Nghịch lý đường buýt nhanh BRT không ai dám đi, còn lại luôn kẹt cứng

15/06/2022 06:54

Hình ảnh dễ thấy dọc tuyến BRT 01 tại Hà Nội là phần làn đường dành riêng cho xe buýt luôn thưa vắng không ai dám đi, riêng phần đường còn lại xe cộ xếp hàng dài, kẹt cứng.

XEM CLIP:

Nghịch lý đường quang không ai dám đi, nơi ùn tắc xếp hàng dài đợi

Tuyến buýt nhanh BRT 01 có lộ trình Kim Mã (Ba Đình) - Yên Nghĩa (Hà Đông) với tổng chiều dài khoảng 14km. Xe buýt nhanh được dành riêng một làn đường để đi nhanh hơn nhưng trong điều kiện lòng đường còn chật hẹp, phần còn lại luôn ùn ứ xe và thường xuyên lâm vào cảnh ùn tắc kéo dài.

Ghi nhận tại ngã tư Lê Trọng Tấn – Quang Trung (Hà Đông) vào giờ cao điểm, cả tuyến đường có 3 làn xe chạy thì 1 làn dành riêng cho buýt nhanh BRT, 2 làn còn lại cho các phương tiện khác đi chung.

Ngã tư Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông) thường xuyên xảy ra ùn tắc
Dù có phải xếp hàng dài nhưng ô tô không dám lấn sang làn đường BRT

Tình trạng ùn tắc kéo dài thường xuyên xảy ra khi lượng ô tô, xe máy quá lớn phải chen chúc trong 2 làn đường còn lại, làn dành riêng cho BRT thì thường xuyên “bỏ trống”.

Anh Phạm Kiên (Văn Quán, Hà Đông) cho biết, vào giờ cao điểm cả tuyến thường xuyên ùn tắc, nếu đi ô tô phải mất ít nhất 10-15 phút mới qua được ngã tư này.

“Nhiều khi nhìn thấy bên làn BRT trống không có xe, cánh tài xế chỉ dám liếc qua nhưng khi nghĩ tới mức phạt nguội đợi ở phía trước đành 'ở nguyên vị trí", chấp nhận chờ đợi trong ùn tắc”, anh Kiên nói.

Chưa hết, tình trạng ùn tắc ở đoạn ngã ba Tố Hữu – Vũ Trọng Khánh (Hà Đông) còn kinh khủng hơn. Tại cả 2 chiều đường, nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng ô tô xếp 2 – 3 hàng nhích từng mét, trong khi làn đường BRT luôn thông thoáng.

Ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh do ùn tắc kéo dài, xe máy đã "tràn" sang đường BRT
Khi ùn tắc dài lực lượng CSGT buộc phải phân luồng xe máy đi sang làn BRT

Một trong những nguyên nhân gây ùn tắc là do đường chỉ có 3 làn xe chạy nhưng phải dành riêng 1 làn cho xe buýt nhanh. Tại chiều đường Thanh Xuân – Hà Đông, hướng rẽ trái vào phố Vũ Trọng Khánh, các phương tiện còn bị mất 1 làn đường dành cho các phương tiện rẽ trái.

Do lượng phương tiện đông, ùn tắc kéo dài khiến xe máy tràn sang làn đường dành riêng cho xe buýt BRT, xe buýt nhanh không thể đi nhanh như kỳ vọng.

Đi vào làn đường BRT bị phạt cao nhất 5 triệu đồng

Theo quy định hiện hành, các phương tiện không được đi vào làn đường dành cho xe buýt nhanh. Người điều khiển phương tiện vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Đối với phương tiện vi phạm là xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, theo quy định tại điểm đ Khoản 5 Điều 5, người điều khiển xe thực hiện hành vi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Camera phạt nguội trên tuyến đường BRT

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Đối với phương tiện vi phạm là xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, tại điểm g Điều 6 có quy định người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định sẽ bị phạt tiền từ 4-6 trăm nghìn đồng.

Theo ý kiến nhiều lái xe, trong khi quy định về phạt nguội vẫn còn hiệu lực, dù ùn tắc cả tiếng ở làn đường còn lại thì dòng xe vẫn phải chôn chân nhìn đường BRT thưa vắng không có xe chạy.

"Xe buýt nhanh thì rất lâu mới có một chuyến, còn lại là đường trống không có xe đi. Ngược lại, ở phần 2 làn xe còn lại thì ùn tắc triền miên. Khi mà ùn tắc thì người dân mất thời gian, kinh tế hao tổn, ô nhiễm môi trường gia tăng, nhưng bao năm tháng qua không thấy cơ quan nào đánh giá những bất cập này. Liệu có nên tiếp tục duy trì đường riêng cho xe buýt thanh, tôi nghĩ đến lúc cần đánh giá lại hiệu quả thí điểm vừa qua", anh Vũ Đình Nam, nhà ở phố Tố Hữu bày tỏ.

Đình Hiếu

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý đường buýt nhanh BRT không ai dám đi, còn lại luôn kẹt cứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO