Nghỉ hè, cha mẹ cho con học thêm dồn dập để... khỏi phải trông

Nhung Nhung| 08/07/2023 11:29

Để lấp chỗ trống đủ 6 ngày/tuần, nhiều học sinh được bố mẹ đăng ký 2, thậm chí 3, 4 môn học thêm trở lên để chắc chắn rằng có người trông nom trẻ trong thời gian phụ huynh đi làm.

Khi giáo viên dạy thêm là bảo mẫu bất đắc dĩ

Khi kỳ nghỉ hè chính thức bắt đầu, không ít phụ huynh lựa chọn đưa con đến các lớp học thêm để học liên tục nhiều ca/ngày, nhiều môn/buổi.

Lý giải việc này, chị Nguyễn Minh Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngoài việc củng cố kiến thức cho con, còn lý do "bất khả kháng" khiến nhiều phụ huynh nhất quyết cho con đi học thêm, đó là:

"Các đồng nghiệp của tôi chỉ mong có chỗ để trông nom các con dịp hè. Như vậy, họ mới yên tâm đi làm mà không phải thấp thỏm lo cho lũ trẻ. Chỉ cần nghe đến lịch nghỉ hè các phụ huynh sốt vó sắp xếp thời khóa biểu hè cho trẻ ngay", chị Trang kể.

Là mẹ của 2 con trai 9 tuổi và gái 3 tuổi, chị Nguyễn Trà My (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự:

"Cháu lớn nhà tôi đã 9 tuổi nhưng chưa biết nấu nướng, tính cách lại hiếu động. Nếu để cháu ở nhà một mình tôi sợ nguy cơ chập điện, cháy nổ xảy ra thì rất nguy hiểm. Chưa kể, không có bố mẹ ở nhà quản lý thì con trẻ sẽ sa vào chơi điện tử, xem tivi tối ngày", chị My nói.

Nghỉ hè, cha mẹ cho con học thêm dồn dập để... khỏi phải trông - 1
Học sinh sau giờ học thêm tại nhà một giáo viên ở Tân Phú , TPHCM (Ảnh minh họa: Lê Đăng Đạt).

Để lấp chỗ trống đủ 6 ngày/tuần, nhiều học sinh được bố mẹ đăng ký 2, thậm chí 3, 4 môn trở lên để chắc chắn rằng trẻ được quản lý trong thời gian phụ huynh đi làm.

Dù biết sẽ tốn thêm một khoản nhưng khi tìm được một lớp học hè ở quận Hà Đông có dịch vụ chăm trẻ từ "A-Z" vợ chồng chị My "mừng như bắt được vàng" khi không phải trăn trở chuyện đưa đón, chăm sóc con dịp hè.

"Ban ngày tôi dành 8 tiếng ở cơ quan, tầm 5h30 hết giờ làm thì lại mau mau chóng chóng đi đón các con, về đến nhà lại cơm nước, tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa là hết ngày.

Ngày nào cũng vòng lặp ấy đã đủ khiến tôi mệt nhoài nên ban ngày con có thầy cô chăm lo giúp, tôi cũng bớt lo nghĩ", chị My bày tỏ.

Vì thế, đều đặn mỗi buổi sáng, chị My dậy sớm, chuẩn bị sẵn đồ dùng tư trang sinh hoạt cần thiết trong ngày vào ba lô cho con, rồi hai mẹ con di chuyển đến nhà cô giáo. Đến khoảng 17h30 - 19h, 2 vợ chồng chị My sẽ thay phiên nhau tới nhà giáo viên để nhận lại con.

Phụ huynh "gửi khoán" con cho giáo viên

Ca dạy tiếng Anh kết thúc từ 19h30 nhưng phải đến 21h, phòng học của cô giáo trẻ T.T.H (Chung cư Le Grand Jardin Long Biên, Hà Nội) vẫn đang ồn ào tiếng trẻ đùa nghịch. Đó đều là những em mà bố mẹ chưa kịp đón nên cô đành trông hộ.

Cô H. cho biết: "Tôi cũng muốn dành thời gian nghỉ ngơi nhưng nhiều phụ huynh tin tưởng muốn gửi con cả ngày nên tôi nhận giữ các em, kết hợp cho các em ôn tập lại kiến thức cũ để phụ huynh yên tâm làm việc.

Tôi hiểu là do họ bận quá, không đủ thời gian đưa đón con nên mới phải nhờ cậy. Thương mấy đứa trẻ nên tôi gắng sức".

Nghỉ hè, cha mẹ cho con học thêm dồn dập để... khỏi phải trông - 2

Chấp nhận không có kỳ nghỉ hè trọn vẹn, cô H. mệt nhoài vì phải "ba đầu sáu tay" chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các em học sinh tại nhà riêng (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Với sĩ số là 10-15 học sinh học "bán trú", cô H. kể ngoài cô còn có 2 người thân hỗ trợ thì mới có thể xoay sở chuẩn bị đủ 3 bữa mỗi ngày cho các em. Bởi cùng một món nhưng có em ăn được có em lại không, hay em này thích ăn cơm nhưng em kia lại thích ăn bún, phở.

Cô H. cũng chia sẻ rằng, tính cách con trẻ vốn hiếu động, nghịch ngợm, hay chạy nhảy xung quanh. Từ ghế sô pha, gầm bàn, góc tủ lạnh đến cả phòng riêng của 2 vợ chồng cô H. đều trở thành khu vui chơi và chỗ ngủ cho học sinh. Vì thế, buổi trưa cô H. thường không dám chợp mắt, phải trông chừng học sinh kỹ vì sợ có sự cố ngoài ý muốn.

"Thay vì là một công việc, việc hỗ trợ các bậc phụ huynh dường như dần trở thành một nghĩa vụ khiến tôi cảm thấy áp lực nặng nề. Một số phụ huynh coi việc gửi con đến nhà thầy cô đồng nghĩa giao trọn việc chăm sóc và giáo dục con cho giáo viên dạy thêm như tôi", cô H. nói.

Có không ít lần, cô H. đã phải nghe lời bóng gió về việc không chăm sóc cẩn thận cho sức khỏe của học sinh, hạn chế trong việc phát triển năng khiếu, thể chất cho học sinh từ chính phụ huynh.

Việc phải đáp ứng nhu cầu từ phụ huynh khiến cô H. cảm thán làm bảo mẫu bất đắc dĩ trong dịp nghỉ hè là một chuyện không hề đơn giản. Vì thế, hè năm sau cô H. quyết định sẽ từ chối khéo trường hợp phụ huynh "gửi khoán" con cho giáo viên, tránh biến lớp học thêm là nơi giữ trẻ dịp hè.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghỉ hè, cha mẹ cho con học thêm dồn dập để... khỏi phải trông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO