Nghịch lý xây ở nhà thương mại nhưng bồi thường bằng giá đất nông nghiệp

Hoài Thu| 05/08/2023 07:09

Việc bồi thường cho dân bằng giá đất nông nghiệp rồi lấy đất đó xây nhà ở thương mại, theo chuyên gia, sẽ khiến người dân chịu thiệt, gây nhiều hệ lụy cho xã hội do dân mất sinh kế sau bán đất.

Nhiều ý kiến liên quan đến thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội được chuyên gia góp ý tại Hội nghị tham vấn ý kiến vào dự án Luật Đất đai sửa đổi, sáng 4/8.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đề nghị quy định rõ với dự án nhà ở thương mại sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt đất trồng lúa, chỉ thực hiện thông qua hình thức duy nhất là đấu giá quyền sử dụng đất.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang quy định phương án với dự án dưới 10ha có sử dụng đất ở sẽ thuộc trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất.

Nghịch lý xây ở nhà thương mại nhưng bồi thường bằng giá đất nông nghiệp - 1

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân (Ảnh: Ngọc Thắng).

Bà Vân lo ngại trường hợp doanh nghiệp thỏa thuận chuyển nhượng đất nông nghiệp dưới 10ha, trong đó chỉ có một phần diện tích nhỏ là đất ở, còn lại đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở thương mại.

"Trong khi đó, thực hiện xây dự án nhà ở thương mại nhưng bồi thường cho dân bằng giá đất nông nghiệp, thấp hơn rất nhiều, khiến người dân chịu thiệt thòi và gây nhiều hệ lụy cho xã hội do dân mất sinh kế sau bán đất", bà Vân nêu thực tế.

Quy định này, theo bà, còn dẫn đến trường hợp lợi dụng mua đất nông nghiệp dưới 10ha để làm đất sản xuất, sau đó thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng sang nhà ở thương mại, dẫn đến thất thu cho ngân sách.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam vì thế đề nghị nên giữ phương án Nhà nước thu hồi đất. Còn nguồn tiền để thu hồi, các địa phương phải làm việc này, không thể nói "tỉnh nghèo không có tiền".

Nhắc đến vấn đề chênh lệch địa tô, Thạc sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia độc lập nghiên cứu chính sách đất đai, cho rằng phân bổ chênh lệch địa tô là chủ trương lớn trong Nghị quyết 18 của Trung ương, cần thể chế hóa trong dự thảo.

"Nếu áp dụng đấu thầu, đấu giá trong dự án thu hồi đất sẽ tăng thu triệt để cho Nhà nước, người dân đồng thuận hơn. Tuy nhiên, việc phân bổ chênh lệch địa tô hài hòa không đồng nghĩa với việc dự án phải đấu giá quyền sử dụng đất", theo lời vị chuyên gia.

Ông Đỉnh cho rằng nếu định giá đất sát thị trường sẽ không có chuyện thất thoát, lãng phí và địa tô sẽ được phân bổ phù hợp, bởi cơ sở hình thành chênh lệch địa tô là chuyển mục đích sử dụng đất.

Nghịch lý xây ở nhà thương mại nhưng bồi thường bằng giá đất nông nghiệp - 2

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia độc lập nghiên cứu chính sách đất đai (Ảnh: Ngọc Thắng).

Đồng tình quan điểm này song Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân lại cho rằng thực tế không thể định giá đất đúng.

Ông nêu quan điểm của cơ quan soạn thảo là hài hòa giữa đấu thầu, đấu giá và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

"Dự án nhà ở thương mại cân đối đấu giá để người sử dụng đất trực tiếp đã có chính sách bồi thường đầy đủ. Còn dự án xây dựng quốc lộ 1A hàng ngàn ha thì lấy tiền đâu đấu giá, chia lại cho người sử dụng đất", Thứ trưởng Ngân cho biết cơ quan soạn thảo cũng cân nhắc việc này.

Ông giải thích thêm hài hòa ở đây là đấu giá thu vào ngân sách, sau đó Luật Đất đai không điều chỉnh mà thông qua Luật Ngân sách để đầu tư phát triển, an sinh xã hội, lo cho đời sống nhân dân…

Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh cần quy định rõ trường hợp nào áp dụng phương án thỏa thuận, trường hợp nào Nhà nước thu hồi, trường hợp nào giao đất, thuê đất không qua đấu giá, đấu thầu và trường hợp nào phải đấu thầu, đấu giá.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/nghich-ly-xay-o-nha-thuong-mai-nhung-boi-thuong-bang-gia-dat-nong-nghiep-20230804161929754.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/nghich-ly-xay-o-nha-thuong-mai-nhung-boi-thuong-bang-gia-dat-nong-nghiep-20230804161929754.htm
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý xây ở nhà thương mại nhưng bồi thường bằng giá đất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO