Vợ chồng tôi yêu nhau từ năm thứ nhất đại học. Vừa ra trường tôi dính bầu, đành cưới luôn. Mẹ chồng tôi khó tính, không thích chuyện con gái chửa trước thành thử không hài lòng với con dâu. Ngay như hôm ăn hỏi, trước mặt gia đình nhà tôi, bà nói thẳng thừng:
“Cái kiểu ăn cơm trước kẻng thế này tôi chẳng ưa gì. Chẳng qua vì con vì cháu tôi đành nhắm mắt chấp nhận”.
Cũng vì thế mà sau cưới bà xét nét tôi lắm. Con dâu bầu bí chửa đẻ, bà chẳng quan tâm, ngày nào cũng bắt dậy sớm dọn dẹp, lo bữa sáng cho cả nhà. Ốm nghén tôi cũng không được nằm. Cứ đi qua cửa thấy tôi trong phòng, bà lại hắng giọng nói mát bảo dâu lười nhác, mượn cớ mang thai ỉ việc cho nhà chồng.
Rồi tôi ở cữ, mẹ chồng cũng không chăm nom đỡ đần. May chị chồng tôi hiền lành tâm lý, lại biết thông cảm với em dâu nên tôi cũng đỡ.
Chị chồng hơn tôi 5 tuổi, khéo léo, giỏi giang, cũng đã lập gia đình sống gần nhà ngoại. Biết mẹ khó tính với tôi nên hôm nào đi làm về, chị cũng tranh thủ rẽ vào bế cháu một lúc rồi động viên em dâu:
“Em mới sinh phải chịu khó ăn uống, giữ sức mới đủ sữa cho con bú. Muốn ăn gì cứ bảo mẹ với chị. Mẹ mình hơi khó tính, để từ từ chị phân tích cho bà hiểu. Em đừng suy nghĩ nhiều. Nếu thiếu tiền thì bảo chị đưa thêm cho mà tiêu nhé. Chị chỉ có Sinh (tên chồng tôi) là em nên cũng coi em như em gái chị. Em không phải giữ kẽ, ngại ngần với chị”.
Chị ấy nói thật lòng chứ không phải là nói miệng, hay “vuốt đuôi” gì em dâu. Từ lúc tôi chửa tới giờ, con tôi được 8 tháng, chị hay cho tiền, mua sữa cho cháu. Thi thoảng còn tặng tôi son môi, váy áo bảo:
“Phụ nữ phải biết chăm sóc cho mình, giản dị quá chỉ thiệt thân em ạ”.
Cùng với đó, chị cũng hay thủ thỉ, nhắn tin với em trai.
“Em phải biết thương vợ, đừng nghe mẹ mà hắt hủi con bé nghe không. Mẹ già rồi, suy nghĩ cổ hủ, em phải biết đứng giữa phân tích đúng sai như thế gia đình mới hòa thuận”.
Hôm ấy, chồng tôi nhận lương về đưa cho vợ, không ngờ đúng lúc đặt tiền vào tay tôi thì mẹ anh đi qua phòng nhìn thấy. Bà nhìn tôi nguýt dài rồi quay sang mắng con trai:
“Những lời mẹ nói con không hiểu hay cố tình không nghe? Mẹ nói rồi, đàn ông phải cầm kinh tế, đừng đưa hết tài chính vợ cầm, có ngày hối hận không kịp đó”.
Tôi đứng ngây mặt, tủi thân không biết nói sao. Chồng tôi gãi đầu, nhăn mặt:
“Mẹ hay thật, chuyện vợ chồng con cứ kệ chúng con. Mẹ đừng can thiệp sâu làm gì”.
Con trai vừa dứt lời, bà cứ thế xông vào chỉ tay mắng coi vợ hơn mẹ. Vừa hay chị chồng tôi sang chơi, đứng ngoài nghe hết chuyện, chị đi vào bảo:
“Đúng đó mẹ, chuyện vợ chồng thằng Sinh mẹ kệ đi. Chồng đi làm không đưa tiền cho vợ thì đưa cho người ngoài à? Lẽ nào mẹ cũng muốn chồng con đối xử với con như thế? Cũng giữ kinh tế, đề phòng vợ mình. Nếu hôm nay là chồng con nghe thấy mẹ dạy thằng Sinh thế này, anh ấy sẽ nghĩ sao đây?”.
Đến đây thì mẹ chồng tôi im bặt, bà không nói gì nữa bà lẳng lặng đi ra. Chị chồng tôi cũng theo sau. Trước khi ra khỏi phòng, chị còn nháy mắt cười tươi với tôi.
Vậy mới bảo câu “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” chưa hẳn đã đúng, còn tùy từng người phải không các chị em. Như bản thân tôi, thực sự tôi quá may mắn mới có được chị chồng tốt như vậy. Chứ không đời làm dâu của tôi chắc toàn nước mắt mất.
Theo Báo PNTĐ