Ông Nguyễn Văn Thu - Chủ tịch Công đoàn Nhà hát Trần Hữu Trang - thông tin đến VietNamNet, nghệ sĩ Tiến Dũng qua đời lúc 9 giờ 25 phút sáng nay 16/3 tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Gia đình đang chuẩn bị đưa ông về quê nhà Bến Tre để tổ chức đám tang.
Nửa tháng trước, nghệ sĩ cải lương Tiến Dũng được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn trong tình trạng nguy kịch. Chân trái của ông bị hoại tử, phải làm phẫu thuật cắt đi.
Ông mắc bệnh tiểu đường nhiều năm. Căn bệnh biến chứng, âm thầm phá hủy nội tạng khiến nghệ sĩ bị viêm đa khớp, viêm thần kinh ngoại biên, đi lại khó khăn.
Năm 2019, Tiến Dũng nghỉ hưu do sức khỏe xuống dốc. Ông nhiều lần ra vào bệnh viện chữa bệnh, lần gần nhất nhập viện cách đây 3 tháng.
Nghệ sĩ Tiến Dũng.
Gia đình cho hay nghệ sĩ "luôn nhắm nghiền mắt nhưng không hôn mê, hoàn toàn biết việc mình bị cưa chân và trải qua những đau đớn về thể xác".
Hoàn cảnh của nghệ sĩ Tiến Dũng khó khăn. Số viện phí 14 triệu đồng/ngày khiến gia đình ông kiệt quệ. Vừa qua, tập thể nhân sự Nhà hát đã quyên góp tổng cộng 32,5 triệu đồng, trao tận tay Ngọc Hiếu - con gái nghệ sĩ đang một mình chăm cha.
Nghệ sĩ Tiến Dũng tên thật là Lê Văn Dũng, sinh ngày 10/11/1959 tại Thạnh Phú, Bến Tre. Ông theo nghề hát từ năm 16 tuổi, bắt đầu với công việc hậu đài sân khấu tại Đoàn Cải lương Sài Gòn 2.
18 tuổi, ông chính thức có vai đầu tiên trong vở Thoại Khanh – Châu Tuấn của đoàn Trúc Giang của Nam Sơn. Soạn giả cũng là người thầy đầu tiên truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm cho ông.
Nghệ sĩ Tiến Dũng thời trẻ.
Sau này, Tiến Dũng về đoàn Trùng Dương – Vũng Tàu, xây dựng tên tuổi qua các vở Tình hận thâm cung, Bụi mờ gió ngựa, Sầu quan ải... Ông cũng từng cộng tác với đoàn cải lương An Giang – Khánh Hồng, đoàn Hồng Nhung...
Nghệ sĩ diễn đa dạng vai như kép độc, kép lẳng, kép mùi… Ngoài soạn giả Nam Sơn, ông còn được đạo diễn Nguyễn Mỹ - em của cố danh hài Quốc Hòa dốc tâm huyết chỉ dẫn.
Năm 1990, nghệ sĩ Tiến Dũng về Đoàn Văn công Thành phố – tiền thân của Nhà hát Trần Hữu Trang ngày nay. Tại đây, ông ghi dấu ấn với các vở Không là cát bụi, Cây sầu riêng trổ bông...
Vở diễn gần nhất gây tiếng vang của ông là Thành phố buổi bình minh với vai Huy Hoàng. Tác phẩm tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Trong nhà hát, nghệ sĩ Tiến Dũng được nhận định là người tận tụy với nghề, luôn hết lòng với từng vai diễn được giao. Ông cũng là người truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều diễn viên trẻ.
Xem thêm:
NSND Bạch Tuyết: ‘Ông hội đồng Thăng đã di cư rồi’
NSND Diệp Lang: Bậc thầy thượng thừa ‘ca trong diễn - diễn trong ca’
Mê mẩn chuyện tình Tây Thi – Ngô Phù Sai của Vũ Linh và Ngọc Huyền