Nghệ sĩ Xuân Bắc cho rằng, các bạn trẻ cũng cần cảm nhận những tình cảm, sự cố gắng của bố mẹ, đơn giản từ những lần đưa đón đi học mỗi ngày. |
Đó là chia sẻ của nghệ sĩ tại diễn đàn “Điều em muốn nói” do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức sáng 17/5, tại Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội).
Diễn đàn được tổ chức với mong muốn học sinh có thể chia sẻ tâm tư sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại đây, nghệ sĩ Xuân Bắc cũng đặt ra những câu hỏi tới các học sinh Trường THCS Giảng Võ và hy vọng nhận được câu trả lời thật lòng từ chính các em. Với câu hỏi “Có bao nhiêu bạn ngồi ở đây, nhiều lúc có cảm giác bố mẹ không hiểu gì mình?”, rất nhiều học sinh đã giơ tay.
Và cũng tương tự khi nghệ sĩ hỏi về việc gặp khó trong việc nói chuyện với bố mẹ khi ở độ tuổi này.
Tuy nhiên ở câu hỏi “Có bao nhiêu bạn nói chuyện với bố mẹ mà được bố mẹ quan tâm một cách đầy đủ, thích đáng?", số cánh tay học sinh giơ lên lại rất ít.
Ở góc độ một phụ huynh, nghệ sĩ Xuân Bắc thừa nhận không phải buổi sáng nào bản thân cũng có thể đưa con đi học. Bởi nhịp đi học của con khác với nhịp đi làm của mình.
“Tôi là người làm công việc hay phải thức khuya nên có thể nói việc dậy sớm như là cực hình, cực kỳ khó khăn”, Xuân Bắc nói.
Đồng thời, anh cho rằng, các bạn trẻ cũng cần cảm nhận những tình cảm, sự cố gắng của bố mẹ, đơn giản từ những lần đưa đón mỗi ngày.
Trước câu hỏi những ai có áp lực về điểm số, rất nhiều cánh tay học sinh đã giơ lên.
Chia sẻ với các em học sinh THCS Giảng Võ về hướng giải quyết của mình nếu con có điểm thi học kỳ không tốt, nghệ sĩ Xuân Bắc tâm sự: "Trên hành trình các con trưởng thành, cha mẹ cũng trưởng thành với vai trò làm cha làm mẹ. Làm cha mà áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái thì mình không đúng”.
Tôi có hai điều mong muốn, đó là các con của mình có nhận thức và ý thức. Khi các con nhận thức được thì sẽ có kiến thức; ý thức được việc học tập thì sẽ tự giác học.
“Tôi chưa bao giờ mắng con về điểm số. Tôi chỉ hỏi vì sao, đôi khi những câu hỏi đó cũng đã khiến các con bật khóc”.
Tuy nhiên, theo Xuân Bắc, các bạn trẻ đừng cho mình quyền được sinh ra và nghĩ bố mẹ phải phụng sự. “Thay vào đó, các con hãy tự cho mình quyền được yêu thương và chia sẻ với bố mẹ".
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục của Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi có vấn đề gì đó, các bạn trẻ cần nói ra nhưng không phải theo cách tức giận hay tiêu cực.
“Các bạn có thể nói cha mẹ không lắng nghe, nhưng hãy tìm nhiều cách thức hơn để cha mẹ thấu hiểu mình như chọn thời gian cha mẹ không bận rộn, viết email... Hoặc tìm đến người thân, người bạn, thầy cô mà các bạn có thể tin tưởng. Họ có thể mang đến cho bạn những phản hồi tích cực.
Ngay lúc này, cảm xúc của các bạn có thể rất vui nhưng chỉ được một thời gian ngắn và chúng ta nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.
Vì vậy, nếu có tư tưởng tiêu cực tự làm hại bản thân, nên nhớ những cảm xúc ấy chỉ là nhất thời thôi, hãy cố gắng kiểm soát để vượt qua sự tiêu cực đó”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.