Cắt cụt chi vì đắp thuốc nam
Mới đây, một bệnh nhân nam, 65 tuổi hoại tử chân do tự tiêm kháng sinh và đắp thuốc lá không rõ nguồn gốc vào vết loét, nguy cơ cắt cụt chi.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, ngón chân thứ hai loét, hoại tử bốc mùi. Kết quả xét nghiệm chỉ số bạch cầu tăng cao, đường huyết vượt quá ngưỡng cho phép, nguy cơ phải cắt cụt chi.
Sau hội chẩn, các bác sĩ khoa Nội tiết, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, chỉ định sử dụng kháng sinh, điều chỉnh liều insulin và xử lý tổn thương. Hàng ngày, kíp cắt lọc, nạo vét các tổ chức hoại tử song gặp rất nhiều khó khăn do vết thương bị loét nặng.
Cả đốt ngón chân bệnh nhân bị hoại tử bốc mùi, chăm sóc thông thường không hiệu quả, dịch tiết ra nhiều. Cuối cùng, bác sĩ quyết định tháo bỏ ngón chân thứ hai để bảo tồn được các ngón còn lại.
Trước đó, một bệnh nhân nữ 61 tuổi tại TP.HCM nghe theo lời khuyên của người quen, điều trị đắp thuốc lá cây dẫn đến nhiễm trùng khuỷu nặng. Bệnh nhân chia sẻ khoảng 2 năm trước bắt đầu xuất hiện cơn đau vùng khớp khuỷu trái.
Cơn đau ban đầu nhẹ, dai dẳng, dần nặng lên, bệnh nhân đến khám chữa tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.
Sau nhiều lần thăm khám bệnh nhân được chẩn đoán viêm khớp khuỷu/ thoái hoá khớp khuỷu trái và uống thuốc điều trị nội khoa nhiều tháng liền, nhưng không giảm đau.
Có bệnh vái tứ phương, nghe theo người quen giới thiệu, bệnh nhân tìm đến phương pháp chữa trị đắp thuốc, đắp lá cây tại một “thầy” nổi tiếng mát tay tại Tây Ninh với hy vọng chấm dứt cơn đau dai dẳng.
Sau vài tháng chữa trị, bệnh tình không những không thuyên giảm mà càng trở nặng hơn. Khuỷu trái càng lúc càng sưng to, tấy đỏ, bề mặt da xuất hiện nhiều mụn mủ, rỉ dịch.
Sau khi được sơ cứu vết thương, bác sĩ nhận định đây là một tình trạng nhiễm trùng nặng.
Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng khớp khuỷu, rò mủ ra da, vùng cơ quanh khớp bị viêm cơ hoá cốt, huỷ xương toàn bộ vùng đầu khớp, viêm xương tuỷ. Bệnh nhân được phẫu thuật bán cấp cứu trong ngày.
Sau 1 tuần điều trị theo dõi sát sức khoẻ, tình trạng nhiễm trùng trên bệnh nhân giảm dần, nước rửa từ đục chuyển thành trong, bệnh nhân ăn uống tốt dần và chấm dứt tình trạng đau nhức dai dẳng suốt 2 năm nay.
Không có cơ sở khoa học
BS CKI Nguyễn Duy Toàn - chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Xuyên Á - cho biết hiện nay bà con vẫn còn rất chủ quan về vấn đề sức khoẻ của mình, hay nghe theo những phương pháp chữa mẹo, chữa dân gian… cả tin vào các quảng cáo trên internet về các phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học.
Biến chứng của các phương pháp này khó lường, từ nhiễm trùng, đến tàn phế, đôi khi vào tình trạng nguy kịch sốc nhiễm trùng nhiễm độc.
Với những trường hợp gãy xương, đau nhức xương khớp, bà con không nên đắp thuốc, đắp lá, hay xoa bóp bằng các loại dầu/ rượu… mà hãy đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín có chuyên khoa cơ- xương- khớp để được chẩn đoán và điều trị đúng.
Bác sĩ Trần Văn Đồng - khoa điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương - cảnh báo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, giới thiệu về các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học.
Khi phát hiện các triệu chứng bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng.
Một số bệnh có thể điều trị bằng y học cổ truyền nhưng phải là y học cổ truyền chính thống và tại các cơ sở đã được kiểm chứng, cấp phép. Người dân không nên nghe theo và sử dụng các bài thuốc nam hoặc thuốc Đông y không rõ nguồn gốc thuốc, chất lượng của cơ sở chữa bệnh để tránh tiền mất tật mang.