Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới châu Á trong ngày 6/7 để chuẩn bị cho Hội nghị Ngoại trưởng G20. (Nguồn: AP) |
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới châu Á trong ngày 6/7 để chuẩn bị cho Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Bali (Indonesia).
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/7 có đoạn: “Ngoại trưởng Blinken trước tiên sẽ tới Bali, Indonesia, để tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G20, nơi ông ấy sẽ củng cố cam kết trong việc hợp tác với các đối tác quốc tế để đương đầu với các thách thức toàn cầu”.
Theo lịch trình dự kiến, Ngoại trưởng Blinken sẽ có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị kể từ tháng 10/2021, song không hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Nhưng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, khả năng ông Blinken có thể ở cùng phòng hoặc chụp ảnh chung với Ngoại trưởng Nga và cho biết, Mỹ sẽ là một “nhân tố tham gia tích cực tại G20”.
Ngoại trưởng Blinken cũng sẽ gặp Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và sẽ dừng chân tại Bangkok (Thái Lan) để gặp Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cùng Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Don Pramudwinai.
Hội nghị Ngoại trưởng G20 sẽ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. (Nguồn th.boell.org) |
Giới phân tích nhận định Hội nghị Ngoại trưởng G20 sẽ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu và căng thẳng tại Đông Âu.
Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề kinh tế và thương mại Mỹ Ramin Toloui nói với báo giới rằng, ông Blinken sẽ nêu vấn đề an ninh năng lượng và một sáng kiến của Liên hợp quốc nhằm đưa các mặt hàng lương thực và phân bón của Nga, cũng như Ukraine trở lại thị trường toàn cầu.
Ông Toloui nói: “An ninh lương thực và năng lượng sẽ là những nội dung rất nổi bật trong các cuộc thảo luận". Mỹ muốn G20 hỗ trợ các sáng kiến của Liên hợp quốc để chuyển lương thực ra khỏi cảng Odesa của Ukraine tại Biển Đen, cũng như xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga ra thị trường toàn cầu.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á Daniel Kritenbrink cho biết, ông hy vọng, Ngoại trưởng Blinken và người đồng cấp Trung Quốc sẽ có các cuộc trao đổi “thẳng thắn”.
Ông Kritenbrink nhấn mạnh yếu tố “quan trọng” trong việc duy trì đường dây liên lạc mở với các đối tác Trung Quốc “để đảm bảo rằng, chúng tôi có thể ngăn chặn bất kỳ tính toán sai lầm nào dễ vô tình dẫn đến xung đột và đối đầu”.
Đây sẽ là cuộc tiếp xúc cấp cao mới nhất giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc. Ông Kritenbrink nói: “Tôi hy vọng rằng trong cuộc họp đó, chúng ta sẽ có thể thảo luận về mối quan hệ với không gian đủ bảo đảm để sự cạnh tranh của chúng ta không trở thành những tính toán sai lầm hoặc đối đầu… Mỹ cũng cam kết khám phá các lĩnh vực hợp tác tiềm năng cần thiết cho lợi ích của cả hai”.
Bất chấp cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Washington và Bắc Kinh, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là các đối tác thương mại then chốt của nhau.
Tổng thống Joe Biden đang xem xét dỡ bỏ thuế quan đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để kiềm chế đà gia tăng lạm phát trước cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 tới, đây chính là cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát tại Quốc hội của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 4/7 và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng đã gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Luxembourg hồi tháng trước.
Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến cũng sẽ có các cuộc đối thoại trong thời gian tới. Nhà Trắng chưa có lịch trình cụ thể cho kế hoạch này.