Nghiện mạng xã hội: Bệnh thời công nghệ của sinh viên

An Thanh| 26/12/2023 13:22

Nghiện mạng xã hội, sử dụng internet liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, xem Tiktok xuyên đêm rồi hôm sau lờ đờ khi đến trường, không thể tập trung vào công việc hay học tập, bỏ bê các hoạt động xã hội,... là tình trạng chung cần được thay đổi của nhiều sinh viên hiện nay.

Một cú chạm đến 3 giờ sáng

Kể từ khi bước vào giảng đường đại học, không có sự quản lý của bố mẹ, không một đêm nào H.T.L (sinh viên năm 4, trường ĐH KHXH và Nhân văn ĐHQG TP.HCM) đi ngủ trước 3 giờ sáng, nguyên nhân là do thói quen thường xuyên kiểm tra điện thoại và lướt mạng xã hội dù không cần thiết, sau đó bị cuốn theo những cú chạm, quên mất thời gian.

“Ban đầu, mình chỉ muốn kiểm tra xem có tin nhắn hay thông báo nào không, nhưng được một lúc rồi mình lại mở ra những ứng dụng mạng xã hội khác như: Facebook, Instagram, TikTok… để xem những video ngắn, bài viết, hình ảnh của bạn bè và người nổi tiếng”, L chia sẻ.

Mạng xã hội có sức hút mãnh liệt với L đến mức những ngày được nghỉ, L chỉ nằm trên giường và thả trí vào mạng xã hội từ đọc truyện, xem phim đến theo dõi những vụ việc nóng trên mạng xã hội rồi tham gia bình luận, bày tỏ ý kiến hay chỉ đơn thuần là dành thời gian đọc hết các bình luận trong bài đăng của những người lạ.

L tiết lộ, cô bạn không thể sống thoải mái nếu rời xa điện thoại. “Không có điện thoại, không sử dụng mạng xã hội khiến mình thấy thiếu thiếu, buồn tay buồn chân. Chỉ cần thả điện thoại xuống là mình có cảm giác bản thân bị tối cổ so với thời đại. Bởi vậy, hôm nào cũng nhắc nhở bản thân phải đi ngủ sớm nhưng lướt một hồi, xoay qua xoay lại đã đến 3 - 4 giờ sáng”, L nói.

Không có gì ngạc nhiên khi L cho biết, nữ sinh được chẩn đoán rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ sau một thời gian dài sử dụng điện thoại một cách mất kiểm soát. Bên cạnh đó, việc thường xuyên thức khuya khiến L không có nhiều năng lượng hoạt động cho ngày hôm sau, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi và chán nản. Thậm chí, có vài hôm L còn nghỉ học vì hôm trước thức quá khuya, không thể dậy sớm để đến trường.

z4996097178108_58da7dda86eb69ad232afc266467673f(1).jpg
Lướt mạng xã hội mọi lúc mọi nơi đã thành thói quen khó bỏ của nhiều bạn sinh viên.

Muốn bỏ cũng khó

Chẳng riêng gì L, N.A.V (sinh viên năm 4, trường ĐH Thủy Lợi TP.HCM) chia sẻ rằng bản thân cũng đang mắc “chứng bệnh” thời công nghệ này, thường xuyên bị sao nhãng, quên mất công việc mình muốn làm rồi liên tục hứa hẹn sang ngày hôm sau. “Nhiều hôm, mình lên kế hoạch dọn dẹp lại bàn học xong rồi đọc sách, nhưng vừa cầm điện thoại, mở ứng dụng lên là mình lại ngồi ì một chỗ xem hết video này đến video kia quên luôn việc cần làm, đến khi sực nhớ lại thì đã hết buổi. Việc gì cũng mình hẹn lại hôm sau, hôm sau nữa nhưng chẳng có việc gì được hoàn thành”, chị V chán nản nói.

Để kiểm soát việc lạm dụng mạng xã hội của mình, V lên kế hoạch những việc cần làm trong ngày và quy định thời gian sử dụng điện thoại cụ thể. Song, thực hiện được vài hôm thì đâu lại vào đấy, không chỉ vậy, thời gian tham gia mạng xã hội của nữ sinh này mỗi ngày lại tăng một ít, còn công việc thì vẫn đình trệ ngày qua ngày.

z4996046060322_bd332f448019de791e3c4e726ad78f01(1).jpg
Ngoài dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, không thiếu những bạn trẻ chơi game thâu đêm suốt sáng.

Tương tự, lệ thuộc mạng xã hội khiến N.C.P (sinh viên năm 2, trường ĐH Giao thông vận tải) dán mắt vào màn hình gần như 24 giờ mỗi ngày. Sáng vừa mở mắt đã nhanh tay bắt lấy chiếc điện thoại truy cập vào Facebook, TikTok để xem những bài đăng, video, nhận xét mới nhất của bạn bè hay những trang mạng yêu thích. Tối về nhà lại dán mắt vào điện thoại để chat, gọi video hay theo dõi tin tức. Đêm khuya cũng không chịu ngủ mà cứ mải mê với điện thoại đến khi mệt mỏi hay hết pin.

P cho biết, lãng phí quá nhiều thời gian cho mạng xã hội khiến nam sinh không còn thời gian cho các hoạt động xã hội. Không chỉ vậy, việc học ở trường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thường xuyên đi học muộn, vắng mặt hay ngủ gật trong lớp, không chú ý nghe giảng, không tham gia các hoạt động nhóm hay thực hành,... những điều này đã làm giảm điểm số, năng suất và hiệu quả học tập của P. “Học kỳ vừa rồi mình rớt 4/8 môn, trong đó có 1 môn là môn chuyên ngành”, anh P nhớ lại.

Nhận thức được tình trạng lệ thuộc mạng xã hội nghiêm trọng của bản thân, P quyết định gỡ các ứng dụng mạng xã hội hay dùng đến để “cai nghiện”. Song, cảm giác thiếu thốn khi không thể kết nối với mọi người khiến P bồn chồn, khó chịu, cứ xóa rồi lại tải hết lần này đến lần khác mà chẳng đạt được hiệu quả gì. “Mình biết rõ nếu mình tiếp tục lãng phí thời gian vào mạng xã hội, kết quả học tập của mình sẽ tiếp tục bị tụt giảm. Chưa kể, cuộc sống của mình sẽ bị đảo lộn. Nhưng mà khó dứt lắm, xóa được vài hôm là mình lại tải về”, P tâm sự.

Thay đổi để có cuộc sống tốt hơn

z4996105686345_e4305d63a52ef3f5499a4b863c66c49b.jpg
Thay vì lướt mạng xã hội một cách vô ích, nhiều bạn trẻ chọn thay đổi thói quen để học tập được nhiêu hơn mỗi ngày. 

Không ai phủ nhận lợi ích của mạng xã hội trong việc cập nhật thông tin, tin tức, kết nối con người với nhau một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, dành nhiều thời gian cho mạng xã hội không vì mục đích công việc hay học tập không chỉ khiến gây tổn hại đến tinh thần và thể chất của nhiều người.

Là người từng xem mạng xã hội như cơm ăn, nước uống và gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe như: thị lực suy giảm, sụt cân, mất ngủ, không cần bằng được cảm xúc của bản thân, Nguyễn Thanh Ngân (22 tuổi, trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM) cho rằng, việc dành nhiều thời gian ngao du trên các trang mạng xã hội khiến chúng ta gần như không có thời gian để làm những việc khác hay đặt ra những mục tiêu quan trọng hơn trong công việc, học tập. Thậm chí, đáng ngại hơn nữa là gặp phải những vấn đề về tâm lý, trầm cảm do sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội. Đây cũng chính là lý do khiến cho Ngân thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội của mình.

“Trừ những app dùng để nhận thông tin từ công việc và học tập thì mình tắt thông báo của hầu hết các ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại, mặc dù hiệu quả không cao nhưng mình sẽ không bị xao nhãng bởi các thông báo khi đang làm việc khác. Mình cũng tập thói quen tránh xa điện thoại khi đang gặp mặt, trò chuyện với mọi người.

Bên cạnh đó, mình hẹn giờ cho tất cả các công việc mình làm và tuân thủ theo. Việc này giống như đặt ra một quy tắc ngầm bắt buộc khiến bản thân phải tuân thủ theo, giúp mình quản lý được thời gian làm việc, học tập và tham gia các hoạt động khác trong ngày”, Thanh Ngân chia sẻ những cách mà cô bạn đã áp dụng để giúp bản thân "cai nghiện" mạng xã hội.

Với Lê Huỳnh Bảo Trân (sinh viên năm 4, trường ĐH FPT TP.HCM), cô bạn chọn cách lập bảng kế hoạch làm việc mỗi ngày giúp cô bạn sử dụng thời gian hợp lý và rời xa được mạng xã hội. “Thay vì lập thời gian biểu cho mỗi tuần, mình lập kế hoạch cho từng ngày. Mình dành khoảng 20 phút mỗi sáng để ghi chú ra giấy tất cả các công việc phải làm trong ngày hôm đó theo thứ tự và khiến bản thân phải tuân theo. Sau khi hoàn thành việc nào đó, mình sẽ đánh dấu tick hoặc gạch bỏ ghi chú đó. Hoàn thành xong tất cả thì mình mới dành thời gian cho giải trí”, Bảo Trân nói.

Thời gian đầu khi sử dụng cách này, Bảo Trân cũng gặp nhiều khó khăn do thói quen sử dụng mạng xã hội đã ăn sâu vào cuộc sống. Song, sau gần một năm tuân thủ theo cách quy tắc do chính mình đặt ra, cô bạn đã có thể quản lý được quỹ thời gian mỗi ngày, rời xa mạng xã hội cũng như tránh được các thông tin tiêu cực.

Còn với, Nguyễn Trúc Ly (sinh viên năm 3, trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM), thay vì dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, cô bạn tìm kiếm đến các hoạt động bổ ích khác như: đọc sách, tham gia các hoạt động thể thao, thiện nguyện, tụ tập cùng bạn bè, câu lạc bộ,... giúp bản thân nâng cao kiến thức và mở rộng các mối quan hệ.

“Có nhiều việc để làm hơn thì mình đâu còn thời gian tập trung vào mạng xã hội. Và mình nhận ra rằng, so với việc lao vào cuộc sống ảo trên mạng thì mình thấy ý nghĩa hơn khi tìm được những hoạt động, công việc ngoài đời thực. Không còn những ngày sống chung với quầng thâm mắt đen sì, cơ thể yếu ớt, da khô khóc như gốc cây, thiếu tập trung nữa, thay vào đó, mỗi ngày mình học thêm một điều mới, đọc sách, chăm sóc bản thân và gương mặt tươi tắn mỗi khi ra ngoài. Mình suy nghĩ tích hẳn ra từ khi hạn chế được thời gian lướt mạng xã hội”, Trúc Ly cho biết

Trúc Ly còn chia sẻ thêm, thay vì nhấn mạnh vào việc so sánh, cạnh tranh trên mạng xã hội, việc tận hưởng và trải nghiệm những khoảnh khắc trong thực tế sẽ giúp chúng ta thấy yêu đời hơn. Bằng cách tạo ra sự cân bằng, hài hòa giữa thế giới ảo và cuộc sống thực tế, bất kì ai cũng có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn, đem lại niềm vui và sự hài lòng từ những trải nghiệm đáng giá mỗi ngày.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghiện mạng xã hội: Bệnh thời công nghệ của sinh viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO