Một nhóm nghiên cứu từ các viện, trường trực thuộc Đại học Tô Châu (Trung Quốc) đã xem xét tác động độc lập cũng như kết hợp của thời gian ít vận động hằng ngày với việc tiêu thụ cà phê đối với bệnh tim mạch và tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.
Các kết quả cho thấy nếu người nào vì tình thế bắt buộc - ví dụ đặc điểm công việc - khiến phải ngồi lâu, việc uống cà phê có thể "bù đắp" phần nào tác hại.
Ngược lại, nếu vừa ngồi trên 6 giờ/ngày vừa ghét cà phê, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là rất cao.
Trong bài công bố trên tạp chí y học BMC Public Health, các tác giả cho biết hành vi ít vận động đã được chứng minh là yếu tố có thể tác động đến một số bệnh mạn tính, nhất là bệnh tim mạch, đồng thời tăng nguy cơ tử vong sớm.
Trong khi đó, tiêu thụ cà phê được cho là có lợi cho sức khỏe, nhất là hệ tim mạch.
Tuy nhiên, mối liên hệ chung giữa thời gian ngồi hằng ngày và việc tiêu thụ cà phê với tỉ lệ tử vong vẫn chưa được hiểu rõ.
Các tác giả đã phân tích bộ dữ liệu của hơn 10.000 người trưởng thành được thu thập bởi cuộc khảo sát quốc gia NHANES của Mỹ.
52% trong nhóm người này có uống cà phê hằng ngày và hơn 50% cho biết họ ngồi ít nhất 6 giờ mỗi ngày, trong đó có 23% vừa không uống cà phê vừa ngồi ít nhất 6 giờ/ngày.
Trong 13 năm theo dõi, 945 trường hợp tử vong đã xảy ra ở những người tham gia nghiên cứu, trong đó có 284 trường hợp là do bệnh tim mạch.
Phân tích độc lập về thời gian ngồi lâu nói chung thì những người ngồi trên 8 giờ/ngày có nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân cao hơn 50%, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn 40% so với người ngồi ít hơn 4 giờ/ngày.
Xét độc lập về thói quen uống cà phê, những người "ghiền" cà phê nhất có tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn trung bình 30% so với nhóm không uống, tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn tới 50%.
Nếu vừa không uống cà phê vừa ngồi ít nhất 6 giờ/ngày, tỉ lệ tử vong sẽ cao gấp 1,6 lần so với những người uống cà phê và không ngồi quá lâu.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa thời gian ngồi và tăng nguy cơ tử vong chỉ dành riêng cho những người trưởng thành không uống cà phê, chứ không phải ở những người uống cà phê.
Cơ chế giúp cà phê làm giảm tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng có thể tính chống viêm, chống oxy hóa có trong cà phê đã giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, từ đó giảm nguy cơ tử vong sớm.
Hơn 1.000 hợp chất có lợi có thể được tìm thấy trong cà phê, phổ biến nhất là caffeine, axit chlorogen, trigonoid, melanoid, axit caffeic, cafestol, kahweol và các polyphenol.