Ngôi chùa độc nhất vô nhị
Dường như trên cả nước chưa có một ngôi chùa nào mà cứ đến ngày vía, ngày rằm – đặc biệt rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10 – lại có nhiều nghệ sỹ đến viếng đến như vậy.
Những vị khách này, sau khi lễ Phật bao giờ cũng tình nguyện biểu diễn ca cải lương (trích đoạn tuồng), ca lẻ không thù lao giúp chùa phục vụ khách khác. Chùa Nhựt Quang hay còn gọi là chùa Nghệ Sĩ có lẽ là chùa duy nhất có tổ chức các buổi ca cải lương như vậy.
Chùa được thành lập khi nghĩa trang nghệ sĩ hình thành. Bước đầu chỉ là một am nhỏ được ông Năm Công, ông bầu của đoàn Lê Minh Công dựng lên để tu hành. Không được bao lâu, ông Năm Công phải nhường am lại cho ông Diệp Nam Thắng tức bầu Xuân vì nợ nần còn chồng chất.
Ông Diệp Nam Thắng vốn là một doanh nhân thành đạt. Ông là chủ nhân của hãng giấy Kiss Me và là giám đốc nhà thầu xây dựng Nam Thắng. Quá mê cải lương, doanh nhân Diệp Nam Thắng đã lập nên gánh hát Dạ Lý Hương nổi đình nổi đám và tên bầu Xuân có từ đó.
Sau khi tiếp nhận am từ ông Năm Công, bầu Xuân xây dựng lại thành ngôi chùa bề thế khang trang đặt tên là Nhựt Quang Tự. Mặc dù là quản lý ngôi chùa nhưng bầu Xuân không xuất gia.
Sau khi bà Bảy Phùng Há mất đi, ông là hội trưởng hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế và cũng là Trưởng ban Quản lý của chùa và nghĩa trang nghệ sĩ.
Đến năm 1972, khi hội Nghệ sĩ Ái hữu thành lập ban quản lý nghĩa trang đã thường xuyên tổ chức tại đây nhiều buổi diễn nhằm quyên góp và vận động các nhà hảo tâm đóng góp phát triển chùa.
Đời nghệ sĩ vốn là kiếp con tằm. Khi nhả hết tơ, con tằm chỉ còn lại thân xác rã rời. Chùa Nghệ sĩ là nơi những con tằm vốn đã vương tơ về đây nương náu, tìm lại chút thanh thản tuổi về chiều, chiêm nghiệm những đắng cay của đời người.
Vốn xuất thân là nghệ sĩ, những sư thầy tại đây vẫn mang nặng dáng dấp của nghệ sĩ trong lớp áo nâu sòng. Những buổi tụng kinh, những câu kinh vang lên mang nặng âm hưởng của những bài ca.
Nhiều người dân sống chung quanh cho biết bà con ghiền nghe kinh từ chùa Nghệ sĩ bởi không trầm buồn như các buổi tụng niệm mà vừa ai oán lâm ly, vừa hùng tráng vừa thiết tha.
Chùa không có trù trì mà được điều hành bởi một Ban quản lý để lo công việc hành chánh và Phật sự. Ngoài những sư thầy nghệ sĩ, còn có một ni cô. Nghệ sĩ Sáu Nết đã vào đây xuống tóc trở thành ni cô duy nhất trong chùa.
Tính đến nay, ngoài người đầu tiên là ông Năm Công lấy pháp danh Thích Quảng An, chùa Nghệ sĩ đã tiếp nhận khoảng 10 nhà sư nghệ sĩ trong đó có nghệ sĩ Tư Thanh Tao (Thích Quảng Minh), Bảy Bá, Ba Cẩn, hề Sa Mạc...
Người chăm lo Phật sự trong chùa hiện nay là Thích Hồng Minh được tôn vinh là thầy Cả. Nhiều năm lăn lộn trong các gánh hát, giờ đây sư thầy có lẽ đã yên phận trong lớp áo cà sa.
Sẽ thành di tích?
Trong nghĩa trang Nghệ sĩ có chùa Nghệ sĩ không có nghĩa chỉ có các nghệ sĩ theo Phật giáo mới được vào yên nghỉ. Ranh giới tôn giáo không nằm trong tôn chỉ của nghĩa trang.
Một số các nghệ sĩ theo Công giáo cũng đã vào đây nằm chung với đồng nghiệp. Đã là nghệ sĩ không phân biệt tôn giáo, sang hèn. Càng không phân biệt là danh ca là kép chánh đào chánh.
Miễn người vào đây đã gắn cuộc đời mình với sân khấu. Các soạn giả như Hà Triều, Hoa Phượng cũng như các ông bầu, các nghệ sĩ ít được người đời biết đến cũng đã sánh vai với Út Trà Ôn, Như Ngọc, Tấn Tài, Thành Tôn, Thanh Nga, Hữu Phước, Út Hiền.
Hai người khác là diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh và Lê Vũ Cầu, diễn viên kịch đều không thuộc giới cải lương nhưng vẫn được vào cùng với các nghệ sĩ khác.
“Buông bức màn rồi danh vọng hết. Người về lòng rũ sạch sầu thương. Người vào cởi áo lau son phấn. Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường". Bốn câu thơ được treo trong chùa nghệ sĩ đã không khiến người đời chạnh lòng.
Những người nằm lại nơi đây đều là những người đã đạt đến đỉnh cao danh vọng. Họ có tất cả vinh hoa, có cả những nỗi đoạn trường và khi lớp son phấn trên người đã lau sạch, họ nằm lại đây với hư không và quạnh quẽ.
Có thể nói, nghĩa trang nghệ sĩ là một nghĩa trang độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Sự tồn tại của nghĩa trang này là một điểm son văn hóa mà ít nơi nào có được. Cũng chính vì điều này, tháng 9/2009, ông Trương Văn Non - Chủ tịch UBND quận Gò Vấp đã trả lời với báo chí: “Chúng tôi xin khẳng định để công luận cũng như khán giả, nghệ sĩ yêu mến các nghệ sĩ quá cố yên tâm là nghĩa trang Nghệ sĩ TP.HCM trong chùa Nghệ sĩ TPHCM chưa hề có và sẽ không có chủ trương giải tỏa”.
Theo ông Non, khi nghệ sĩ nhân dân Phùng Há qua đời, Thành ủy, UBND TP, quận ủy, UBND quận và Hội Nghệ sĩ TP đã tổ chức an táng bà trong khuôn viên nghĩa trang nghệ sĩ. Điều này đã khẳng định quận cũng như TP không hề có chủ trương giải tỏa nghĩa trang.
Về đề xuất chỉnh trang, nâng cấp nghĩa trang Nghệ sĩ TP và bảo tồn nơi này như một khu di tích, ông Non cho rằng đây là nhu cầu chính đáng.
Được biết trước đó, UBND phường 11 đã có công văn gởi đến các hộ có nghĩa trang gia tộc trong phường để họp bàn về việc giải tỏa nghĩa trang. Do có sự nhầm lẫn trong đó có mời ông Diệp Nam Thắng đến dự sinh ra hiều lần sẽ giải tỏa nghĩa trang nghệ sĩ.
Cuối năm, viếng nghĩa trang Nghệ sĩ với những buồn vui lẫn lộn. Vui là các nghệ sĩ được bảo đảm yên giấc nghìn thu nhưng bên cạnh đó cái triết lý về sự sống và cái chết, nỗi vinh nhục cay đắng của đời nghệ sĩ luôn thôi thúc ám ảnh tôi suốt đường về.
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 22/01/2012
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ngoi-chua-vang-tieng-cai-luong-56635.html