Nghỉ lễ 4 ngày, nhậu nhẹt hát karaoke ồn ào coi chừng bị phạt 160 triệu đồng

Bình An (tổng hợp)| 01/09/2022 12:30

Theo Nghị định 45/2022 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25/8, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên có thể bị phạt đến 160 triệu đồng. Đây quả là tin vui với những ai sợ hãi nạn karaoke ầm ĩ, nhất là dịp nghỉ 2/9 kéo dài 4 ngày đang đến. Nhưng…

Quy định cụ thể, mức phạt cao

Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ 25/8/2022. Trong nghị định này có Điều 22 quy định về vi phạm tiếng ồn quy định các mức phạt, trong đó hành vi gây tiếng ồn bằng bằng hoặc lớn hơn 40 dBA trở lên (so với quy chuẩn) sẽ bị phạt đến 160 triệu đồng. Không giống quy định cũ là phải trên 40 dBA mới bị phạt đến mức này.

Xem thêm: Tiếng ồn 'thủ phạm' âm thầm ảnh hưởng sức khỏe ra sao?

ky-1-xu-ly-tieng-on-dip-tet-meo-lai-hoan-meo.jpg

Cụ thể: Điều 22, Nghị định 45/2022/NĐ-CP: Vi phạm các quy định về tiếng ồn

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 5 dBA đến dưới 10 dBA.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.

6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.

7. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.

8. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.

9. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.

10. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên.

Rõ ràng, đây là mức phạt rất cao, nhưng liệu có đủ sức xử lý nạn “ô nhiễm âm thành”, gây bức xúc nhất là nạn hát karaoke, loa kéo ở khu dân cư vốn là “đại họa” của người dân nhiều năm nay? Mức phạt đó có đủ sức răn đe những người “yêu văn nghệ bất chấp đạo lý”?

Xem thêm: Xử lý ô nhiễm tiếng ồn: ý thức vẫn là quan trọng

Muốn phạt phải có máy đo

Khi nghị định 45 ra đời, đã có thêm biện pháp để xử lý vi phạm tiếng ồn. Tuy nhiên nhiều địa phương, nhiều quận huyện, phường xã cho rằng chừng đó vẫn chưa đủ. Vì phạt là phải có bằng chứng. Cần có lực lượng chuyên môn và máy đo cường độ âm thanh vượt quy chuẩn hay không mới tiến hành xử lý vi phạm.

Xem thêm: Ám ảnh ‘loa kéo’ các ngày nghỉ lễ, Tết: cuộc vật lộn bất phân thắng bại?

ky-2-xu-ly-o-nhiem-tieng-on-y-thuc-van-la-quan-trong-1.jpg
Muốn xử phạt, lực lượng công vụ cần có thiết bị chuyên dụng để đo cường độ âm thanh.

Theo báo Tuổi Trẻ, đầu năm nay, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu tăng cường công tác xử lý vi phạm tiếng ồn. Theo đó, địa phương để xảy ra vi phạm tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự thì UBND TP.HCM sẽ xử lý người đứng đầu.

Thông thường khi nhận phản ánh từ người dân, UBND phường/ xã sẽ báo công an cùng đi kiểm tra, lập biên bản. Theo quy định, cơ quan chức năng sẽ giữ bí mật về danh tính người phản ánh.

Để phạt theo Nghị định 155 cũ hay 45 vừa có hiệu lực, lực lượng chức năng phải có máy đo, mức phạt của Nghị định này lên đến 160 triệu đối với cá nhân vi phạm quy chuẩn tiếng ồn. Do đó, phường chỉ phạt theo Nghị định 144 gây ồn ào sau 22 giờ, mức phạt 750.000 đồng. Nhiều trường hợp khác vi phạm lần đầu thì chủ yếu nhắc nhở.

Các nước xử phạt ra sao?

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, tại một số nước, việc xử phạt “ô nhiễm âm thanh”, các hành vi gây tiếng ồn vượt mức, luôn được thực thi nghiêm túc, thể hiện sự văn minh trong đời sống và tôn trọng không gian sống chung.

Xem thêm: Xử lý ô nhiễm tiếng ồn dịp lễ Tết: 'mèo lại hoàn mèo'?

3000_11zon.jpg
Tại Ấn Độ, người dân thường xuyên phải 'chịu trận' với âm thanh đinh tai nhức óc, được xem là một trong những quốc gia ồn ào nhất thế giới. Ảnh: The Guardian

Báo Tuổi Trẻ đã tổng hợp một số quốc gia làm nghiêm ngặt với việc gây "ô nhiễm âm thanh".

Tại New York, Mỹ, luật về giấc ngủ năm 2022 đã nâng mức phạt tiền từ 150 USD lên 1.000 USD cho hành vi thay đổi hệ thống âm thanh và ống xả của ô tô, xe máy - nhằm làm các phương tiện này "tạo ra âm thanh lớn hơn". Không chỉ người chủ xe bị phạt mà cửa hàng thực hiện dịch vụ hoặc bán thiết bị để tăng âm cũng bị phạt. Theo đó, cửa hàng sẽ bị rút giấy phép hoạt động hoặc chứng nhận đủ điều kiện giám định xe nếu vi phạm ba lần trong 18 tháng.

Tại Pháp, tháng 2-2022, bảy thành phố lớn trong đó có Paris đã thí điểm lắp radar âm thanh để phát hiện và chụp ảnh phương tiện (chủ yếu là xe máy) tạo ra tiếng ồn quá mức. Sau thời gian thí điểm, ở Paris, chính quyền thành phố dự kiến sẽ đưa ra mức phạt 130 euro (khoảng 3 triệu đồng) với các phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, các biện pháp khác để hạn chế tiếng ồn cũng được đưa ra gồm hạn chế tốc độ của phương tiện và trồng thêm cây xanh.

1586620784_450866_11zon.jpg
Tiếng ồn ảnh hường xấu đến đời sống của trẻ em.

Tại Toronto, Canada, nếu cá nhân hay tổ chức gây ra tiếng ồn vi phạm quy định, họ sẽ bị phạt hoặc tống đạt giấy hầu ra tòa. Các mức phạt phổ biến ở mức từ 500 - 700 đô la Canada. Nếu để ra tòa, mức phạt sẽ lên đến 100.000 đô la Canada hoặc 10.000 đô la Canada cho mỗi ngày tiếp diễn vi phạm.

Tại Thái Lan, quy định về tiếng ồn là không vượt quá 70dB. Mức phạt tối đa nếu vi phạm là 10.000 baht (khoảng 6,5 triệu đồng) và hoặc một tháng tù.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghỉ lễ 4 ngày, nhậu nhẹt hát karaoke ồn ào coi chừng bị phạt 160 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO