"Ngôi đền ngầm" vĩ đại giúp bảo vệ 38 triệu cư dân Tokyo khỏi lũ lụt

31/07/2021 09:15

Khi mà biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan, các đường hầm dưới lòng đất của Nhật Bản càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

Năm này qua năm khác, hoa anh đào nở ở Nhật Bản là báo hiệu cho sự kết thúc của mùa đông và mở ra một mùa xuân hồng. Nhưng năm nay lại có một điều gì đó thật khác biệt, đáng báo động hiện lên ở những cây hoa anh đào.

Theo các nhà khoa học phân tích, đây có thể là một triệu chứng của biến đổi khí hậu, khi mà hoa anh đào ở Kyoto đạt đỉnh hoa vào ngày 26 tháng 3, thời điểm sớm nhất kể từ khi các tài liệu bắt đầu được ghi lại vào năm 1953. Từ đó đến năm 2020, nhiệt độ trung bình tháng 3 ở Kyoto tăng từ 8,6 độ C lên 10,6 độ C.

Hoa anh đào nở sớm có lẽ vô hại nhưng biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như mưa và lũ lụt dữ dội.

Để chống lại lũ lụt, Nhật Bản đã tạo nên các hệ thống phân lũ ngầm khổng lồ.

Một công nhân đứng bên trong bể nước ngầm. Nước lũ sẽ được lưu trữ ở đây, trước khi được bơm vào dòng sông Edo (ảnh: CHARLY TRIBALLEAU/AFP)

The Metropolitan Area Outer Floodway, là một dự án cơ sở hạ tầng thoát nước ngầm ngoài khu vực đô thị, nằm ở ngoại ô của Vùng thủ đô Tokyo, là một trong những đường hầm thoát nước ngầm lớn nhất thế giới.

"Ngôi đền ngầm" này giúp chuyển hướng nước lũ để bảo vệ 38 triệu cư dân Tokyo.

"Những trận mưa lớn dữ dội, những thảm họa có thể xảy ra 100 năm một lần, đang trở nên thường xuyên hơn do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Chúng hiện đang diễn ra với tần suất 50 năm một lần hoặc 30 năm một lần", Kei Yoshimura, một giáo sư tại Đại học Tokyo chuyên về thủy văn, cho biết.

"Hệ thống thoát lũ của Tokyo giúp ngăn chặn hầu hết các thảm họa", Yoshimura nói.

Bể ngầm này có 59 trụ, mỗi trụ nặng 500 tấn (ảnh: CHRIS MCGRATH/GETTY IMAGES)

Takeshi Ōyama, người phát ngôn của Văn phòng thủy văn Edogawa, đơn vị quản lý lũ, cho biết hệ thống này đã hoạt động đặc biệt hiệu quả đối với khu vực Saitama, một phần của Vùng thủ đô Tokyo, nơi mà trước đây dễ bị lũ lụt do bão hoặc những đợt mưa xối xả.

Kể từ khi hoàn thành một phần vào năm 2002 đến năm 2019, hệ thống đã được sử dụng 121 lần để tích trữ nước lũ dư thừa.

Các bể chứa sâu hơn 72 mét, đủ lớn để chứa một tàu con thoi (ảnh: CHARLY TRIBALLEAU/AFP)

Vào tháng 7 năm 2000, một cơn bão kinh hoàng mang theo mưa lớn đã làm 248 ngôi nhà ở vùng Saitama bị ngập lụt.Tuy nhiên, sau khi hoàn thành toàn bộ hệ thống này vào năm 2006, đã không còn nhiều ngôi nhà bị ảnh hưởng do bão như trước nữa.

Vào tháng 12 năm 2006, một cơn bão với lượng mưa lớn hơn cả cơn bão năm 2000 chỉ làm ngập lụt 85 ngôi nhà, theo Văn phòng thủy văn Edogawa.

Không gian khổng lồ dưới lòng đất này có 5 giếng sâu 70 mét, đủ lớn để chứa Tượng Nữ thần Tự do.Các giếng được kết nối với nhau thông qua một mê cung các đường hầm dưới lòng đất, được trợ giúp bởi các cột trụ nặng 500 tấn.

Du khách tham quan bể nước ngầm (ảnh: CHRIS MCGRATH)

Hệ thống này bắt đầu xây dựng vào tháng 3 năm 1993, trong nỗ lực ngăn chặn thiệt hại do lũ lụt ở khu vực thủ đô Tokyo. Vùng đất xung quanh hệ thống này có hình dạng giống như một cái bát, do đó dễ tích tụ nước mưa và lũ lụt.

Việc tăng cường sử dụng nhựa đường để đô thị hóa Tokyo cũng khiến mặt đất khó hấp thụ nước mưa hơn.Khi có mưa lớn, các sông vừa và nhỏ gần đó sẽ dễ dàng bị ngập lụt và làm ngập các hệ thống thoát nước.

Trong mùa khô, điển hình là tháng 8 đến tháng 5 ở Tokyo, bể ngầm vĩ đại này sẽ mở cửa cho du khách đến thăm. Dây nịt và mũ bảo hiểm sẽ được yêu cầu trang bị trong các phần của chuyến tham quan.

Du khách có thể tham quan nơi đây vào mùa khô (ảnh: CHRIS MCGRATH)

Giang Vu (theo VICE)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
"Ngôi đền ngầm" vĩ đại giúp bảo vệ 38 triệu cư dân Tokyo khỏi lũ lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO