Chùa Vô Vi tọa lạc tại thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ngôi chùa nằm trên đỉnh núi Vô Vi. Tương truyền, đây là ngôi chùa cổ được xây dựng năm 968 (thời Đinh), mang tên Phúc Trù tự, đến đời Trần đổi thành Trai Linh tự và dời lên lưng chừng núi.
Theo dấu mốc thời gian được xác định bằng văn tự, năm Hồng Thuận thứ 6 (1514), thời Hậu Lê chùa được đổi tên lần nữa là Vô Vi tự và di dời lên đỉnh núi như ngày nay.
Chùa Vô Vi gắn liền với vị tướng Trần Văn Tăng, người xuất gia từ nhỏ. Sau khi chiến đấu dẹp thù trong giặc ngoài, ông lên núi Vô Vi dựng chùa ở ẩn. Là người thấm nhuần tư tưởng đạo Lão, ông đặt tên chùa là Vô Vi. Sau khi xây chùa, vị tướng này ở Vô Vi mai danh ẩn tích, tu học, giảng đạo, giúp đỡ bà con dân làng.
Chùa Vô Vi được người dân ví như viên ngọc quý, nằm chênh vênh giữa trời đất.
Đi qua cổng chùa khắc 3 chữ Vô Vi tự là đến những bậc thang đá để đi đến tiền đường, nhà mẫu, rồi chính điện.
Con đường dẫn lên chùa làm bằng các bậc đá, xếp gập ghềnh và không thẳng lối, quanh co, càng lên cao đường càng hẹp, dốc với khoảng hơn một trăm bậc.
Dọc hai bên đường lên chùa Vô Vi bốn mùa xanh rợp bóng cây cổ thụ xen lẫn những cây đại hàng trăm năm tuổi.
Vì nằm trên núi nên chùa không rộng, chỉ hơn 10m2. Mặc dù đã xây dựng từ lâu nhưng kiến trúc của chùa hầu như nguyên vẹn.
Đỉnh núi Vô Vi có một vòm đá chìa ra che đủ một quả chuông nhỏ treo ở phía bên dưới. Quả chuông nhỏ này được đúc vào năm 1814 là một cổ vật còn lưu giữ được của chùa.
Mỗi khi có thời gian, Nguyễn Thế Đồng (25 tuổi, quê ở Quốc Oai, Hà Nội) lại đến chùa Vô Vi tụng kinh để hiểu sâu, thấm nhuần thêm về phật pháp.
Trong chùa Vô Vi gồm ban Tam bảo, tượng phật, tượng thánh và hai vị hộ pháp.
Trên vách núi bên chùa hiện vẫn còn bài thơ Trùng phỏng Vô Vi tự (Thăm lại chùa Vô Vi) của Trần Văn Tăng.
Bức vẽ Thập Điện Diêm Vương trên hai bức tường của chùa. Bức vẽ đã nhiều lần được người dân chỉnh sửa.
Lầu nghênh phong trên đỉnh núi Vô Vi. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên lãng mạn và đầy thơ mộng.
Điểm đặc biệt trên nóc mái của lầu nghênh phong có gắn bát quái với hình tượng âm dương Lạc Việt.
Vào mỗi buổi chiều, bà Lê Thị Tung (71 tuổi) - người trông coi chùa 35 năm nay lại quét dọn quanh chùa. Bà Tung kể, trước đây quanh chùa là dòng sông trong xanh, nhưng dần dần sông bị lấp, chỉ còn một số hồ.
Bà Tung chia sẻ, vào các ngày cuối tuần và ngày rằm, mùng một âm lịch có đông du khách tới chùa để lễ phật và tham quan.