Nghịch lý VEAM: Tự sản xuất thua lỗ, lãi nghìn tỷ nhờ Honda, Toyota, Ford chia phần

16/06/2024 12:02

Nguồn lợi nhuận đến từ các công ty liên doanh - liên kết giúp Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) mỗi năm thu về hàng nghìn tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Phan Phạm Hà, sinh năm 1975, quê Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông Hà có trình độ chuyên môn là cử nhân kế toán, thạc sĩ kinh tế, cao cấp lý luận chính trị.

Trước năm 2019, ông Hà từng là đại diện phần vốn Nhà nước, thành viên HĐQT tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - MIE (thuộc Bộ Công Thương), Tổng giám đốc công ty Cơ khí Hà Nội - HAMECO (đơn vị trực thuộc MIE).

Giữa năm 2020, ông Phan Phạm Hà được Bộ Công Thương bổ nhiệm làm thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VEAM.

Theo tìm hiểu, VEAM tiền thân là công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, thuộc Bộ Công thương được thành lập ngày 12/5/1990 với mục tiêu trọng tâm của ngành cơ khí Việt Nam là công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ngày 18/1/2017, theo quyết định về việc cổ phần hoá Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, VEAM tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Cơ cấu cổ đông của VEAM bao gồm: Bộ Công Thương nắm 88,47% cổ phần; Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Hoà An nắm 6% cổ phần; Công ty TNHH Thương maị đầu tư Hoà Lợi nắm 3,48% cổ phần.

Những năm qua, VEAM "ăn nên làm ra" khi ghi nhận kết quả kinh doanh vô cùng tươi sáng. Giai đoạn từ năm 2012 – 2018, doanh nghiệp này luôn đạt mức doanh thu trung bình khoảng 6.000 – 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế luôn đạt con số ấn tượng 7.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, năm 2019 VEAM ghi nhận doanh thu sút giảm xuống mức hơn 3.000 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu sút giảm nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn tăng gần 8.000 tỷ đồng tại năm 2022. Nguyên nhân là do doanh nghiệp ghi nhận hơn 6.900 tỷ đồng từ phần lãi của công ty liên doanh, liên kết.

Từ hàng chục năm trước, VEAM đã tham gia liên doanh, liên kết với nhiều doanh nghiệp ô tô, trong đó đáng chú ý trong đó là sở hữu 20% vốn điều lệ Công ty Honda Việt Nam, 30% vốn điều lệ Công ty Toyota Việt Nam và 25% vốn điều lệ Công ty TNHH Ford Việt Nam.

Đây là những liên doanh “đẻ trứng vàng” cho VEAM những năm qua. Kết quả kinh doanh của VEAM phụ thuộc rất lớn vào tình hình hoạt động của những “ông lớn” ô tô, xe máy này.

Tính đến cuối năm 2023, giá trị phần vốn chủ sở hữu của VEAM trong các hãng xe nói trên lần lượt là 4.280 tỷ đồng (tại Honda Việt Nam), 545 tỷ đồng (tại Toyota Việt Nam) và 374 tỷ đồng (tại Ford Việt Nam).

Năm 2023 VEAM được chia 5.844 tỷ đồng từ Honda Việt Nam, 660 tỷ đồng từ Toyota Việt Nam và 303 tỷ đồng từ Ford Việt Nam. Tổng lợi nhuận được chia từ 3 liên doanh này năm ngoái (6.807 tỷ đồng), cao hơn lợi nhuận được chia năm 2022 (5.326 tỷ đồng).

Năm 2024, VEAM đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 6.413,8 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 5.488,9 tỷ đồng, giảm gần 19% so với năm 2023 (chưa bao gồm trích lập bổ sung hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm).

Năm ngoái, cổ phiếu VEA của VEAM bị đưa vào diện cảnh báo do báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ.

Trong thời gian gầy đây, cổ phiếu VEA chứng kiến đà tăng "chóng mặt". Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch sáng 12/6, thị giá VEA đạt mức giá 45.500 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ 4,01% so với phiên giao dịch trước đó.

Vốn hóa của công ty cũng đạt mức hơn 63.000 tỷ đồng (khoảng gần 2,5 tỷ USD).

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý VEAM: Tự sản xuất thua lỗ, lãi nghìn tỷ nhờ Honda, Toyota, Ford chia phần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO