Nghiên cứu ngăn dòng chính sông Mekong, dẫn nước sông Đồng Nai về Bến Tre

Nguyễn Cường| 12/03/2024 20:59

Trước tình hình hạn mặn nghiêm trọng, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề xuất làm cống ngăn dòng sông Hàm Luông để giữ ngọt, đồng thời làm kênh dẫn nước sông Đồng Nai về cấp cho người dân.

Ngày 12/3, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - đề xuất làm kênh hoặc đường ống dẫn nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre, đồng thời làm cống chặn dòng sông Hàm Luông để đảm bảo nước ngọt ổn định trong mùa khô cho người dân tỉnh này.

Nghiên cứu ngăn dòng chính sông Mekong, dẫn nước sông Đồng Nai về Bến Tre - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam dẫn đoàn công tác thăm kiểm tra Cống Tân Phú, một công trình ngăn mặn trọng điểm (Ảnh: CTV).

Ông Tam cho rằng lưu lượng nước sông Mekong đang bị chi phối bởi các nước ở thượng nguồn nên có thể tận dụng nước từ các hệ thống sông nội địa như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn để cấp cho người dân miền Tây sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô.

Chủ tịch tỉnh Bến Tre nhận định, với địa thế cao của các tỉnh miền Đông, thuận lợi để làm một dòng kênh hoặc đường ống dẫn nước về các tỉnh miền Tây vốn có địa hình thấp hơn. Bên cạnh đó, một tuyến kênh từ các tỉnh miền Đông về Bến Tre cũng tương đối gần, đi qua 2 tỉnh Long An và Bến Tre với chiều dài chỉ khoảng vài chục km mỗi tỉnh.

Sông Hàm Luông là một dòng chính của hệ thống sông Mekong, đoạn cửa sông có bề rộng khoảng 2km. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề xuất nghiên cứu xây dựng cống và âu thuyền kết hợp cầu giao thông đường bộ ở cửa sông này.

Công trình này sẽ chặn dòng sông Hàm Luông, giữ được lượng nước ngọt lớn đáp ứng đủ cho người dân Bến Tre sử dụng.

Nghiên cứu ngăn dòng chính sông Mekong, dẫn nước sông Đồng Nai về Bến Tre - 2

Hồ Kênh Lấp ở Bến Tre là hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây (Ảnh: Nguyễn Cường).

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác phòng chống hạn mặn của chính quyền và người dân Bến Tre. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, tỉnh Bến Tre cần nhận thức việc "sống chung với hạn mặn".

Ông Hiệp cho rằng, để đáp ứng yêu cầu về nước cho sự phát triển, Bến Tre phải hoàn thiện, khép kín hệ thống công trình thủy lợi phòng chống hạn mặn. Dự án JICA3 mà Bộ hỗ trợ tỉnh Bến Tre sẽ hoàn thành trong năm 2026, sẽ cơ bản khép kín các công trình thủy lợi Bắc Bến Tre.

Trưởng đoàn làm việc của Bộ NN&PTNT đồng tình với đề xuất xây dựng cống sông Hàm Luông phù hợp quy hoạch của tỉnh. Ông Hiệp cho biết Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầu tư để nghiên cứu xây dựng công trình này.

Theo báo cáo của đại diện Sở NN&PTNT Bến Tre, hiện xâm nhập mặn ở tỉnh này đang trong giai đoạn đạt đỉnh, cao hơn trung bình các năm, ở mức xấp xỉ mùa khô năm 2015-2016. Độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 55-69km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 70-79km, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/nghien-cuu-ngan-dong-chinh-song-mekong-dan-nuoc-song-dong-nai-ve-ben-tre-20240312190253613.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/nghien-cuu-ngan-dong-chinh-song-mekong-dan-nuoc-song-dong-nai-ve-ben-tre-20240312190253613.htm
Bài liên quan
  • Hài hoà lợi ích, gia tăng hợp tác ở tiểu vùng sông Mekong
    Với tiềm năng phong phú và vị trí địa chiến lược quan trọng, tiểu vùng Mekong đã và đang thu hút sự quan tâm, can dự của các nước trong và ngoài khu vực, nhất là các nước lớn. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường nghiên cứu, trao đổi, tìm kiếm giải pháp nhằm hài hòa lợi ích của các quốc gia, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong đặt ra hết sức cấp thiết.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu ngăn dòng chính sông Mekong, dẫn nước sông Đồng Nai về Bến Tre
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO