Trong hôn nhân, hai vợ chồng ngoài việc tôn trọng nhau thì cũng cần dành sự kính trọng cho gia đình đối phương. Làm dâu thì hiếu thảo với bố mẹ chồng, làm rể cũng cần đối đáp chu đáo với bố mẹ vợ. Nếu có sự thiên vị, đặc biệt khi thể hiện ra bên ngoài quá nhiều, ắt cuộc sống sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn, cãi vã. Điều quan trọng là phải phát hiện kịp thời những thái độ chưa đúng đắn, cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tránh kéo dài tình trạng ấy. Một câu chuyện của D. dưới đây là ví dụ sẽ giúp chị em phụ nữ học hỏi được nhiều thứ thực tế.
Nghe chồng nói xấu nhà vợ, người phụ nữ đập tan chai rượu giữa nhà
Chồng của D. là một người đàn ông khá tháo vát, chăm chỉ trong công việc. Tuy nhiên anh hơi yếu trong khoản ứng xử với người ngoài. Dường như, chồng của D. chỉ tôn sùng mỗi bố mẹ mình, coi họ là nhất mà quên đi rằng những mối quan hệ khác cũng cần được trân trọng, vun đắp. Chẳng hạn với bạn bè, chồng của D. tỏ ra rất tính toán, thường mong điều có lợi cho bản thân, vậy nên anh mới chẳng có nổi một người bạn thân nào.
Hay như đồng nghiệp, làng xóm, chồng của D. cũng không hay kết giao, việc gì cần nhờ vả đều là do D. đứng ra. Đôi lúc, cô nàng 29 tuổi này cảm thấy rất khó thay đổi được chồng. Dù là người vợ trong gia đình, nhưng tiếng nói của D. khó mà thắng nổi lý lẽ cũng như sự gia trưởng của đối phương.
Ngoài ra, có một chuyện mà D. đau đáu trong hơn một năm rưỡi lấy chồng, đó là việc chồng cô không giữ mối quan hệ quá thân thiết với nhà ngoại. Mặc dù bố mẹ D. đối đãi với con rể rất tốt, khi nào hai con về nhà ăn cũng chiêu đãi toàn món ngon. Ấy thế nhưng D. chẳng nhiệt tình lắm. Anh không hay nói chuyện với bố mẹ vợ, chỉ hỏi gì đáp nấy. Thậm chí, D. muốn ở nhà ngoại lâu cũng không được, chồng toàn lấy lý do công việc này nọ để sớm trở về nhà. Bố mẹ D. thông cảm cho con rể, chưa một lần trách mắng.
Nhiều sự hỗn độn cứ xảy ra trong lòng D. khiến đôi lúc cô hoài nghi về mối quan hệ. Bởi vậy mà D. cảm thấy mình chưa sẵn sàng làm mẹ, chưa muốn có con ở thời điểm này. Và rồi thêm một mâu thuẫn khiến cho sự căng thẳng giữa hai người bị đẩy lên tột độ.
Chồng D. được đối tác tặng cho một chai rượu quý. Tuy nhiên, hai vợ chồng lại chẳng uống rượu, nên chồng D. tính sẽ gửi về cho nhà nội. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu D. không nghe được cuộc điện thoại của chồng với mẹ đẻ của anh.
Đứng ở bên ngoài cửa, D. nghe rõ mồn một lời của chồng: "Có chai rượu thì con gửi bố thôi chứ ai lại chia cho nhà ngoại. Bố mẹ vợ quê mùa lắm, không biết thưởng thức mấy đồ này. Thi thoảng con gửi tiền về bên ấy thôi chứ cũng chẳng biếu gì cho mệt".
Cơn giận trào lên, chồng cô vừa bước ra, D. đã cầm chai rượu đập vỡ tan giữa nhà...
Cái kết chứng tỏ bản lĩnh cực ngầu của người vợ
Trước sự bàng hoàng và bất ngờ của chồng, D. nhìn anh với vẻ đầy giận dữ. Cô nói thẳng:
"Anh luôn chê bai, dè bỉu bố mẹ tôi. Trong khi bố mẹ tôi lúc nào cũng ngóng con gái và con rể về nhà. Chai rượu này, tôi cũng chẳng cần anh phải biếu bố mẹ tôi. Nhưng anh thử tính xem, bố chồng bị bệnh gan, tại sao anh lại phải thể hiện sự thiên vị quá đỗi vô lý thế? Vả lại, anh nói với mẹ anh là anh gửi tiền về cho bố mẹ tôi. Nhưng tính thử xem, anh gửi được lần nào? Anh chỉ biết nói cho vui mồm, để thỏa mãn sự sĩ diện thôi à?"
Chồng D. cũng gào lên, cho rằng chuyện chẳng có gì để mà phải đập vỡ chai rượu như vậy. Nhưng D. vẫn kiên quyết: "Tốt nhất anh đừng tặng rượu cho hai bên nội ngoại nữa. Hãy nghĩ đến sức khỏe của bố anh, và nghĩ về cả lòng tự trọng của bố mẹ tôi. Bằng không, chúng ta kết thúc mối quan hệ này đi".
Và rồi cuối cùng chồng D. đuối lý, anh chấp nhận xuống nước. Cũng từ mâu thuẫn đó, D. nhắc nhở chồng thường xuyên hơn về thái độ và cách cư xử của đối phương. Phụ nữ hãy tinh tế, nhạy bén với tình huống như vậy, chấn chỉnh kịp thời, đừng nuôi dưỡng những ấm ức trong lòng nhé!
Theo Pháp luật và bạn đọc