Ngôi làng nhỏ có đến hàng trăm giáo sư, tiến sĩ

18/03/2024 15:15

Làng Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) được biết đến là “làng khoa bảng”, nơi đây vẫn còn tấm bia ghi danh 11 vị tiến sĩ. Tiếp bước truyền thống hiếu học, đến nay, làng Nguyệt Viên đã có hàng trăm giáo sư, tiến sĩ.

Ông Cao Xuân Mạc, Trưởng Ban quản lý di tích nghè Nguyệt Viên, cho biết, làng Nguyệt Viên trước kia thuộc huyện Hoằng Hóa, nằm nép mình bên dòng sông Mã.

Theo sử sách ghi chép lại, nghè Nguyệt Viên được xây dựng năm 1593 thờ một nữ Thành hoàng làng là Công chúa Mai Hoa – con gái vua. Trong nghè còn có một tấm bia ghi danh 11 vị tiến sĩ qua các thời đại phong kiến.

W-a1hhhhhhhhhhhhhh.jpg
Trường Tiểu học xã Hoằng Quang được xây dựng bên nghè Nguyệt Viên

Tương truyền, làng Nguyệt Viên từ thời nhà Mạc có tên là Nguyệt Nổ. Vào năm 1637, một lần đi thuyền trên sông Mã qua đây, thấy khúc sông đẹp, phong cảnh hữu tình thơ mộng nên vua Lê Thánh Tông đã đổi tên làng thành Nguyệt Viên.

Theo ông Mạc, từ xưa, làng Nguyệt Viên đã được biết đến là “làng khoa bảng”  hay “làng đại khoa”. Ngày đó, cả xã Hoằng Quang có 22 người đỗ khoa bảng, làng Nguyệt Việt có 11 người, tất cả đều được ghi danh tại Văn Miếu ở Hà Nội và Huế. Người đỗ khoa bảng cuối cùng của làng vào năm 1945 là ông Lê Viết Tạo, làm quan dưới triều nhà Nguyễn.

W-a2hhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Nghè cổ Nguyệt Viên nơi có tấm bia ghi danh 11 tiến sĩ thời phong kiến

Tại huyện Hoằng Hóa ngày nay, có ngôi trường THPT mang tên Lê Viết Tạo do hậu duệ cụ là Giáo sư Lê Viết Ly hỗ trợ xây dựng đang góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục địa phương.

Trong thời đại phong kiến, hiếm có một làng quê nào có nhiều người đỗ đầu trong các kỳ thi thư ở làng Nguyệt Viên - được thể hiện trong hương ước của làng. “Hương ước ngày đó đã đề cao sự học và khuyến khích việc học hành. Trong điều khoản ưu tiên với người đang đi học, đề cao trọng vọng và có những ưu đãi đặc biệt với người đã đỗ đạt...”, ông Mạc chia sẻ.

W-a3hhhhhhhhhhhhh.jpg
Ông Mạc chia sẻ về câu chuyện hiếu học ở làng Nguyệt Viên

Ông Mạc trước kia là Chủ tịch hội khuyến học xã, nên ông nắm rõ về chương trình khuyến học ở địa phương. Làng Nguyệt Viên luôn đứng đầu về phong trào khuyến học của xã. Thống kê của xã cho thấy, chỉ tính riêng từ Cách mạng Tháng 8/1945 đến nay, làng Nguyệt Viên đã có hàng trăm người được phong học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ và đỗ thạc sĩ.

W-a4hhhhhhhhhhhh.jpg
Bia tiến sĩ làng Nguyệt Viên

Làng Nguyệt Viên có 27 dòng họ, nhưng nổi danh khắp cả nước về sự thành đạt nhờ con đường học vấn là dòng tộc Lê Viết. Đây là dòng tộc luôn đóng góp nhiều nhân tài nổi tiếng cho đất nước. Các giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng có những đóng góp to lớn cho khoa học, nghiên cứu, giảng dạy như: Lê Viết Lân, Lê Viết Ly, Lê Viết Bình, Lê Viết Kim Phượng, Lê Viết Khuyến, Lê Viết Dư Khương... Không chỉ vậy, nhiều người hiện đang công tác, giảng dạy tại các trường đại học của nước ngoài.

Nhiều năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài ở làng Nguyệt Viên trở thành điển hình cho phong trào khuyến học tại Thanh Hóa.

W-a5hhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Làng Nguyệt Viên bên bờ sông Mã

Trong cuốn sổ tay của ông Mạc có đến cả nghìn em học sinh đỗ đại học, cao đẳng. Theo quan niệm của người dân địa phương, đậu đại học, có việc làm mới được coi là thành đạt.

Ông Mạc cho biết, những người con của làng thành đạt cũng quay trở lại hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục địa phương. Trong đó, đặc biệt là gia đình giáo sư Lê Viết Ly đã hỗ trợ hàng tỷ đồng để xây dựng Trường Tiểu học xã Hoằng Quang bên nghè của làng Nguyệt Viên; trường THPT mang tên Lê Viết Tạo…

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/ngoi-nghe-co-o-thanh-hoa-ghi-danh-11-vi-tien-si-cua-lang-thoi-phong-kien-2259255.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/ngoi-nghe-co-o-thanh-hoa-ghi-danh-11-vi-tien-si-cua-lang-thoi-phong-kien-2259255.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngôi làng nhỏ có đến hàng trăm giáo sư, tiến sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO