Nghịch lý giá nông sản: Củ quả ổn định nhưng vẫn thấp, rau ăn lá rẻ như cho

Võ Thanh Bình| 31/08/2021 10:50

Cùng là nông sản nhưng thị trường mùa dịch COVID-19 lại chứng kiến một cảnh tượng bất ngờ khi củ quả giá ổn định nhưng vẫn thấp, trong khi rau ăn lá rớt mạnh nhất từ trước đến nay.

Củ quả giá ổn định nhưng thấp, rau ăn lá rớt mạnh từ trước đến nay

Tình hình tiêu thụ nông sản tại các tỉnh miền tây vẫn chưa được xem là ổn định trong bối cảnh có cả hàng ngàn tấn cần hỗ trợ tiêu thụ.

Đáng lưu ý trong bối cảnh này, củ quả có giá ổn định dù vẫn thấp, trong khi rau ăn lá rớt mạnh nhất từ trước đến nay.

Đại diện một hợp tác xã tại Vĩnh Long cho biết, những ngày gần đây, mỗi ngày đơn vị bán ra thị trường khoảng 400 - 500kg rau củ quả.

nghich-ly-gia-nong-san-cu-qua-on-dinh-nhung-van-thap-rau-an-la-rot-manh.png
Củ quả được giá ổn định nhưng vẫn thấp tại thị trường miền tây.

Trong đó, các loại dưa leo, bí đao, khổ qua… được tiêu thụ mạnh và có giá ổn định từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Riêng bí hồ lô tại Cần Thơ, Vĩnh Long… được thương lái tìm mua với giá 10.000 - 16.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 6.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm.

Riêng rau ăn lá có giá chỉ 2.000- 4.000 đồng/kg, thấp nhất từ trước đến nay khiến nhiều nhà vườn lỗ nặng. Thậm chí có thời điểm, giá thu mua rau ăn lá chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg khiến công tác thu hoạch cũng gặp nhiều khó khăn bởi "bỏ thì thương, vương thì tội".

Ngoài củ quả, thị trường hiện cũng đang trong đợt tiêu thu Thanh Long khi giá ngày càng rớt mạnh dù là củ quả nhưng lại chung cảnh ngộ với rau ăn lá.

Tại Vĩnh Long, giá Thanh Long liên tục giảm thời gian qua khi giá bán loại ruột đỏ chỉ 8.000 đồng/kg, đôi khi có giá thấp hơn 6.000 đồng/kg. Tại Long An, Thanh Long cũng rớt giá thảm khiến nhà vườn lo sốt vó.

nghich-ly-gia-nong-san-cu-qua-on-dinh-nhung-van-thap-rau-an-la-rot-manh-1.jpg
Nhiều loại rau ăn lá giá rẻ như cho.

Theo một hợp tác xã, nguyên nhân khiến giá một số loại củ quả có giá bán cao hơn rau là bởi vận chuyển được xa, ít bị dập. Đó là chưa kể, tỷ lệ hao và trữ được lâu trong thời điểm hạn chế người dân ra ngoài đi chợ, siêu thị nên củ quả vẫn được xem là lựa chọn phù hợp.

Liên kết sẽ giúp nông dân giảm thiệt hại trong hoàn cảnh bất thường


Trước tình hình nông sản liên tục cần giải cứu trong suốt thời gian qua cho nhiều mặt hàng bên cạnh rớt giá, nhiều địa phương đã đưa ra nhiều mô hình mới trong việc liên kết, bên cạnh tìm thị trường nước ngoài để tránh cảnh được mùa rớt giá liên tục xảy ra thời gian qua.

Tại Tiền Giang, trên 20 doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia cung ứng nông sản hàng hóa, đảm bảo an sinh xã hội cho TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai với sản lượng từ 80-100 tấn rau, củ, quả/ngày.

Nguồn rau quả được xã viên sản xuất tại chỗ theo tiêu chí an toàn hoặc VietGAP, bên cạnh liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân ở những vùng chuyên canh rau tại các địa phương trong tỉnh, góp phần tiêu thụ tốt hơn cho cả mùa dịch.

Theo nhiều đơn vị, sự liên kết này không chỉ giúp nguồn ra tốt hơn, mà còn kết nối tham gia chương trình túi an sinh do Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động, hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ rau củ quả mà còn gia súc, gia cầm...

Tiền Giang được xem là một thành công đáng kể trong mùa dịch khi việc liên kết không được nhiều địa phương khác thực hiện đồng bộ, vô tình làm méo mó cho việc giải cứu tự phát, thậm chí những cuộc giải cứu nông sản trở thành bài toán ép giá để kinh doanh, khiến người nông dân đã khó càng thêm khó.

nghich-ly-gia-nong-san-cu-qua-on-dinh-nhung-van-thap-rau-an-la-rot-manh-2.jpg
Nông sản cần được định hướng theo vùng chuyên canh, chất lượng đồng bộ, bên cạnh liên kết để vượt qua hoàn cảnh bất thường.

Liên kết để vượt qua hoàn cảnh bất thường cũng là ý chủ đạo mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết về vấn đề tiêu thụ nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, đến nay, nhiều địa phương hình thành được các "đầu mối cung ứng nông sản", đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Tuy nhiên, trước dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và sự vận dụng, triển khai các quy định còn khác nhau giữa các địa phương, tình hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ ở một số ngành hàng nông sản vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng như khoai lang trên ruộng đồng đã quá hạn thu hoạch, cá tra, lúa chưa tìm được nguồn thu mua do "đứt gãy" khâu phân phối, vận chuyển. Tình hình chung có cải thiện được phần nào, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh lan nhanh trên không gian rộng.

"Tôi mong muốn gửi gắm đến bà con nông dân: Chúng ta phải cùng nhau thay đổi. Điểm nghẽn của một nền sản xuất "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát" cần được vượt qua dựa trên tinh thần "liên kết - hợp tác", đáp ứng các nhu cầu, chuẩn mực của thị trường, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, việc tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ với các doanh nghiệp có thể giúp giảm thiểu các rủi ro mùa vụ.

Ngoài ra, trong lúc giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng, song song với vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước, bà con cần áp dụng các hình thức tiết giảm đầu vào hiệu quả như khuyến nghị của cơ quan chức năng, tránh tình trạng lạm dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Nhiều nơi, nông dân đã giảm được chi phí nhờ mạnh dạn thay đổi, tối ưu hóa cách thức sản xuất.

Bài liên quan
  • Nông sản Dũng Hà: Địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch uy tín nhất
    Khi bạn quan tâm đến việc lựa chọn thực phẩm sạch cho những bữa ăn của gia đình. Thương hiệu Nông sản Dũng Hà là một địa chỉ đáng tin cậy để bạn tìm kiếm các sản phẩm thực phẩm sạch và nông sản đặc sản. Dưới đây là một số thông tin về Nông sản Dũng Hà:
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý giá nông sản: Củ quả ổn định nhưng vẫn thấp, rau ăn lá rẻ như cho
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO