ghe ông cập bến.

Đò đưa khách đến miếu.

"Tôi là người miền Bắc vào miền Nam trước năm 1954. Lúc ấy tôi còn nhỏ. Mỗi lần cùng gia đình đi làm cá trên sông ngang qua đây nhìn lên miếu thấy âm u lắm. Chính cái âm u đó đã thu hút rất nhiều người đến chiêm bái, cầu an", ông kể.

Chúng tôi bước lên miếu. Cổng chào được xây dựng theo cổng tam quan bên trên có "lưỡng long tranh châu". Mái cổng lợp ngói, hình dạng cong vút. Những trụ cột được cẩn đá. Ở hai cột chính có hai đầu rồng vươn lên cao gần với tấm biển "Phù Châu Miếu" bằng chữ Việt - Hoa.

Miếu Phù Châu còn gọi là Miểu Nổi, giữa sông Vàm Thuật

Những chiếc đò ngang từ bờ phường 5 (Q. Gò Vấp, TP.HCM) đưa khách đến và đón khách rời miếu. Khách tham quan chỉ mất 10 nghìn đồng để ra miếu và vô bờ.

Cổng vào

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết miếu có diện tích khoảng 550 m2, được xây gần như bao trùm trên một cồn đất nhỏ hình bàn chân rộng chừng 2.500 mét vuông nổi giữa sông Vàm Thuật.

Đến nay vẫn chưa có ai xác định được miếu có từ lúc nào. Theo các tài liệu ghi lại, miếu có từ thế kỷ 18 đến nay đã gần 300 năm. Vào thời ấy, một người chài lưới trên sông đến quăng lưới gần cồn đất.

Rồng lượn

 Khu vực chính của miếu

Khác với ngày thường, hôm đó lưới nặng trĩu. Cố kéo lên dân chài phát hiện trong lưới là xác một người phụ nữ. Ông đem thi thể lên cồn và an táng người xấu số tại đây.

Sau đó, một ngôi miếu nhỏ bằng tre lợp lá dừa được các nhà buôn đường thủy cùng các bô lão trong vùng dựng thành. Họ xây miếu thờ Ngũ Hành, Long Mẫu và những oan hồn với ước nguyện cầu mong được thuận buồm xuôi gió, thượng lộ bình an. Đến hôm nay, ngôi miếu được xây dựng, ôm nguyên một cồn đất giữa lòng sông.

Từ cồn đất trở thành di tích kiến trúc nghệ thuật

"Mình vào trong đi anh", ông Ba giục tôi. Vừa đi ông vừa nói, trước đây nhiều người đến viếng. Miếu lúc nào cũng tỏa ngát khói hương. Đến năm 1975, không còn ai đến miếu. Miếu bị bỏ hoang. Đổ nát, hoang tàn, ngôi miếu trở nên lạnh lẽo. Bến đò cũng tạm ngưng hoạt động...

17 năm sau, ông Sáu Hòa một người dân cư ngụ gần miếu đã cùng với ông Lục Câu - người Việt gốc Hoa - đứng ra vận động sửa sang và khôi phục lại mọi hoạt động của ngôi miếu. Chính ông Lục Câu đã tự tay phác thảo và thực hiện tu sửa, đắp lại các hình tượng tại miếu. Sau này ông trở thành trưởng ban quản lý miếu.

Sau nhiều lần trùng tu, miếu Phù Châu đã trở thành một ngôi miếu khang trang. Năm 2010, UBND TP.HCM đã công nhận Miếu Phù Châu là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Tiền điện, thờ Phật Như Lai, Phật Di lặc và Phật Bà. Ban đầu, miếu chỉ thờ Ngũ hành thánh mẫu vì miếu không phải là nơi thờ Phật. Sau những lần trùng tu tượng Phật được thêm vào.

Trung điện

Chính điện

Dạo một vòng quanh miếu, chúng tôi ghi nhận kiến trúc miếu rất tinh xảo. Những hình rồng, phượng đắp nổi, cẩn sứ rất tỉ mỉ. Trên nóc mỗi toà nhà đều có những đôi rồng uốn lượn khi thì chầu hạt ngọc, lúc chầu tháp Cửu phẩm, chầu cuốn thư.  

Khu chính điện của miếu được chia ra làm 3 phần. Phật Tổ Như lai, Phật Bà Quan Âm và Phật Di Lặc được thờ ở tiền điện. Trung điện có Tề Thiên đại thánh và chính điện thờ Ngũ hành Thánh Mẫu, Bà Chúa xứ Châu Đốc. Ngoài ra còn rất nhiều pho tượng, nhiều am nhỏ thờ nhiều vị thần khác.

Những am nhỏ

Tôi và ông Ba tiếp tục dạo chung quanh. Nhiều gian hàng bán kinh, sách. Cũng có nhiều người bán cá, chim để cho du khách phóng sinh.

Những ngày Tết, từ mồng 1 đến hết Rằm tháng giêng, Rằm tháng 2 và Rằm tháng 7 là những ngày miếu không còn chỗ chen chân. Ngày Tết viếng miếu cũng là một nét văn hóa mà người thành phố đến nay vẫn còn gìn giữ.

Lên ghe rời miếu. Miếu khuất dần sau lưng chúng tôi. Ông Ba nở nụ cười: "Sáng mồng một năm nay mời anh cùng tôi, mình xuất hành viếng miếu Phù Châu nhé".

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 03/02/2018   

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/ngoi-mieu-hon-300-nam-giua-song-o-sai-gon-nhung-ngay-can-tet-426651.html?fbclid

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngôi miếu hơn 300 năm nổi giữa sông vào những ngày cận Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO