‘Ngoại giao Cảnh sát biển’ – hài hòa xung đột Biển Đông

Vy Anh| 28/10/2023 16:21

Trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 (25-26/10) vừa qua, một chủ đề được các đại biểu chú trọng thảo luận là vai trò của Cảnh sát biển trong tăng cường hợp tác ở Biển Đông.

‘Ngoại giao Cảnh sát biển’ – hài hòa xung đột Biển Đông
Quang cảnh phiên làm việc ngày thứ 2 Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15. (Nguồn: TTXVN)

Khoảng trống tạo ra "vùng xám"

Hầu hết các đại biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động “vùng xám”, một số hoạt động đơn phương của tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển ở khu vực.

Trong vấn đề Biển Đông, cảnh sát biển là một lực lượng khá đặc biệt, cả về chức năng và khía cạnh pháp lý. Việc làm rõ vai trò của cảnh sát biển cũng phản ánh kỳ vọng về việc "thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh", đúng với chủ đề của hội thảo năm nay.

Về nguyên tắc, cảnh sát biển là lực lượng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong những khu vực được luật pháp quốc tế xác định rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề mà các đại biểu cho là “rắc rối” khi luật trong nước xung đột với luật quốc tế ở các khu vực tranh chấp, tức một nước có thể vi phạm luật pháp quốc tế trong quá trình thực thi cái mà họ xem là "tuân thủ luật quốc gia".

Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ), hiện nay ở những khu vực chồng lấn và còn tranh chấp, việc sử dụng cảnh sát biển theo luật quốc gia để xua đuổi, trừng phạt hoạt động của các lực lượng khác, người dân khác... sẽ gây ra xung đột.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thao cho rằng, vấn đề cảnh sát biển phản ánh nội hàm của hai chữ "vùng xám" ở Biển Đông. Tức là, trong lúc áp dụng luật pháp quốc tế và luật quốc gia, sẽ có những khoảng trống người ta có thể giải thích khác nhau, tạo ra những "vùng xám". Các quốc gia sẽ đưa ra cách giải thích có lợi cho mình.

"Ngoài ra, họ cũng có thể sử dụng một số lực lượng khác như dân quân biển, nằm giữa dân sự và quân sự. Trong luật, những điều khoản, quy định này chưa được rõ ràng. Đôi khi người ta sẽ sử dụng dân quân biển để làm những nhiệm vụ quân sự, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ", PGS.TS Nguyễn Hồng Thao giải thích thêm.

Có niềm tin có thể sát cánh

Trong bối cảnh nêu trên, các ý kiến tại Hội thảo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao Cảnh sát biển; cho rằng các nước nhỏ và vừa nên đẩy mạnh hợp tác, tương tác với nhau, hành động nhất quán, đoàn kết dựa trên luật pháp quốc tế để tạo sức mạnh tập thể, trong đó có khuyến nghị thể chế hoá Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN.

Một số ý kiến cho rằng các nước trong khu vực cần thống nhất chuẩn mực của tàu Cảnh sát biển, hợp tác chia sẻ chuyên môn về thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ an toàn, môi trường biển và duy trì trật tự trên biển, nâng cao kỹ năng và sự chuyên nghiệp của cảnh sát biển. Có ý kiến cho rằng, Cảnh sát biển khu vực hợp tác xây dựng năng lực an ninh biển với các nước lớn ở trong và ngoài khu vực, xây dựng các bộ quy tắc kiểm soát hành vi của lực lượng cảnh sát biển.

Về vấn đề này, ông Hudiansyah Is Nursal, Phó giám đốc luật pháp và pháp luật quốc tế của Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia (BAKAMLA) cho biết, Indonesia đặt trọng tâm vào cách thức hợp tác với cảnh sát biển các nước khác trong khu vực, vì an ninh hàng hải về bản chất là câu chuyện xuyên quốc gia.

"Đó là lý do chúng tôi dành nhiều nỗ lực phối hợp với khu vực, từ Malaysia, Việt Nam, Philippines, tới Singapore. Bởi tôi cho rằng với sự phối hợp tốt, có niềm tin với nhau, chúng ta có thể sát cánh", ông nói.

Theo ông Nursal, hợp tác cảnh sát biển giữa Indonesia và Việt Nam rất mạnh mẽ. Hai nước cũng đã phối hợp tốt cùng Malaysia trong nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có tìm kiếm và cứu hộ.

Hợp tác, chủ nghĩa đa phương cũng được các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh trong khuôn khổ hội thảo để đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Bà Paola Pampaloni, quyền Vụ trưởng Vụ châu Á và Thái Bình Dương - Cơ quan Đối ngoại EU (EEAS) cũng đưa ra nhận định: "Chủ nghĩa đa phương vẫn là công cụ hiệu quả nhất trong quan hệ quốc tế, có lợi cho tất cả, giúp các nước cùng nhau giải quyết tranh chấp và đạt được các mục tiêu chung".

Theo bà Pampaloni, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là "kim chỉ nam" cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại khu vực. Bên cạnh đó, EU ủng hộ tiến trình đàm phán do ASEAN dẫn dắt nhằm hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
‘Ngoại giao Cảnh sát biển’ – hài hòa xung đột Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO