Làm kế toán tại một công ty sản xuất đồ nhựa ở Thủ Đức, TPHCM từ lâu, Đậu Ngọc Minh, 29 tuổi đã mệt mỏi với công việc nhiều áp lực. Chỉ hơn một năm trở lại đây, ít nhất đã 3 lần cô dự định nghỉ việc nhưng chần chừ chưa thực hiện thì dịch bệnh ập đến.
Sau giãn cách đi làm trở lại, nữ nhân viên như rơi vào bế tắc. Cô không tìm thấy niềm vui, động lực, làm việc thiếu tập trung, dễ gặp sai sót...
"Trên đường đi làm tôi chỉ muốn đường dài mãi dài mãi không đến công ty. Cả ngày ăn uống trong vô thức, không hề thấy ngon miệng", Ngọc Minh nói.
Không còn thiết tha với công việc, Minh muốn nghỉ ngay. Điều níu kéo cô lúc này là các khoản tiền được chi cuối năm thưởng Tết dương, Tết âm lịch, tiền tăng thêm, hoa hồng... với tổng khoảng 70-80 triệu đồng. Biết ý định muốn nghỉ của Minh, nhiều người lắc đầu nói cô "điên vừa thôi", nghỉ lúc này mất thưởng Tết, xem như mất trắng công sức cả năm.
"Khổ nỗi, đến công sở lúc này với mình chỉ muốn ngạt thở. Mình vẫn đang ráng được ngày nào hay ngày đó nhưng không biết có trụ nổi hay thêm 1-2 tuần hay không chứ chưa dám nghĩ giờ đến cuối năm", nữ nhân viên này bộc bạch.
Ngọc Minh hiểu rõ, làm công ăn lương như mình, đi làm cả năm ai cũng mong chờ vào khoản tiền thưởng Tết để trang trải cuộc sống cũng như có thêm chút vốn liếng.
Băn khoăn giữa nghỉ việc và thưởng tết thời điểm cuối năm không diễn ra như một chu kỳ. Có người nghỉ việc vì vốn lâu nay đã mệt mỏi với công việc, cuối năm càng nhiều áp lực, nghỉ để tìm phương án khác. Và không ít người nghỉ để "nhảy việc" khi đứng trước những cơ hội mới.
Vậy nhưng, phải nói trào lưu cuối năm muốn nghỉ việc năm nay càng bùng nổ. Nhiều doanh nghiệp, các văn phòng đang đối mặt với tình trạng nhân sự nghỉ việc hoặc đang trong tâm thế "nhấp nhổm". Trên khắp các diễn đàn rôm rả chủ đề "nghỉ việc" hay "thưởng Tết", thứ duy nhất níu kéo nhiều người lúc này là khoản thưởng cuối năm.
Điều này được lý giải người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thể chất, tinh thần do dịch Covid-19. Nhiều người đi làm trở lại nhưng bị kiệt sức, không thể hòa nhập với môi trường công việc. Dịch bệnh cũng tác động đến người lao động, họ nhìn nhận, xem xét lại các giá trị ưu tiên.
Không có... đáp án chung
Trao đổi với PV, anh Trần Đức Dương, quản lý tại một ty địa ốc ở quận 3, TPHCM cho biết, từng nghỉ việc trước ngày nhận thưởng Tết chỉ một tháng. Lúc đó, tiền thưởng cả trăm triệu đồng.
Lúc đó, khả năng tài chính của anh không bị phụ thuộc nhiều vào thưởng Tết. Chưa kể, việc mới có thu nhập khá, môi trường tốt và nhiều cơ hội. Theo anh Dương, nghỉ việc, nhất là nghỉ vào thời điểm cuối năm luôn nhiều rủi ro và cũng lắm cơ hội. Không có một đáp án chung cho tất cả mọi người.
Trong bối cảnh dịch bệnh mà còn có việc làm, có thưởng Tết là những tín hiệu tích cực để người lao động động viên nhau cầm cự.
Nghỉ hay không phải cân nhắc đến khả năng tài chính, tính cách, sức chịu đựng, cơ hội tìm việc mới và cả những rủi ro. Không đủ các yếu tố này thì thật sự phải tính toán trước các quyết định.
Tuy nhiên, từ trải nghiệm, chị Hoàng Thị Giang (26 tuổi, nhân viên chăm sóc khách hàng một công ty nội thất ở TPHCM) cho rằng, đi làm cả đời, thưởng Tết không bằng một tinh thần thoải mái, sảng khoái. Chỉ mình mới hiểu cần gì, muốn gì.
Giang vừa nghỉ việc vào cuối tháng 11, tính ra mất vài chục triệu đồng thưởng Tết nhưng thấy cuộc đời tươi đẹp hẳn, không còn u ám, nặng nề như những ngày cắm đầu với số liệu, phân tích, làm việc với khách...
Theo Giang, ai đi làm sẽ hiểu, đã căng thẳng, mệt mỏi vượt quá sức chịu đựng thì chỉ cần ở lại thêm một ngày cũng là điều rất khủng khiếp, nặng nề.
Quan điểm sức khỏe, tinh thần quan trọng hơn thương Tết nhưng theo Giang, năm nay nhiều công ty ảnh hưởng của dịch bệnh có thể thưởng sẽ chỉ mang tính tượng trưng. "Cố lắm rồi lại quá cố, chắc gì đã có thưởng Tết mà còn rước thêm mệt mỏi, mất cơ hội mới thì càng tiếc hơn nữa", cô gái trẻ hài hước.