Sân khấu kịch Sài Gòn khá đa dạng gu kịch, nếu hỏi nghệ sĩ Ái Như về gu kịch Hoàng Thái Thanh, chị sẽ trả lời ngay rằng kịch Hoàng Thái Thanh như tô bún bò Huế, mà chị là người đứng bếp.
Bất chấp thời tiết nắng mưa hay gu thưởng thức của thực khách- khán giả kịch Sài Gòn như thế nào, Ái Như cùng ê kíp nấu bếp của mình, kiên quyết giữ đúng vị.
Kịch Hoàng Thái Thanh như tô bún bò Huế
“Mình chọn những gì mình có thể làm một cách tốt nhất. Nếu chạy theo bao nhiêu thứ những cái mới mà mình làm không ra gì, không ra giá trị gì thì mình theo để chi. Gu kịch định hình của sân khấu Hoàng Thái Thanh thì lâu nay ai cũng biết rõ từ 12 năm nay rồi”.
Nhưng khá bất ngờ, cái gu ấy một phần là từ sự quyết định của chính khán giả. Như lời Ái Như kể: “với khán giả của Hoàng Thái Thanh, mình thấy gần như họ không muốn thay đổi phong cách kịch mà sân khấu này đã có bao lâu nay. Họ đã quen gu kịch như thế rồi. Nhiều khi muốn thay đổi, gia giảm chỗ này chỗ kia nhẹ nhàng một chút, thì khán giả lại cảm thấy nhẹ quá, hỏi rằng có vở nào mãnh liệt hơn nữa không.”
Chị nhận ra điều này khi thực hiện những vở mà Ái Như thấy là nhẹ nhàng nhưng vẫn phải có chút nước mắt, phải có những khổ đau thì khán giả mới chịu. Không có không được. Khán giả quen và thích được như thế khi đến với Hoàng Thái Thanh. “ Cho nên mình phải cố gắng để tìm những câu chuyện khác nhau, nhưng làm sao để có cảm xúc đó. Thành ra món ăn tinh thần của mình phải là bún bò Huế thôi. Nó phải có đủ cay, nồng, đậm đà mới ra vị, mới đủ đô được.” Chị cười hài hước ví von về cái gu kịch đã là đặc điểm nhận diện khó lẫn của sân khấu kịch có biểu tượng là chú chuồn chuồn này.
Cũng vì “tô bún bò Huế” mà chị, và nghệ sĩ Thành Hội, hai người đầu tàu của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, phải gồng gánh suốt cuộc chơi nghệ thuật dài mười mấy năm qua.
“Có năm, hình như là năm thứ 8, nhân viên mừng quá trời khi mình công bố rằng năm nay là năm đầu tiên chỉ lỗ mấy triệu đồng thôi, coi như không lỗ. Ý là đã… không khấu hao. Lâu nay, thu được bao nhiêu là bỏ vào đầu tư tiếp. Nghĩa là 12 năm nay chưa lấy lại đồng vốn nào, cũng không tính khấu hao. 12 năm nay, bỏ tiền vô rồi thì…quên nó đi, cứ đợi cuối tháng, cuối năm xem lỗ bao nhiêu để còn tính mà… rót vốn thêm. Chứ cứ từng đêm diễn mà tính thì mệt đầu lắm. Khi nào đông khách thì để đó, rồi bù qua sớt lại. Như chơi ô quan vậy. Còn 2 năm nay ư, không tính luôn, vì ai cũng biết sân khấu kịch Sài Gòn sáng đèn có được mấy ngày đâu!”, Ái Như cười.
Chị lấy đó làm vui, để lý giải cho những khó khăn của mình, rằng thay vì người ta đi cờ bạc rượu chè thì mình tốn tiền cho cuộc chơi nghệ thuật. Bù lại mình nhận được những cái không thuộc về vật chất, nhưng mang lại niềm vui cho khán giả, cho chính mình với những giá trị tinh thần giúp mình thêm sự giàu có về tâm hồn.
Phụng sự cho thánh đường
Ái Như, cùng nghệ sĩ Thành Hội, cộng sự đắc lực bao nhiêu năm qua, đã kiên trì gầy dựng một sân khấu có tiếng là chỉn chiu, nghiêm túc nhất nhì Sài Gòn. Như nhiều nghệ sĩ từng cộng tác ở đây thừa nhận, với Ái Như, sân khấu thực sự là một thánh đường.
Chị thừa nhận: “Nhiều khi niềm vui của người nghệ sĩ cũng phù phiếm lắm. Với nhiều người thấy quá lý tưởng, mơ mộng. Nhưng mình thích như vậy rồi, biết sao giờ.” Ái Như may mắn khi có đồng đội là người bạn diễn cùng lý tưởng Thành Hội. Cả hai lại đều có những hậu phương rất vững chắc, rất hiểu và luôn ủng hộ để cho họ yên tâm làm nghệ thuật suốt bao nhiêu năm qua.
Ái Như chia sẻ, trong từng câu nói khi chị diễn hay viết kịch bản đều lưu ý những chi tiết nhỏ. “ Khi mình thực hiện một vở diễn, có thể người khác dựng có thể làm hiện đại hơn, nhưng với mình, nhất định phải gửi gắm để khán giả có thể liên tưởng, suy ngẫm về một điều gì đó. Đó là mục đích mà mình muốn đặt ra trong những tác phẩm của mình.” Ái Như tâm sự.- “Có thể người ta nghĩ nghệ sĩ Ái Như cổ lỗ sỉ, lỗi thời. Nhưng nếu như đó là vật cổ để người ta hoài niệm về điều gì đó, thì mình rất hãnh diện vì điều này. Mình đã không lăn tăn điều này nữa.
Người ta thường hay đặt câu hỏi : Nghệ sĩ Ái Như có làm gì mới không? Hoàng Thái Thanh có làm gì mới không? Thế nào là mới, phải sao mới là mới, không phải cái mới nào cũng thành công và không phải cái cũ nào cũng thất bại. Mình chọn những gì có thể làm một cách tốt nhất. Nếu cứ chạy theo bao nhiêu thứ những cái mới mà mình làm không ra gì, không ra giá trị gì thì mình theo để chi.
Chị nói, công việc nào cũng đòi hòi sự tinh xảo, chứ không chỉ ở sân khấu. Bản thân sân khấu Hoàng Thái Thanh, việc đầu tiên phải chính mình rung động mong muốn được làm nghề, được làm cái mà mình thấy đẹp nhất theo suy nghĩ của mình.
“Mình và các cộng sự vẫn tiếp tục làm sân khấu cho đến khi nào không đủ khả năng về tài lực, trí lực, sức khỏe, thì dừng. Đánh dấu năm thứ 12 của Hoàng Thái Thanh, như một con giáp đi qua cuộc đời con người, chúng ta nhìn lại những gì đã có và đã mất để hướng đến tương lai. Để từ đó, những đôi cánh chuồn chuồn lại bay trên bầu trời nghệ thuật”, Ái Như chia sẻ với nụ cười nhẹ nhõm.