Từ ngày 4/10 đến ngày 30/3/2024, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) ở Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm sắp đặt Thủy triều cảm xúc (A Tide of Emotions) của nghệ sĩ Nhật Bản Chiharu Shiota.
Thủy triều cảm xúc là những tác phẩm được thực hiện riêng cho không gian VCCA. Đó những mạng lưới chỉ đỏ kết nối với những con thuyền cũ mang dấu ấn thời gian được phủ kín không gian rộng lớn khiến cho người xem có nhiều cảm xúc.
Chỉ đỏ là chất liệu tiêu biểu cho thực hành nghệ thuật của Chiharu Shiota. Ở triển lãm, hình ảnh hàng trăm nghìn sợi chỉ như những con đường đan xen giữa quá khứ và hiện tại, gợi liên tưởng về nghệ thuật thư pháp của thế giới cổ đại và truyền thống với hàng nghìn khung dệt.
Chị Nguyễn Trà My - Giám đốc Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) - cho biết, vào ngày 11/10 tới đây, nghệ sĩ Chiharu Shiota mới có mặt tại Việt Nam để gặp gỡ đồng nghiệp và khán giả. Tuy nhiên, trong quá trình sắp đặt triển lãm, nữ họa sĩ đã lên ý tưởng và giám sát từ xa.
Chị My chia sẻ, khi làm việc với người Nhật, chị học được sự chỉn chu, chuyên nghiệp. Nghệ sĩ Chiharu Shiota đã có những yêu cầu riêng về không gian, ánh sáng và an toàn lao động của triển lãm.
"Trước khi triển lãm diễn ra, cô Chiharu Shiota đề nghị phải ốp lại 2.000 m2 tường của triển lãm, cô ấy cũng phải giám sát tường cao, dày bao nhiêu, ánh sáng ra sao, len được dùng phải màu gì. Chúng tôi đã phải huy động một làng nghề để cung cấp len cho triển lãm. Đã có 2 loại len cô ấy không duyệt vì chưa đủ chất lượng, màu sắc", chị Trà My cho biết.
Giám đốc Trung tâm nghệ thuật đương đại chia sẻ thêm, nghệ sĩ Chiharu Shiota từng được tham quan vịnh Hạ Long nên bà rất thích hình ảnh những con thuyền bồng bềnh trên sóng nước.
Bà đã đặt ê-kíp của Việt Nam phải mua lại những con thuyền cũ để mang vào triển lãm, vì thuyền cũ mới có dấu ấn thời gian, có linh hồn, có những câu chuyện thì mới đúng ý tưởng của tác giả.
"Chúng tôi mất từ 4 đến 6 tuần để hoàn thành việc sắp đặt này. Đã có 50 nghệ sĩ Nhật và Đức trong ê-kíp của Chiharu Shiota sang và một số tình nguyện viên ở trường Đại học Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật công nghiệp làm dự án này. Ê-kíp của nghệ sĩ này giám sát việc định hình, ánh sáng, xem xét từng chút, nếu chỉ cần sai một chi tiết là phải gỡ ra làm lại từ đầu", chị My kể lại.
Nghệ sĩ Phạm Thái Bình - Trưởng Khoa thiết kế, Đại học Kiến Trúc - cho hay, anh xúc động khi được chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng Chiharu Shiota ở Việt Nam. Theo anh, các nghệ sĩ càng nổi tiếng, càng chứng minh được tính đại chúng trong tác phẩm.
"Bà Chiharu Shiota có ảnh hưởng tới nhiều nghệ sĩ trẻ trên thế giới, trong đó có các nghệ sĩ ở Việt Nam. Tôi ngắm tranh mà có cảm giác đứng trước một "ngôi đền thiêng", từ triển lãm này có thể thấy rằng, thông qua nghệ thuật, người nghệ sĩ có thể chạm vào cảm xúc của người xem. Thông qua tác phẩm, người xem có thể lắng nghe được tâm tư, thông điệp của tác giả.
Nghệ sĩ càng nổi tiếng, thì sự chuyên nghiệp trong tác phẩm càng thể hiện rõ. Đây là các tác phẩm tinh tế, có tính đại chúng", nghệ sĩ Thái Bình nhận xét.
Có mặt tại triển lãm, họa sĩ Trịnh Tuân cho biết, ông thấy có nhiều cảm xúc khi đứng "trong lòng" một tác phẩm sắp đặt, đó là một tác phẩm hoành tráng và có nhiều sáng tạo.
"Bà Chiharu Shiota đã có nhiều triển lãm sắp đặt trên thế giới. Cái mới ở triển lãm này là bà đã khéo léo đưa các vật dụng trong đời sống đương đại như những cuộn len, những con thuyền cũ của người Việt vào. Nhìn những con thuyền này, khán giả hình dung mình đang đứng ở một vùng biển rất quen của Việt Nam.
Với triển lãm sắp đặt này, chúng ta đã có sự tương tác, liên kết với nghệ sĩ quốc tế. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, sẽ có nhiều nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam làm triển lãm", ông Tuân bày tỏ.
Thủy triều cảm xúc là sự kiện đầu tiên của Chiharu Shiota tại Việt Nam. Bà sinh năm 1972, là nghệ sĩ đương đại người Nhật Bản, hiện sống và làm việc tại Berlin, Đức.
Chiharu Shiota nằm trong số những nghệ sĩ đương đại tài năng và thành công nhất trên thế giới hiện nay, có tác phẩm trưng bày ở nhiều bảo tàng và triển lãm danh tiếng ở các khu vực. Đặc biệt, bà từng được chọn làm nghệ sĩ đại diện cho Nhật Bản tham gia Venice Biennale (năm 2015), triển lãm quốc tế uy tín và lâu đời nhất được tổ chức 2 năm một lần tại Venice, Ý.