Ghi nhận của VietNamNet vào đầu giờ chiều ngày 10/3, các cây xăng ở khu trung tâm TP.HCM như quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh vẫn hoạt động bình thường. Lượng chủ sử dụng phương tiện đi đổ xăng không quá đông. Tuy nhiên, đã xuất hiện các điểm bán hàng treo biển hết xăng.
Cụ thể, khoảng 14h, cây xăng số 439 đường Phan Văn Trị, P.5 (quận Gò Vấp) trưng biển hết xăng còn dầu.
Tương tự, cây xăng số 244 Kinh Dương Vương, phường An Lạc A (quận Bình Tân) cũng để biển hết xăng bên ngoài.
Chị Thành Trang (quận Bình Thạnh) cho biết, nghe tin ngày mai (11/3) có thể giá xăng sẽ tăng nên tiện đường đi, muốn đổ đầy bình từ hôm nay. Tuy nhiên, khi đến cây xăng ở Phan Văn Trị thấy báo hết xăng, chị phải tìm cửa hàng khác thay thế.
Đến hẹn lại lên, biển hết xăng lại xuất hiện tại TP.HCM ngày 10/3 (ảnh: Trần Chung) |
Cây xăng ở quận Bình Tân đề biển hết xăng (ảnh: Trần Chung) |
Việc tranh thủ đổ xăng sớm để tiết kiệm chi phí tuy không xảy ra quá nhiều nhưng việc dự báo xăng tăng giá vào kỳ điều hành giá ngày mai (11/3) của liên Bộ Tài chính - Công Thương cũng phần nào tác động tới tâm lý của người dân và DN.
Tổng Giám đốc Công ty CP Giao nhận Tiếp vận Quốc tế InterLOG - ông Nguyễn Duy Minh cho hay, giá xăng dầu tăng vọt ảnh hưởng đến giá cước vận tải nội địa, đồng thời giá cước vận tải quốc tế vẫn đang ở mức cao và dự đoán sẽ còn cao hơn nữa trong thời gian tới. Đây là nỗi băn khoăn của nhiều DN cung cấp dịch vụ logistics vì đơn vị mong muốn đảm bảo chính sách giá và chất lượng dịch vụ cho các chủ hàng của mình.
Trước đó, ông Nguyễn Lâm Hải - Trưởng phòng Kế hoạch vận tải, Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông thông tin, đơn vị này từ sau Tết Nguyên đán tới nay đã nhận được kê khai điều chỉnh giá vé của 11 DN vận tải đang hoạt động tại bến. Mức điều chỉnh tăng 20% so với trước.
Theo ông Hải, trong cơ cấu giá thành vận tải thì nhiên liệu chiếm từ 25 – 30%. Do đó, với mức giá nhiên liệu liên tục điều chỉnh tăng thời gian qua đã gây khó khăn cho DN.
Nếu tính từ đầu năm 2022 cho tới kỳ điều chỉnh ngày 1/3, giá xăng dầu tăng khoảng 6%. Doanh thu từ hoạt động vận tải thấp do khách không có; chi phí nhiên liệu leo thang, đây là các nguyên nhân khiến đơn vị vận tải phải điều chỉnh tăng giá vé. Động thái tăng giá vé được đánh giá là "cực chẳng đã" bởi giá vé tăng thì khách hàng sẽ càng cân nhắc việc sử dụng dịch vụ.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Lê Huỳnh Minh Tú khẳng định, tất cả các DN dù lớn hay nhỏ thì trong quá trình hoạt động kinh doanh đều có phụ thuộc, liên quan đến xăng, dầu. Chi phí nhiên liệu tăng kéo theo chi phí sản xuất tăng. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cũng tăng theo, đẩy giá thành sản phẩm, dịch vụ tăng. Đặc biệt, các DN logistics sẽ bị ảnh hưởng nhiều thời gian này.
Trần Chung