Bảo Chung có cha nuôi là nghệ sĩ hài Văn Chung nhưng anh lại thần tượng NSƯT Bảo Quốc nên mới xin phép lấy nghệ danh Bảo Chung. Năm 6 tuổi, anh được cha mẹ gửi vào chùa và 7 năm sau trốn đi theo các đoàn hát. Ban đầu anh theo học cải lương vì mê đàn hát, đóng khá nhiều kép chánh nhưng vẫn chưa nổi danh. Năm 1979, khi theo đoàn đi diễn ở Quy Nhơn (Bình Định), vì thiếu người diễn hài nên Bảo Chung được ông bầu năn nỉ lên thay, không ngờ thành công ngoài dự kiến.
Nhưng Bảo Chung thừa nhận tên tuổi của anh là do vợ chồng NSƯT Thanh Điền - Thanh Kim Huệ góp phần tạo nên.
Năm 1992, Bảo Chung được bình chọn là một trong 10 danh hài được yêu thích nhất trong năm. Năm 1996, anh giành HCV Cuộc thi Danh hài TP. HCM tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình với tiểu phẩm hài Bao Công kỳ cục án.
Năm 2000, tiểu phẩm Tiên Sài Gòn với nội dung chê cười vấn đề giao thông trong nước đã giúp Bảo Chung một lần nữa đoạt huy chương vàng cuộc thi Danh hài Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2004, Bảo Chung đóng phim điện ảnh hài Khi đàn ông có bầu. Cuối năm 2010, anh sang Mỹ định cư.
'Về Việt Nam, không ai chạy show ở tỉnh nhiều như Bảo Chung'
- Những năm gần đây thường thấy Bảo Chung về Việt Nam chạy show nhiều hơn. Người ta bảo các nghệ sĩ hải ngoại thường về quê nhà chạy show trước khi tên tuổi bị lãng quên. Anh nói gì về điều này?
- Ở Mỹ một tuần chỉ có 1 show, nhưng về Việt Nam ngày nào cũng có. Thỉnh thoảng tôi còn viết kịch bản, đạo diễn MV. Tôi thích đi diễn, giờ bảo ở nhà tôi buồn lắm. Bà xã ở Mỹ kêu tôi ở nhà trông coi mấy tiệm nail, nhưng tôi không thích. Thà tôi ở nhà ngồi nghiên cứu, viết kịch bản còn hay hơn.
Tôi ở Mỹ vẫn đi diễn bình thường, tên tuổi không đi xuống hay đi lên gì cả. Năm 2010 tôi qua Mỹ định cư và có ký hợp đồng với Vân Sơn. Hơn nữa, nghệ sĩ hài bên Mỹ không nhiều, chỉ cần chút tài cũng được yêu mến rồi. Nhưng đến khi tôi qua đó thì thị trường đã bão hòa. Tôi vẫn còn diễn được là nhờ đã thành danh ở Việt Nam.
- Việc chạy show lúc này khác với ngày xưa không?
- Tôi còn nhớ thời kỳ đỉnh cao của mình, 1 ngày chạy đến 7-8 show, đó là ở thành phố. Còn ở dưới tỉnh, một đêm tôi theo đoàn diễn 4 nơi.
Thời Mưa bụi, tôi sống 6 tháng ở miền Bắc, ở miền Nam 2 tháng còn 4 tháng kia chạy show ở nước ngoài.
Nhưng bây giờ khó khăn lắm, không còn tình trạng khán giả chen lấn, xếp hàng để mua vé nữa.
- Còn cát-xê thì sao?
- Những năm 1990, cát-xê của tôi 3 triệu/show. Thời đó 1 chỉ vàng khoảng 300-400 nghìn đồng, bây giờ tiền bị rớt, vật giá leo thang nên mọi thứ cũng khác.
Ngày xưa đi hát một đêm đã có 1 cây vàng, cát-xê giờ cũng tầm 30 triệu, gần bằng nhau nhưng giá trị thật lại cách biệt. Ngày đó tôi làm nhiều tiền, nhưng một ngày xài không hết 100 nghìn đồng.
- Thời huy hoàng của nghệ sĩ hài phải kể đến những năm 2000 nhỉ, khi phong trào video phát triển mạnh?
- Thời đó vui lắm, đi diễn, quay video cực nhưng không còn biết mệt là gì. Một ngày tôi chạy 15 show là chuyện thường. Lúc bấy giờ phong trào băng video mạnh lắm, mỗi ngày tôi quay từ sáng đến tối, tối đi hát và diễn tận khuya. Về tới nhà đâu được ngủ, phải lao vào phòng thu để thu âm.
Mỗi khi tôi về đến Sài Gòn, nhảy lên xe có tài xế đợi sẵn, tôi ngồi sau ăn vội ổ bánh mì, chưa kịp nuốt trôi người ta đẩy tôi lên sân khấu.Mỗi đêm tôi chỉ ngủ được 3, 4 tiếng, mà cuộc sống đó kéo dài từ năm 1993 đến năm 2005.
Nhưng tôi làm vậy không phải vì ham tiền, mà bởi tôi mê nghề quá. Cát-xê chủ yếu đến từ việc tấu hài chứ quay video đâu có tiền.
Không chỉ riêng tôi mà những danh hài như Bảo Quốc, Minh Nhí, Hồng Tơ, Duy Phương thời đó cũng kiếm tiền dữ lắm.
- Giờ việc chạy show vốn khan hiếm rồi, nhưng Bảo Chung vẫn sống được nghề không phải anh cũng có “số má” gì đó sao?
- Tôi nghĩ mình được thương vì tính cách bình dân, không kiểu cách. Trong giới nghệ sĩ không ai than phiền tính cách của tôi. Lúc chưa nổi danh hay đã ở đỉnh vinh quang, tôi chưa bao giờ đặt ra yêu cầu về cát-xê hay đòi hỏi quá đáng với bất kỳ ai.
Bây giờ ở tỉnh, đâu ai chạy show nhiều bằng tôi. Mấy chục năm rồi bầu show vẫn đối xử với mình như thế. Ngày xưa, tôi không hét giá, họ trả bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, không đòi hỏi. Bây giờ tôi cũng đâu thể đòi ngang giá mấy em trẻ, thôi mình hạ xuống một nửa nhưng bù lại chạy show đều đặn.
'Hài của Bảo Chung vẫn nghiêm túc, không 'trớt quớt'
- Về Việt Nam, anh có kịp thích nghi khi thời thế, con người đều đã thay đổi?
- Tôi rất ngỡ ngàng ở thời điểm mới về. Tôi bị đơ trước các em trẻ, họ chỉ cần xem qua kịch bản và lên sân khấu quăng bắt ngay. Mất hơn một tháng, tôi mới bắt nhịp được. Nhưng tôi vẫn cho rằng diễn hài không phải chỉ có nhanh miệng mà cần có kinh nghiệm và phối hợp ăn ý với bạn diễn để tạo điểm nhấn.
Tôi thấy lớp trẻ diễn một mình chọc khán giả cười sảng khoái nhưng xong rồi thôi bởi diễn không có kịch bản nên nó “trớt quớt”. Nếu đầu tư kịch bản, tôi tin các em sẽ mạnh lắm.
Quan trọng phải yêu nghề, nếu không sẽ đồng nghĩa với việc tự sát và đi xuống lúc nào cũng không hay. Tôi gắn bó với tấu hài và thà chết trên sân khấu chứ không bỏ được. Lúc còn ở đỉnh cao, nhiều người khuyên tôi mai mốt bỏ nghề để làm kinh doanh và họ sẵn sàng hỗ trợ. Nếu nghe theo, tôi cũng giàu rồi mà ngặt nỗi mình đã trót yêu nghiệp diễn nên làm sao bỏ được.
- Nhưng thời của Bảo Chung, cách tấu hài đã cũ, người trẻ họ có tư duy mới hơn. Anh nghĩ sao?
- Tôi không chạy theo người khác nhưng cũng không có nghĩa mình dậm chân một chỗ. Tôi không thể lên sân khấu ba hoa một cách rời rạc, không kịch bản. Tôi vẫn muốn chọc cười khán giả nhưng sau đó người ta sẽ ngẫm nghĩ thêm. Tôi muốn giữ nét đặc trưng của Bảo Chung.