‘Nghèo khó không sinh con là lương thiện’, nhưng tiền bạc có nuôi dưỡng trẻ nên người?

Dạ Cầm (Tổng hợp)| 16/01/2024 13:00

Phát ngôn của MC Đức Bảo về việc “nghèo khó không sinh con là một loại lương thiện” dù có phần thiển cận cũng dễ đồng cảm ở một góc nhìn khác. Nhưng trong trường hợp này, tiền bạc thôi chưa đủ nuôi dạy một đứa trẻ.

Xem thêm: Tranh cãi MC phát ngôn ‘không sinh con để thừa hưởng sự nghèo khó là một loại lương thiện’

tnhn.jpeg
Nuôi dạy một đứa trẻ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Ảnh: Google

Trích dẫn của MC Đức Bảo làm dấy lên cuộc tranh luận trên cộng đồng mạng. Đông đảo ý kiến cho rằng anh đã làm tổn thương những cha mẹ nghèo, đặc biệt là những người cống hiến cho đất nước người con tài năng, xuất chúng. Đồng thời, trích dẫn đó cũng khiến những người muốn làm cha, làm mẹ nhưng trong hoàn cảnh chưa được thuận lợi, muộn phiền.

Chỉ tiền bạc mới là thứ quan trọng để nuôi dạy con trẻ?

Tuy vậy, cũng có rất nhiều người đồng thuận quan điểm trên, dù họ không ủng hộ hoàn toàn. Bởi họ là những người trẻ, phản đối kịch liệt tư duy sinh con để “sau này già có người chăm lo”. Và trong số đó, vẫn nhiều người đang đối mặt với cơm áo gạo tiền mỗi ngày, nên họ không muốn con cái phải chịu cảnh vất vả.

Ở góc nhìn khác, bài viết này “bóc tách” vế liệu khi đầy đủ về mặt kinh tế, bạn có đủ tự tin nuôi dưỡng một đứa trẻ nên người?

bg.jpeg
Tiền bạc rất cần thiết trong đời sống hiện đại. Ảnh: Google

Thực tế cho thấy nếu sinh trưởng trong một gia đình có điều kiện kinh tế, đứa trẻ dĩ nhiên được chăm sóc đầy đủ, đặc biệt về mặt thể chất, đó là điều cần thiết. Nhưng dĩ nhiên, điều này là chưa đủ, nó chỉ mới đáp ứng phần “nuôi”, điều mà ông cha ngày xưa hay biện minh “trời sinh voi sinh cỏ”.

Trong cuộc sống hiện đại, điều đáng lưu tâm nhất là phần “dạy”, mà nhiều bố mẹ ở trường hợp này quá bận rộn mưu sinh thường lấy lý do bào chữa cho việc không có thời gian nuôi dưỡng đứa trẻ.

Ở nhiều trường học, cha mẹ dường như giao phó việc học hành của con cái cho thầy cô, nhà trường. Họ quên mất việc học của một đứa trẻ ngoài việc thầy cô giáo chịu trách nhiệm một phần, phần còn lại là sự hợp tác. Rất nhiều phụ huynh khi thấy con không đạt kết quả như mong muốn, liền đổ lỗi cho giáo viên. Hoặc thậm chí, họ còn không biết con mình học hành ra sao. Ở đây muốn nói đến năng lực của học sinh, không phải con số trên bảng điểm.

Thế mới có nhiều trường hợp, ở trường thì con đạt thành tích xuất sắc, gần như ở bậc tiểu học, đứa trẻ nào cũng có điểm số cao ngất ngưởng, nhưng khi được giao một bài tập thực tế, các bé lại không vận dụng được.

fdf.jpg
Nhưng tiền bạc thôi chưa đủ để con cái nên người. Ảnh: Google

Không thể đòi hỏi cha mẹ phải theo sát việc học của con cái, nhưng ít nhất bạn phải quan tâm và thỉnh thoảng kiểm tra năng lực của chúng. Hoặc bạn cũng có thể động viên, gợi ý khả năng tìm tòi, học hỏi của con cái. Và nếu không may nhà trường tìm đến để chia sẻ tình trạng học tập của con, thay vì đổ lỗi cho giáo viên, bạn phải tìm cách để giúp chúng tìm thấy niềm yêu thích trong việc học.

Một thực trạng phổ biến khác, là những đứa trẻ ngày nay thường được cha mẹ cho khá nhiều tiền. Ở các quán cà phê sang trọng, rất dễ dàng bắt gặp những học sinh cấp 2, cấp 3 ngồi lấp đầy nơi đó. Nhiều người làm văn phòng khi bước vào các quán cà phê này thường cũng e ngại giá tiền, nhưng những đứa trẻ này thì không. Bạn sẽ tự hỏi liệu học sinh trung học, phổ thông có nhiều tiền trong ví liệu có phải điều tốt?

Tình thương hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

Không thể quy chụp những đứa trẻ nhiều tiền thường sẽ cô đơn, nhưng có rất nhiều trường hợp cha mẹ vì không có thời gian đưa đón, nên chọn cách cho tiền để bọn trẻ tiêu xài theo ý muốn. Bạn nghĩ thế nào về việc một đứa trẻ chưa biết cách kiếm tiền, nhưng có thể tiêu tiền thoải mái? Chắc chắn không phải điều tốt, và ở đây chúng ta không cần lạm bàn chuyện này.

nhd.png
Tình yêu của bậc phụ huynh là điều mà đứa trẻ nào cũng xứng đáng được nhận. Ảnh: Google

Tiền bạc chỉ nên là phương tiện để bạn nuôi dưỡng một đứa trẻ để nó phát triển mặt thể chất lẫn tâm hồn, thay vì phụ thuộc vào nó. Vì một đứa trẻ đang tuổi khôn lớn, chúng cần cha mẹ quan tâm về mặt cảm xúc nhiều hơn. Đừng để chúng ngày càng xa cách bạn. Đây cũng là lý do của phần lớn những đứa trẻ ngày nay phải đối mặt với chứng trầm cảm hay tăng động hoặc nhiều bệnh lý khác.

Nhiều người thường bảo khi cha mẹ không được nhiều tiền, họ thường lấp đầy bằng tinh thần. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Một đứa trẻ dù có thể chưa đầy đủ về mặt vật chất nhưng lại tràn ngập tình yêu thương sẽ phát triển tốt hơn một đứa trẻ thiếu thốn tình cảm gia đình.

MC Đức Bảo trích dẫn không hoàn toàn sai, nhưng chưa đúng. Đặc biệt trong đời sống hiện nay khi vật chất được chú trọng nhiều, đời sống tinh thần chưa được đánh giá đúng, thì quan điểm trên sẽ càng dễ bị hiểu lệch đi. Hãy nuôi dạy một đứa trẻ bằng tất cả tình thương của bậc phụ huynh, và cả khả năng bạn có vì chúng xứng đáng được hưởng hạnh phúc một cách trọn vẹn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
‘Nghèo khó không sinh con là lương thiện’, nhưng tiền bạc có nuôi dưỡng trẻ nên người?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO