'Ngoại giao cây tre Việt Nam' khác với 'ngoại giao cây tre' nước khác thế nào?

24/07/2024 22:10

Ngoại giao cây tre Việt Nam luôn linh hoạt và mềm dẻo trong thực tiễn, nhất là trong việc thực hiện những chính sách đối ngoại của đất nước.

Một trong những dấu ấn lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho nền ngoại giao Việt Nam chính là những thành công của đường lối đối ngoại "ngoại giao cây tre Việt Nam", bên cạnh tình cảm sâu đậm của bạn bè quốc tế với cá nhân Tổng Bí thư.

Trường phái "ngoại giao cây tre" không phải là mới vì đã được nhiều nước, trong đó có Thái Lan, áp dụng từ lâu. Vậy "ngoại giao cây tre" của Việt Nam khác gì so với chính sách "ngoại giao cây tre" của các nước khác, đặc biệt là Thái Lan?

Để hiểu hơn về đường lối đối ngoại, ngoại giao độc đáo "cây tre Việt Nam" và sự khác biệt của chính sách này với các nước khác, Báo điện tử VTC News phỏng vấn PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

- Chính sách "ngoại giao cây tre" đã được nhắc đến từ lâu. Trong khi đó, đường lối đối ngoại này mới được nhắc đến nhiều ở Việt Nam và gắn chặt với người khởi xướng - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Có điểm nào chung, điểm nào riêng trong cùng thuật ngữ trường phái khi thực hiện tại Việt Nam và nước khác, đặc biệt là Thái Lan, thưa ông?

Nói đến ngoại giao cây tre là chúng ta nói đến những chiến lược ngoại giao thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo trong quan hệ quốc tế.

Khái niệm ngoại giao cây tre trước đây Thái Lan đã sử dụng, và hiện nay Việt Nam chúng ta cũng đang sử dụng. Nó có những điểm chung, nhưng có những điểm khác biệt rất lớn giữa ngoại giao cây tre của Việt Nam và Thái Lan.

'Ngoại giao cây tre Việt Nam'  khác với 'ngoại giao cây tre' nước khác thế nào? - 1

Ngoại giao cây tre Việt Nam phản ánh triết lý và phong cách ngoại giao rất độc đáo, kết hợp giữa sự kiên định về nguyên tắc và sự linh hoạt trong thực tiễn, giống như trước đây Bác Hồ đã từng nói "Dĩ bất biến ứng vạn biến".

PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Điểm chung là khi nói đến ngoại giao cây tre thì cả hai nước đều sử dụng chiến lược ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo. Nhưng những đặc điểm riêng biệt dựa trên lịch sử và bối cảnh của mỗi quốc gia. Ngoại giao cây tre của Thái Lan nổi bật ở tính trung lập và khả năng thích ứng. Trong khi đó, ngoại giao cây tre của Việt Nam nhấn mạnh đến sự linh hoạt, cùng với các nguyên tắc kiên định và quá trình lịch sử đấu tranh của đất nước.

Thái Lan có lịch sử trung lập. Họ luôn luôn cố gắng duy trì lập trường trung lập, không đứng hẳn ở phía nào trong các phe, nhất là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Điều này đã giúp họ tránh được một số cuộc xung đột và duy trì hòa bình trong khu vực.

Ngoài ra, Thái Lan được biết đến với chiến lược ngoại giao linh hoạt, có khả năng thích ứng với các biến động của chính trị quốc tế. Bên cạnh đó, họ chú trọng vào quan hệ đa phương và hợp tác trong khu vực, đặc biệt là hợp tác trong khu vực ASEAN.

Đối với chúng ta, ngoại giao cây tre Việt Nam mặc dù có một số điểm tương đồng như sự linh hoạt, mềm dẻo, nhưng lại có những đặc điểm rất riêng biệt. Trường phái của chúng ta dựa trên lịch sử, văn hóa cũng như bối cảnh chính trị của Việt Nam. Ngoại giao cây tre Việt Nam phản ánh triết lý và phong cách ngoại giao rất độc đáo, kết hợp giữa sự kiên định về nguyên tắc và sự linh hoạt trong thực tiễn, giống như trước đây Bác Hồ đã từng nói: "Dĩ bất biến ứng vạn biến".

- Như vậy trường phái này phải mang dáng dấp, đức tính "cây tre Việt Nam" theo quan niệm truyền thống...

Cây tre là một biểu tượng văn hóa truyền thống của Việt Nam. Nó mang trong mình những đặc tính nổi bật như là sự vững chắc, sự kiên định, sự dẻo dai và linh hoạt. Những đặc tính này được truyền tải vào trong công tác đối ngoại, chính sách đối ngoại của Việt Nam và giúp chúng ta duy trì hòa bình, ổn định, cũng như phát triển trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp. Nội hàm của chính sách ngoại giao cây tre Việt Nam gồm có mấy nội dung lớn như sau:

Trước hết, ngoại giao cây tre Việt Nam được hình thành và phát triển trong lịch sử đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Nó gắn liền với lịch sử và bối cảnh của đất nước chúng ta. Chúng ta biết là Việt Nam có lịch sử rất lâu dài đấu tranh chống giặc ngoại xâm, từ giặc ngoại xâm phong kiến phương Bắc, rồi trong thời kỳ hiện đại là kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi sau này là cả những xung đột ở biên giới.

Điều này đã hình thành nên đức tính kiên định, sự quyết tâm trong những chính sách ngoại giao. Từ những kinh nghiệm lịch sử, Việt Nam đã xây dựng và phát triển một tinh thần tự lực tự cường, sẵn sàng đối mặt với các thích thức và không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào. Điều này đã thể hiện rất rõ trong cuộc đấu tranh vì độc lập, vì tự do, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thứ hai, ngoại giao Việt Nam là nền ngoại giao dựa trên tư tưởng Hồ Chí Minh, dĩ bất biến, ứng vạn biến, luôn luôn kiên định về nguyên tắc, tiêu biểu là nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền. Việt Nam luôn luôn duy trì và kiên định về tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình, cũng như của các quốc gia khác. Đây là nguyên tắc rất cơ bản trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Ví dụ như trong vấn đề Biển Đông, chúng ta luôn kiên quyết bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình, ngoài ra cũng đòi hỏi giải quyết các tranh chấp thông qua hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước của Liên hợp quốc về luật biển UNCLOS 1982. Hoặc đơn cử nữa là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.

Điều này cũng thể hiện sự tôn trọng đối với duy trì và hòa bình và ổn định trong quan hệ quốc tế.

Thứ ba, ngoại giao cây tre Việt Nam luôn linh hoạt và mềm dẻo trong thực tiễn, nhất là trong việc thực hiện những chính sách đối ngoại của Việt Nam. Sự linh hoạt và mềm dẻo luôn thể hiện trong việc thiết lập duy trì quan hệ với các nước khác, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động và thách thức.

Cây tre có thể uốn cong trước gió mà không bị gãy, thì ngoại giao Việt Nam cũng luôn biết cách linh hoạt, thích ứng với các tình huống quốc tế luôn thay đổi và thay đổi rất nhanh chóng. Chúng ta luôn luôn tìm kiếm các giải pháp về hợp tác và đối ngoại để giải quyết các xung đột quốc tế. Trong chính sách đối ngoại, ta cũng tăng cường đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, mở rộng quan hệ ngoại giao với tất cả các nước và tổ chức quốc tế.

- Nhờ mang tinh thần Việt Nam, bản sắc Việt Nam như vậy mà đường lối đối ngoại đã đạt được thành công rực rõ mà bất cứ ai cũng không thể phủ nhận được, thưa ông?

Trên những cơ sở như tôi đã nói về nội hàm của ngoại giao cây tre Việt Nam, chúng ta thấy Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng rất chú trọng ngoại giao cây tre Việt Nam, đặc biệt là trong bài phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2021. Trong suốt hơn 13 năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư đã để lại những dấu ấn rất sâu đậm trong chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam đã xây dựng và củng cố một bản sắc ngoại giao rất độc đáo và hiệu quả trong thời kỳ mới. Những giá trị di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là qua ngoại giao cây tre Việt Nam thể hiện qua mấy điểm lớn, tiêu biểu nhất là tôn trọng, bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn với lãnh thổ. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Việt Nam luôn kiên định trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế để đảm bảo độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Thứ hai, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư luôn luôn duy trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, tôn trọng với quyền tự quyết của các dân tộc.

Chính sách ngoại giao này đã tạo cho đất nước Việt Nam sự độc lập, tự chủ và đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định của đất nước, duy trì tốt mối quan hệ với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, có đóng góp rất tích cực cho thúc đẩy hòa bình, hợp tác trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trong quan hệ song phương, chúng ta đã phát triển nhiều mối quan hệ, hợp tác chiến lược với các quốc gia, nhất là những nước lớn giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chính sách ngoại giao trong suốt thời gian qua luôn gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội cũng như đối phó với các thách thức toàn cầu.

Việt Nam trong hơn 10 năm gần đây đã ký rất nhiều hiệp ước về thương mại tự do, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, và đã chủ động hội nhập không chỉ kinh tế, mà còn về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện đất nước.

Di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chính sách ngoại giao Việt Nam đối với Mỹ chẳng hạn, là một dấu ấn rất quan trọng và đặc biệt, phản ánh sự linh hoạt, mềm dẻo, nhưng rất kiên định về nguyên tắc trong quan hệ ngoại giao.

Quan hệ Việt Nam - Mỹ đã được nâng lên một tầm cao mới, thông qua việc thiết lập và phát triển đối tác toàn diện năm 2013, rồi đối tác chiến lược toàn diện năm 2023. Điều này tạo ra một khuôn khổ hợp tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa, giáo dục, an ninh, v.v.

'Ngoại giao cây tre Việt Nam'  khác với 'ngoại giao cây tre' nước khác thế nào? - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến 11/9/2023. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo đảng đầu tiên của Việt Nam đến thăm chính thức Mỹ vào năm 2015. Chuyến thăm này có thể nói là đã củng cố và mở rộng quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ trong tất cả lĩnh vực, giúp Việt Nam và Mỹ xây dựng và phát triển một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và hiệu quả.

Chính sách này không chỉ bảo vệ lợi của quốc gia, mà còn góp phần xây dựng một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới.

- Trong buổi lễ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam cuối năm 2023, ta thấy hình ảnh rõ nét của cây tre. Ông có nhận xét gì về hình ảnh này? 

Hình ảnh cây tre trong buổi lễ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam có thể nói là một biểu tượng cho chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam. Đây là một hình ảnh rất mạnh mẽ và sâu sắc, ý nghĩa, phản ánh rõ triết lý và phong cách ngoại giao cây tre của Việt Nam. Trước hết, đây là biểu tượng của sự kiên định và linh hoạt.

Cây tre mềm dẻo nhưng có gốc rất vững chắc, có khả năng chịu được gió bão mà không bị gãy. Điều này phản ánh triết lý ngoại giao của Việt Nam là luôn luôn kiên định trong nguyên tắc nhưng linh hoạt trong ứng xử.

Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn luôn kiên định bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, đồng thời tôn trọng và duy trì quan hệ hòa bình và ổn định. Đồng thời, Việt Nam cũng luôn luôn tìm cách giải quyết các vấn đề tranh chấp và khác biệt thông qua đối thoại, thông qua hợp tác, thông qua việc duy trì quan hệ hữu nghị và phát triển cùng có lợi với Trung Quốc.

Thứ hai, đây có thể nói là biểu tượng cho hòa bình và hợp tác. Cây tre thường mọc từng khóm tượng trưng cho sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau, và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cũng được duy trì dựa trên tinh thần hòa bình và hợp tác.

'Ngoại giao cây tre Việt Nam'  khác với 'ngoại giao cây tre' nước khác thế nào? - 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng trà. (Ảnh: TTXVN)

Hình ảnh cây tre trong buổi lễ đón tiếp nhấn mạnh mong muốn của Việt Nam về một mối quan hệ hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau và phát triển bền vững. Hình ảnh này cũng gửi đi một thông điệp về sự đoàn kết hợp tác trong khu vực của chúng ta, cũng như thúc đẩy hòa bình và hợp tác trong khu vực.

Thứ ba, biểu tượng cây tre còn là biểu tượng cho sức mạnh mềm và vị thế quốc tế. Việc sử dụng biểu tượng cây tre trong buổi lễ đón tiếp thể hiện sự tự tin và sức mạnh mềm của Việt Nam trong hoạt động quốc tế, đặc biệt là trong việc xây dựng quá trình duy trì quan hệ với các cường quốc, nhất là những nước láng giềng.

Thứ tư, hình ảnh cây tre biểu tượng cho sự nối tiếp truyền thống của hiện đại. Sử dụng hình ảnh cây tre trong các sự kiện ngoại giao lớn, đặc biệt là trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhấn mạnh đến sự tôn trọng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của hai nước, đồng thời thể hiện sự phát triển và hiện đại hóa của các nước, sẵn sàng hội nhập, tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế.

Do đó có thể khẳng định hình ảnh cây tre trong buổi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam là một biểu tượng rất mạnh mẽ, giàu ý nghĩa, làm rõ triết lý và chính sách ngoại giao cây tre Việt Nam.

-  Ngoài hình ảnh trực quan này, đường lối "ngoại giao cây tre" gắn chặt với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những thành công rực rỡ trong quan hệ đối ngoại, thưa ông?

Đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt thời kỳ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu và là người trực tiếp tham gia rất tích cực vào trong các hoạt động đối ngoại, lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại đã thể hiện sự kiên định, linh hoạt và nhạy bén trong bối cảnh quốc tế có rất nhiều biến động.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ các quan hệ song phương, đa phương với các tổ chức, với các quốc gia lớn trên thế giới, đồng thời phát huy vai trò tích cực trong việc tham gia các tổ chức quốc tế trong khu vực cũng như trên thế giới như ASEAN, APEC, Liên hợp quốc.

Việt Nam cũng đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại và hợp tác với các đối tác quốc tế để xây dựng một môi trường hòa bình và ổn định để phát triển. Chúng ta cũng mở rộng và đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ với các cường quốc, như là quan hệ Việt - Mỹ, hay quan hệ với Trung Quốc.

Mặc dù có những thách thức, nhưng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc chúng ta vẫn duy trì và phát triển thông qua các kênh đối thoại và hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại. Còn trong quan hệ với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn rất tích cực, đóng vai trò trong tích cực và chủ động trong ASEAN, thúc đẩy hợp tác trong khu vực cũng như thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, lớn mạnh.

Việt Nam cũng ký nhiều hiệp định thương mại với các nước, các đối tác như EU, CTPPP, từ đó mở rộng thị trường và thu hút đầu tư.

Tóm lại, có thể khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đường lối ngoại giao của chúng ta và việc thực hiện đường lối này đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao uy tế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định, chưa bao giờ chúng ta có được vị thế và uy tín như ngày hôm nay.

- Xin cảm ơn ông!

Theo vtcnews.vn
https://vtcnews.vn/ngoai-giao-cay-tre-viet-nam-khac-voi-ngoai-giao-cay-tre-nuoc-khac-the-nao-ar884976.html
Copy Link
https://vtcnews.vn/ngoai-giao-cay-tre-viet-nam-khac-voi-ngoai-giao-cay-tre-nuoc-khac-the-nao-ar884976.html
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    'Ngoại giao cây tre Việt Nam' khác với 'ngoại giao cây tre' nước khác thế nào?
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO