Nghịch lý tiền thưởng đội đua trụ hạng cao hơn vô địch V.League

AN NGUYÊN| 16/10/2022 16:40

Rất nhiều đội bóng có nguy cơ xuống hạng đưa ra mức thưởng lớn hơn nhiều lần các đội đua vô địch. Đây là thực tế đang diễn ra tại V.League 2022.

Mức thưởng lớn của các đội nhóm đua trụ hạng

Hiếm có mùa giải nào mà cuộc đua trụ hạng khốc liệt như V.League 2022. Đến thời điểm này, đội bóng xếp thứ 8 như câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai vẫn có khả năng xuống hạng khi cũng chỉ hơn đội cuối bảng câu lạc bộ Sài Gòn đúng 6 điểm.

Nếu Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục sảy chân và câu lạc bộ Sài Gòn có thêm chiến thắng, khoảng cách này chỉ còn là 3 điểm và chính đội bóng phố Núi sẽ gia nhập cuộc đua trụ hạng.

Còn khoảng cách giữa câu lạc bộ Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TPHCM, Nam Định hay Sài Gòn đều chỉ từ 1-3 điểm. Chính bởi vậy, cục diện của cuộc đua trụ hạng vẫn còn nhiều diễn biến khó lường.

Trong hoàn cảnh khó khó khăn, các đội bóng ngoài thay đổi nhân sự trong ban huấn luyện còn kèm theo cả gói tiền thưởng.

Câu lạc bộ Sài Gòn
Câu lạc bộ Sài Gòn có mức thưởng khá cao trong mỗi trận thắng hoặc hoà. Ảnh: Thanh Vũ

Dẫn đầu xu thế này là câu lạc bộ Sài Gòn khi họ nâng mức thưởng cho mỗi trận thắng lên đến 2 tỉ đồng, mỗi trận hoà 1 tỉ đồng. Nhà tài trợ mới còn để sẵn gói tiền thưởng lên đến 10 tỉ đồng. Câu lạc bộ Nam Định chi cho một chiến thắng sân khách số tiền 1,2 tỉ đồng và 1 tỉ đồng cho chiến thắng trên sân nhà.

Trong một số trận đấu có tính chất đặc biệt, thầy trò huấn luyện viên Vũ Hồng Việt sẽ được thưởng vượt khung dù chỉ là kết quả hoà. Tương tự như vậy, câu lạc bộ TPHCM thưởng mỗi trận thắng 1 tỉ đồng. Riêng câu lạc bộ Đà Nẵng vẫn công bố mức thưởng 500 triệu đồng cho một chiến thắng ở giai đoạn này.

Ngoài ra, các đội bóng ở nhóm đầu bảng lại có mức thưởng không quá cao. Câu lạc bộ Viettel và câu lạc bộ Hà Nội thưởng mỗi trận thắng 400 triệu đồng và có mức động viên tuỳ vào tính chất trận đấu.

Vì sao đội trụ hạng thưởng nhiều hơn đua vô địch?

Nếu như logic thông thường, các đội bóng trong cuộc đua trụ hạng không thể chi mức tiền thưởng lớn hơn các đội bóng đua vô địch. Nhưng tại Việt Nam, điều này lại không có gì bất thường nếu nhìn vào tình hình thực tế.

Các đội bóng xếp cuối bảng như Sài Gòn, TPHCM hay Nam Định đều có nhà tài trợ là doanh nghiệp lớn, tiềm lực tài chính rất mạnh. Việc chi khoảng 10-15 tỉ đồng tiền thưởng trong thời gian ngắn không phải rào cản lớn. Miễn rằng, đội bóng vượt qua được khó khăn và có cơ hội làm lại ở mùa sau.

Hơn nữa, ở giai đoạn chuyển nhượng giữa mùa giải, việc mua sắm cầu thủ với các đội bóng này gặp rất nhiều khó khăn. Họ không thể tìm được các mục tiêu ưng ý và chủ yếu chỉ là việc thay thế ngoại binh.

Câu lạc bộ TPHCM sẵn sàng chi đậm để động viên tinh thần cầu thủ trong cuộc đua trụ hạng V.League. Ảnh: Thanh Vũ
Câu lạc bộ TPHCM sẵn sàng chi đậm để động viên tinh thần cầu thủ trong cuộc đua trụ hạng V.League. Ảnh: Thanh Vũ

Do đó, động viên tinh thần cầu thủ bằng phương pháp tăng tiền thưởng lại được áp dụng như một "chiến phao cứu sinh" khi đội bóng nguy cơ xuống hạng.

Nhưng không phải cứ treo thưởng là các đội bóng sẽ giành chiến thắng. Câu lạc bộ Sài Gòn là ví dụ tiêu biểu. Họ vẫn chưa thể thoát khỏi vị trí cuối bảng. Tiền thưởng chỉ mang tính động viên mang tính thiết thực giúp các cầu thủ vơi bớt đi áp lực thực tại.

Theo VPF, tiền thưởng cho đội vô địch V.League 2022 là 3 tỉ đồng, đội á quân nhận 1,5 tỉ đồng và đội thứ ba nhận 750 triệu đồng. Nếu so với "gói 10 tỉ đồng" của đội trụ hạng ở những vòng đấu cuối thì đó là một ngịch lý.

10 tỉ là giá trị lớn để các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam có thể đầu tư vào hệ thống phát triển nào đó hợp lý, hoặc lên thị trường tìm kiếm cầu thủ giỏi (nếu hệ thống chuyển nhượng hoạt động theo đúng nghĩa). Nhưng 10 tỉ tiền thưởng dành cho suất trụ hạng khiến người ta cảm thấy buồn cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý tiền thưởng đội đua trụ hạng cao hơn vô địch V.League
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO