Ngọ Môn - Tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn 'chứng kiến' nhiều biến động lịch sử

25/02/2022 07:30

Cùng với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử khác, Ngọ Môn Huế được xem là công trình hội tụ đủ những giá trị về lịch sử, văn hóa và kết tinh của tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn.

Ngọ Môn là cổng chính nằm ở phía Nam của Hoàng Thành Huế. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi chép, Ngọ Môn được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành.

Nguyên tại vị trí này trước đây là Nam Khuyết Đài, được xây dựng vào đầu thời vua Gia Long.

Ngọ Môn - Tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn 'chứng kiến' nhiều biến động lịch sử
Hình ảnh Ngọ Môn Huế bị hoang tàn sau biến cố Mậu Thân. Ảnh tư liệu.

Về tổng thể, Ngọ Môn được chia làm hai phần chính gồm phần nền đài và lầu Ngũ Phụng.

Phần nền đài có bình diện hình chữ U vuông góc, đáy dài 57,77m, cạnh bên dài 27,06m. Đài xây bằng gạch, đá kết hợp với các thanh dầm chịu lực bằng đồng thau.

Đài cao gần 5m, diện tích chiếm đất hơn 1.560m2 (kể cả phần trong lòng chữ U). Thân đài trổ 5 cửa, trong đó cửa chính giữa là Ngọ Môn, cửa này chỉ dành cho vua đi.

Ngọ Môn - Tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn 'chứng kiến' nhiều biến động lịch sử
Ngọ Môn - Tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn 'chứng kiến' nhiều biến động lịch sử
Nhìn từ xa, Ngọ Môn là một công trình tổng thể mang đậm nét độc đáo về kiến trúc và văn hóa triều Nguyễn.

Hai cửa bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn, dành cho các quan văn, võ theo cùng trong đoàn ngự đạo. Hai cửa ngoài cùng nằm ở hai cánh chữ U được gọi là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn, dành cho binh lính và voi ngựa theo hầu.

Lầu Ngũ Phụng đặt ở phía trên đài, được tôn cao bởi một hệ thống nền cao 1,15m và cũng chạy suốt thân đài hình chữ U.

Lầu có hai tầng, kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim với chẵn 100 cây cột. Theo nhiều nhà nghiên cứu, con số 100 biểu trưng cho sự hài hòa “âm dương nhất thể”, hay ý kiến khác lý giải rằng đó là biểu trưng của sức mạnh trăm họ (bách tính).

Phần mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hồi lang. Mái tầng trên chia thành 9 bộ. Trong đó, bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói ống màu vàng, tám bộ còn lại lợp ngói ống màu xanh. Phía trước chính giữa là hệ thống cửa thượng song hạ bản, xung quanh và phía sau nong ván, trên đó trổ nhiều cửa sổ với hình dáng rất phong phú và đa dạng như hình tròn, hình quạt, hình khánh…Các bờ nóc, bờ quyết, hồi mái được trang trí bằng nhiều chi tiết hoa văn tinh xảo.

Ngọ Môn - Tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn 'chứng kiến' nhiều biến động lịch sử
Một góc lầu Ngũ Phụng - nơi vua ngự xem các hoạt động.
Ngọ Môn - Tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn 'chứng kiến' nhiều biến động lịch sử
Kiến trúc Ngọ Môn là một kiệt tác nghệ thuật.

Một số nhà nghiên cứu về kiến trúc cung đình triều Nguyễn đánh giá, chính nhờ sự kết hợp, sắp đặt tài tình cộng với bàn tay khéo léo và đôi mắt thẩm mỹ cao của các nhà kiến trúc thời Nguyễn mà tổng thể Ngọ Môn tuy đồ sộ, nguy nga, nhưng lại không hề thô cứng, đơn điệu mà ngược lại rất mềm mại, tráng lệ và đầy vẻ uy nghi.

“Ngọ Môn xứng đáng được liệt vào hàng những công trình kiến trúc nghệ thuật xuất sắc nhất của triều Nguyễn nói riêng và của nền kiến trúc cổ Việt Nam nói chung”, trong cuốn Kiến trúc Cố đô Huế, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đánh giá.

Biểu tượng của Huế “chứng kiến” nhiều biến động

Cùng với cầu Trường Tiền, Phu Vân Lâu…, với hệ thống kiến trúc độc đáo, Ngọ Môn từ lâu được xem là biểu tượng của Huế.

Ngọ Môn - Tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn 'chứng kiến' nhiều biến động lịch sử
Ngọ Môn - Tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn 'chứng kiến' nhiều biến động lịch sử
Chuông trống dùng trong các lễ hội đặt trên lầu Ngũ Phụng.

Ngọ Môn ngoài chức năng là cổng chính ra vào Hoàng Cung thì đây còn là một lễ đài trong nhiều sự kiện trọng đại của triều đình. Đây là nơi vua ngự xem duyệt binh, dự các lễ Truyền lô - xướng danh các sĩ tử thi đỗ tiến sỹ, lễ Ban sóc (ban bố lịch vào năm mới cho cả nước).

Đặc biệt vào năm 1945, chính tại nơi đây, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm lại cho chính quyền cách mạng và chính thức nền phong kiến Việt Nam cáo chung.

Mặc dù là công trình kiến trúc mang tính lịch sử, văn hóa của triều Nguyễn nhưng dưới sự tác động của thời gian và chiến tranh, biểu tượng này nhiều lần xuống cấp, hư hỏng và trải qua nhiều đợt trùng tu, thay mới.

Ngọ Môn - Tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn 'chứng kiến' nhiều biến động lịch sử
Sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Trong đó phải kể đến những lần “bế quan” để trung tu dưới thời vua Minh Mạng thứ 20 (1839) và dưới các đời vua Thành Thái, Khải Định.

Năm 1945, sau khi chính quyền phong kiến sụp đổ, hệ thống Kinh thành Huế được chính quyền cách mạng tiếp nhận và tiếp tục trùng tu, sửa chữa vào các năm 1956, 1963.

Năm 1968, trong biến cố Mậu Thân, Ngọ Môn nằm trong trọng tâm của vùng chiến sự nên đã bị hư hại nghiêm trọng, đặc biệt là Tả - Hữu Dực Lâu. Ngoài ra, hệ lan can chung quanh lầu cùng với hệ lan can hồ Ngoại Kim Thủy cũng đã bị tổn hại phần lớn.

Ngọ Môn - Tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn 'chứng kiến' nhiều biến động lịch sử
Hình ảnh Ngọ Môn lung linh sắc đèn vào mỗi đêm.

Sau ngày đất nước được thống nhất, xác định đây là công trình mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa lớn của dân tộc được vinh danh di sản văn hóa thế giới, Ngọ Môn tiếp tục nhận được sự quan tâm và trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, phục hồi, giữ lại vẻ đẹp uy nghi, tráng lệ ban đầu.

Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, sự kết tinh của tinh hoa và cả tâm hồn người Việt, Ngọ Môn được người dân xem như đại diện tiêu biểu cho những giá trị của xưa cũ vẫn còn hiện hữu và gắn bó trong tâm hồn người dân xứ Huế.

Quang Thành

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/nha-dep/ngo-mon-tuyet-tac-kien-truc-trieu-nguyen-chung-kien-nhieu-bien-dong-lich-su-818245.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/nha-dep/ngo-mon-tuyet-tac-kien-truc-trieu-nguyen-chung-kien-nhieu-bien-dong-lich-su-818245.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngọ Môn - Tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn 'chứng kiến' nhiều biến động lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO