Mới đây Viện Sức khỏe tâm thần tiếp nhận bệnh nhân M.P.Q. (22 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng dễ cáu gắt, không làm chủ được cảm xúc.
Bệnh nhân là sinh viên khoa Công nghệ sinh học của Đại học Mở, hiện tại đã dừng học. Bố mẹ bệnh nhân li hôn từ khi Q. học lớp 7, hiện tại bệnh nhân ở cùng với mẹ và được mẹ rất chiều chuộng. Q. được mọi người nhận xét là vui vẻ, hoà đồng.
Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần tư vấn cho bệnh nhân nghiện game. |
Người nhà bệnh nhân cho biết, Q. bắt đầu chơi game online nhiều từ năm lớp 7. Ban đầu chỉ là được bạn bè rủ chơi cùng, vì tò mò nên chơi. Sau đó Q. thấy rất thích thú vì giúp giải toả căng thẳng học tập và quen nhiều bạn bè hơn.
Dần dần bệnh nhân chơi cả ngày lẫn đêm, chỉ cần được nghỉ học là Q. sẽ dùng máy tính để chơi game với thời lượng mỗi ngày lên đến 10-12 tiếng. Thậm chí nếu được nghỉ học, Q. còn chơi nhiều hơn, có khi bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa như mì tôm, nước tăng lực.
Mẹ bệnh nhân thấy vậy đã nhiều lần khuyên bảo và tắt máy tính đi khiến Q. cáu gắt, cãi lại mẹ, thậm chí có lúc đánh mẹ. “Nhận thấy con có biểu hiện bất thường nên gia đình đã phải đưa cháu đi điều trị rối loạn tâm thần 2 đợt nhưng bệnh thuyên giảm ít”, mẹ Q. nói.
Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, Q. bị mẹ thu máy tính không cho chơi game online làm Q. cáu gắt, có lúc chửi bới lại mẹ, bồn chồn, bứt rứt, cả ngày chỉ nghĩ cách có máy tính để chơi game, thậm chí trốn ra ngoài quán để có máy chơi cùng các bạn.
Hai ngày trước vào viện, bệnh nhân bồn chồn, cáu gắt nhiều hơn, ngủ kém, khoảng 2-3 tiếng/đêm, ăn uống kém nên gia đình cho đi bệnh viện khám và phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (Viện Sức khỏe tâm thần), cho biết: “Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, cảm xúc hành vi ổn định hơn, không còn cáu gắt, thời gian dùng điện thoại, máy tính hơn 2 tiếng/ngày, tích cực tập thể dục thể thao, nói chuyện với mọi người xung quanh nhiều hơn, cải thiện mối quan hệ với mẹ và có định hướng cho tương lai rõ ràng hơn. Bệnh nhân xuất viện về nhà duy trì thuốc và tái khám theo hẹn”.
Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định, không phải trường hợp nào cũng phải nhập viện để cai game. Chỉ những trẻ nghiện game, kèm theo những biểu hiện rối loạn cảm xúc, tâm thần, ăn ngủ thất thường dẫn đến trầm cảm, stress, xa lánh xã hội, bỏ bê chuyện học hành, công việc… mới cần nhập viện. Những trường hợp này ngoài liệu pháp tâm lí còn phải cần điều trị hóa dược để chữa trị từ cảm xúc đến hành vi.
Bệnh nhân chủ yếu ở nhóm 10-24 tuổi
Theo bác sĩ Long, bệnh nhân Q là 1 trong nhiều bạn trẻ nhập viện gần đây vì các biểu hiện tâm thần bất ổn sau thời gian dài nghiện game. Bác sĩ Đặng Thị Hải Yến, Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết, sau dịch COVID-19, tình trạng trẻ dùng điện thoại, máy tính nhiều hơn, khiến trẻ dễ rơi vào tình trạng nghiện game online.
Theo thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần, có tới 43% bệnh nhân điều trị nội trú về nghiện Internet, nghiện game online ở nhóm 10-24 tuổi. Hiện mỗi tháng có nhiều thanh thiếu niên đến khám vì nghiện game, trong đó có 3-4 trẻ phải nhập viện điều trị. Đa số các em nhập viện trong tình trạng nặng, chơi game lâu năm, có các rối loạn cảm xúc, hành vi kèm theo.
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (Viện Sức khỏe tâm thần), nói: “Nghiện game là khi người chơi chơi game một cách cưỡng bức, bỏ qua các sở thích khác; hoạt động trực tuyến liên tục và lặp đi lặp lại dẫn đến tình trạng suy yếu hoặc đau khổ đáng kể về mặt lâm sàng. Người nghiện game dành phần lớn thời gian cho game dẫn đến suy giảm về kết quả học tập và giảm hiệu suất công việc. Họ trải qua các triệu chứng cai khi không chơi game như bồn chồn, bứt rứt, cáu gắt…”.
Nghiện game tuổi học đường ngày càng gia tăng và đang là một vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích game online, trong đó, tỉ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%.
Các nghiên cứu cho thấy, nghiện game, nghiện Internet thường được kích hoạt bởi nhu cầu xoa dịu cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, hoặc cô đơn.
“Sử dụng Internet khiến cho hệ thống tưởng thưởng của não bộ tiết ra các chất như dopamine, gây ra cảm giác hưng phấn và thỏa mãn. Điều này dẫn đến việc người dùng muốn trải nghiệm cảm giác này nhiều lần hơn và dễ dàng dẫn đến nghiện”, bác sĩ Ngọc phân tích.