'Nghề nghiệp, trang phục, công việc nhà không... có giới tính'

Nguyệt Anh| 19/10/2021 10:19

Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ cho rằng, các thành viên trong gia đình không mang định kiến giới sẽ góp phần xoá bỏ định kiến giới trong xã hội từ cấp độ chính sách tới các hành động thực tiễn, từ cấp độ tổ chức, cơ quan tới cấp độ cá nhân.

Bình đẳng giới
Bà Ngô Thị Thu Hà nêu quan điểm, các thành viên trong gia đình không mang định kiến giới sẽ góp phần xoá bỏ định kiến giới trong xã hội từ cấp độ tổ chức tới cấp độ cá nhân.

Covid-19 đã bộc lộ rõ hơn tình trạng bất bình đẳng giữa các nhóm giàu nghèo, giới tính, tuổi tác thế nào, thưa bà?

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến tất cả mọi người, bất kể giới tính, tuổi tác hay tình trạng kinh tế dưới nhiều góc độ khác nhau từ việc làm, thu nhập, sức khỏe thể chất và tinh thần, chưa kể những mất mát về mặt con người ở trên toàn thế giới và Việt Nam.

Về góc độ việc làm và kinh tế, các số liệu thống kê công bố trước khi có đại dịch cho thấy, tỷ lệ phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức cao hơn so với nam giới, trong khi đó kỹ năng và thu nhập của phụ nữ lại thấp hơn nên sự tích luỹ thấp.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, chỉ một bộ phận dân số có tích lũy, có thể làm việc online hoặc một số ngành nghề đặc thù như sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực y tế, ngân hàng, viễn thông, công nghệ máy tính vẫn giữ được việc làm và thu nhập, số còn lại đều bị ảnh hưởng từ mất việc, giảm việc đến giảm thu nhập hoặc mất toàn bộ thu nhập.

Đặc biệt, bộ phận lao động phi chính thức, không có hợp đồng lao động và không đóng bảo hiểm xã hội hay buôn bán nhỏ theo quy mô hộ gia đình. Từ đó cho thấy phụ nữ trong khu vực phi chính thức và là người nghèo ở cả nông thôn và đô thị đều chịu những tác động lớn bởi đại dịch.

Vì làm việc ở khu vực phi chính thức với thu nhập thấp hơn và không có các chế độ hỗ trợ như trợ cấp thất nghiệp hay hỗ trợ duy trì người lao động từ các doanh nghiệp, nên phụ nữ thường lựa chọn nghỉ việc để chăm sóc con cái và các thành viên gia đình trong thời gian giãn cách xã hội. Từ đó, kéo rộng khoảng cách thu nhập và địa vị kinh tế giữa phụ nữ và nam giới.

Số liệu trên thế giới và ở Việt Nam cũng chứng minh rằng, tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em trong gia đình cũng gia tăng trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội, do áp lực về thu nhập và công việc chăm sóc không có lương. Đặc biệt, đối với những gia đình đã tồn tại tình trạng bạo lực từ trước khi có dịch Covid-19. Giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần và sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Là người nghiên cứu nhiều về vấn đề bình đẳng giới, theo bà để giải quyết vấn đề này, cần những hành động cụ thể gì?

Cả thế giới và Việt Nam đều đã khẳng định sống chung với Covid-19 nên cần có chiến lược mang tính tổng thể để không chỉ hồi phục về kinh tế mà còn hồi phục sức khỏe thể chất và tinh thần của mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tiếc rằng, hiện tại chúng ta chủ yếu tập trung các gói hỗ trợ khắc phục kinh tế và hỗ trợ tài chính mà chưa quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội khác nảy sinh bởi dịch.

Về mặt kinh tế, cần có những gói hỗ trợ phù hợp để khôi phục doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp là nơi tỷ lệ phụ nữ làm chủ cao lại thu hút nhiều lao động nữ.

Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức đang thực hiện các dự án tài chính vi mô và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần lưu ý đến yếu tố giới. Đây cũng là lúc giúp phụ nữ thực hiện các bước chuyển đổi số để vận hành các doanh nghiệp và các mô hình cung cấp dịch vụ.

Đại dịch xảy ra cũng làm cho Chính phủ, doanh nghiệp và cả người lao động nhìn nhận lại việc thực hiện quyền của người lao động như ký kết hợp đồng, đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, xây dựng, rà soát và thực hiện các chính sách về chống phân biệt đối xử, thực hiện an toàn lao động bao gồm các bước để bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trước dịch Covid-19.

Hiện nay, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc cũng đã ban hành bộ hướng dẫn để các doanh nghiệp, tổ chức rà soát các quy định cũng như việc thực hiện của mình để bảo đảm quyền của người lao động trong bối cảnh Covid-19.

Về mặt xã hội, cần có các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như khôi phục hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo và các dịch vụ chăm sóc người già, để giảm gánh nặng đối với việc chăm sóc không lương cho phụ nữ.

Chuyên gia Ngô Thị Thu Hà: 'Trang phục, công việc nhà và nghề nghiệp không có giới tính'
Dù tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo có tăng trong thời gian gần đây nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. (Nguồn: Đại biểu nhân dân)

Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong số các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới. Tuy nhiên, định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề?

Việt Nam đã có một số tiến bộ nhất định về bình đẳng giới trong bộ máy lãnh đạo các cấp hay tỷ lệ trẻ em gái đến trường cao hơn so với trước đây, tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động và làm chủ các doanh nghiệp cũng tăng.

Tuy nhiên, định kiến giới vẫn tồn tại. Quá trình nghiên cứu cho thấy, định kiến giới vẫn tồn tại trong sách giáo khoa, trên các phương tiện truyền thông và báo chí, cũng như trong xã hội, kể cả trong người trẻ. Bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn xảy ra ở cả tại gia đình, trên phương tiện giao thông công cộng và các không gian chung khác. Trong khi đó, các hình thức xử phạt chưa tương xứng với tính nghiêm trọng của vấn đề.

Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy: Cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất 1 hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6% bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Bà nghĩ gì về những con số "biết nói” này?

Con số này cho thấy, bạo lực gia đình đối với phụ nữ vẫn còn hiện hữu và cần nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác truyền thông và hỗ trợ nạn nhân, cũng như người gây bạo lực.

Thực tế, tỷ lệ phụ nữ chịu bạo lực gia đình không hề giảm sau 10 năm, thậm chí cao hơn so với đánh giá trước đây. Tuy nhiên, con số này cũng cho thấy phụ nữ đã hiểu biết nhiều hơn về các hành vi bạo lực và chia sẻ về tình trạng bạo lực của mình, kể cả bạo lực tình dục. Đặc biệt, truyền thông đã ít nhiều đóng góp vào sự thay đổi này.

Vấn đề bất bình đẳng giới đang còn diễn ra ở tất cả các lĩnh vực. Cần thay đổi từ nhận thức đến hành động ra sao, thưa bà?

Phần trên tôi đã đề cập vị thế kinh tế của phụ nữ và tác động của đại dịch Covid-19 tới phụ nữ. Thứ hai, đó là vị thế phụ nữ trong gia đình. Dường như phụ nữ vẫn được giao trọng trách chăm sóc gia đình, sinh con trai để nối dõi, trong khi gánh nặng kinh tế lại đổ lên vai nam giới. Điều này cho thấy, có vẻ vị thế của nam giới trong gia đình cao hơn, nhưng thực ra là một gánh nặng đối với nhiều người.

Thứ ba, địa vị chính trị của phụ nữ. Dù tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo có tăng trong thời gian gần đây nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Điều đáng nói, dù tỷ lệ cao nhưng phụ nữ ít giữ vai trò ra quyết định mà chủ yếu ở vị trí hỗ trợ, cấp phó.

Để có sự thay đổi, cần đào tạo một thế hệ lãnh đạo nhạy cảm với các vấn đề xã hội như định kiến, khuôn mẫu, kỳ thị và phân biệt đối xử để những vấn đề này cần được nhất quán trong hệ thống luật pháp và chính sách, cũng như trong quá trình thực hiện của bộ máy lãnh đạo, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, cần thay đổi cách dạy học trong nhà trường để bảo đảm rằng, các thầy cô giáo không là người chuyển tải những thông điệp mang tính định kiến hay kỳ thị giới.

Định kiến giới tác động đến mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh sống. Theo đó, muốn xóa bỏ định kiến giới phải bắt đầu từ đâu, theo bà?

Muốn xoá bỏ định kiến giới phải thay đổi từ gia đình để không tạo thêm những thế hệ mang định kiến giới. Do đó, các thành viên gia đình cần thống nhất với nhau chỉ con người mới có giới tính còn quần áo, đồ chơi, công việc nội trợ và chăm sóc các thành viên gia đình, nghề nghiệp là không có giới tính để nói rằng, những thứ này phù hợp hơn với con trai hay con gái, vợ hay chồng, cha hay mẹ, ông hay bà.

Các thành viên gia đình không mang định kiến giới sẽ góp phần xoá bỏ định kiến giới trong xã hội từ cấp độ chính sách tới các hành động thực tiễn, từ cấp độ tổ chức, cơ quan tới cấp độ cá nhân.

Truyền thông cũng là một lực lượng quan trọng góp phần tác động thay đổi những nhận thức sai lầm về phụ nữ và đàn ông thế nào?

Tiếc rằng, truyền thông cũng đang củng cố khuôn mẫu, định kiến giới như quảng cáo các sản phẩm gia dụng, các gameshow, các chuyên mục, kể cả những chương trình vì sự tiến bộ phụ nữ. Nhiều chương trình mang tính phê phán ngoại hình trên cơ sở giới, những câu nói cố tình hay vô tình củng cố vai trò giới truyền thống, thậm chí ở góc độ nào đó thể hiện sự quấy rối tình dục.

Trong khi đó, tác động của truyền thông tới công chúng rất lớn. Do đó, cơ quan truyền thông cần xây dựng các chính sách chống phân biệt đối xử, bao gồm chống phân biệt đối xử trên cơ sở giới, chống quấy rối tình dục và có bộ phận kiểm soát các chương trình, để bảo đảm rằng các sản phẩm truyền thông không củng cố định kiến và kỳ thì về giới, dân tộc, chủng tộc.

Xin cảm ơn bà!

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Nghề nghiệp, trang phục, công việc nhà không... có giới tính'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO