Nghề "thay áo" cho mai Tết

01/01/2023 23:37

Năm nào cũng vậy, khoảng đầu tháng chạp, người trồng mai ở thủ phủ mai vàng tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định lại huy động nhân công tập trung lặt lá để cây mai dồn sức, cho hoa nở đúng Tết.

Những ngày này, các làng trồng mai ở thị xã An Nhơn đang tất bật thuê người lặt (tuốt) lá để kích cho mai kịp nở cho vụ mùa Tết Quý Mão 2023. Dọc quốc lộ 1A và một số tuyến đường chính ở thị xã An Nhơn, người dân bắt đầu dựng lều bán mai Tết.

Nghề thay áo cho mai Tết - 1

Nghề lặt lá mai giúp phụ nữ nông thôn có thêm khoản thu nhập cuối năm (Ảnh: Doãn Công).

Theo ghi nhận, tuy thương lái đến mua mai không tấp nập như năm ngoái nhưng thời điểm này, các nhà vườn đang tập trung thuê nhân công lặt lá để cây mai dồn sức cho hoa khoe sắc đúng dịp Tết.

Bà Trần Thị Lan (70 tuổi, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) bộc bạch: "Cuối năm, các nhà vườn cần người lặt lá mai nên tôi tranh thủ cùng các chị em đi làm thuê để kiếm ít đồng lo sắm Tết".

Nghề thay áo cho mai Tết - 2

Mỗi ngày công lặt lá mai được 180.000 đồng (Ảnh: Doãn Công).

Theo bà Lan, thường ngày, nếu có khách đặt hàng bánh ít lá gai thì bà ở nhà làm. Nay bà tranh thủ đi lặt lá mai thuê, ngày công được 180.000 đồng, tuy không cao nhưng cũng có thêm đồng ra đồng vào.

Chị Nguyễn Thị Quanh (32 tuổi) theo chị em đi lặt lá mai thuê. Nhóm của chị Quanh có 8 người, thường nhận khoán cả vườn mai và hoàn thành theo yêu cầu của chủ vườn.

Theo bà Nguyễn Thị Cải (70 tuổi, ở thôn Háo Đức), với vườn mai khoảng 2.500 cây, chỉ riêng tiền thuê lặt lá mai, gia đình bà cũng đã tốn cả chục triệu đồng.

"Làm mai vất vả lắm. Mỗi cây trồng 4-5 năm mới bán được vài trăm nghìn đồng. Năm nay, thương lái đến mua chậm. Năm ngoái, tầm này xe tải về mua mai đã chật đường quê", bà Cải nói.

Nghề thay áo cho mai Tết - 3

Đưa mai từ ruộng lên đường lớn để bán cho thương lái (Ảnh: Doãn Công).

Theo Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, toàn thị xã có khoảng hơn 10.000 hộ dân trồng mai kiểng. Năm 2022, số tiền bán mai thu được khoảng 128 tỷ đồng. Đến nay, chính quyền thị xã đã đầu tư khoảng 19 tỷ đồng tại 2 làng mai ở xã Nhơn An và Nhơn Phong, tổng diện tích 75ha để trồng mai tập trung.

Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã An Nhơn cho biết, dù thời tiết bất lợi khiến một số vườn mai nở hoa sớm nhưng bông búp chờ còn rất nhiều nên dự báo số lượng mai bán ra thị trường năm nay tăng 1,5 lần so với năm trước.

Nghề thay áo cho mai Tết - 4

Những lao động ở làng mai tranh thủ ăn cơm hộp để tiếp tục công việc buổi chiều (Ảnh: Doãn Công).

"Năm nay, lượng bông, búp đối với cây mai đảm bảo, bà con nông dân chủ động vặt lá để kịp bán dịp Tết sắp đến. Thị xã An Nhơn tạo đầu ra, mở rộng thị trường và quảng bá hình ảnh cây mai vàng Bình Định trở thành một thương hiệu trên thị trường từ Bắc đến Nam", ông Bùi Văn Cư cho biết thêm.

Lần đầu tiên tổ chức lễ hội mai vàng An Nhơn

Từ ngày 9/1/2023 đến 11/1/2023, UBND thị xã An Nhơn sẽ tổ chức lễ hội Mai vàng An Nhơn lần thứ I nhằm giới thiệu, quảng bá thủ phủ mai vàng, thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Người trồng mai nơi đây đang tất bật tuyển chọn các cây mai đẹp nhất của vườn nhà để trưng bày tại lễ hội.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghề "thay áo" cho mai Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO