'Nghe áo dài kể chuyện' tại Pháp: Những câu chuyện chạm tới trái tim

Thanh Vân (Vietnam+)| 15/05/2023 10:48

Tại buổi tọa đàm mang tên “Áo dài kể chuyện” diễn ra tại thành phố Kervignac, Pháp, nhiều khán giả đã bày tỏ sự xúc động khi được nghe những câu chuyện đầy cảm xúc về tà áo dài Việt Nam.

'Nghe ao dai ke chuyen' tai Phap: Nhung cau chuyen cham toi trai tim hinh anh 1Nghệ sỹ Dominique Penhoat, diễn giả tại sự kiện, chia sẻ về câu chuyện của mình. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 13/5, tại Tòa thị chính thành phố Kervignac, vùng Morbihan, Pháp, đã diễn ra buổi tọa đàm chuyên đề về áo dài Việt Nam, mang tên "Écouter les histoires de Ao Dai" (Nghe áo dài kể chuyện).

Đây là sự kiện quan trọng, nằm trong khuôn khổ dự án "Toucher Arts" gồm chuỗi các hoạt động hội thảo, hòa nhạc, triển lãm và các workshop về văn hóa Việt Nam tại các trường học trên nhiều thành phố ở Pháp, để hưởng ứng 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm là đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp.

Tới tham dự có bà Elodie Le Floch, thị trưởng thành phố Kervignac; bà Stephanie Đỗ, Đại biểu Quốc hội vùng Seine et Marne nhiệm kỳ 2017-2022; cùng các phó thị trường phụ trách văn hóa, nhà báo và gần 100 người Pháp quan tâm đến văn hóa Việt Nam.

Tại sự kiện này, triển lãm trực tuyến “Áo dài kể chuyện” tại địa chỉ www.toucherarts.com, cũng được ra mắt lần đầu tiên trước công chúng Pháp, trong đó ghi chép lại câu chuyện của các nhân vật khắp thế giới kể về những dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời họ mà có sự hiện diện của tà áo dài.

Đồng thời, nhiếp ảnh gia trẻ Thảo Nguyễn giới thiệu bộ sưu tập ảnh “Mơ màng Hội An,” sẽ được trưng bày tại Tòa thị chính thành phố Kervignac từ 13-28/5.

Tọa đàm và triển lãm "Nghe Áo dài kể chuyện" được tổ chức bởi Hiệp hội Art Space và Hiệp hội Vietnam Bretagne Sud, kết hợp với Hiệp hội APPEL Lorient, cùng sự hỗ trợ của Thành phố Kervignac, Pháp.

Dự án hoàn toàn phi lợi nhuận và được thực hiện để gây quỹ ủng hộ cho các trại trẻ mồ côi và khuyết tật tại 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam.

Ba diễn giả với những trải nghiệm và góc nhìn khác nhau chia sẻ về cách họ cảm nhận, trân trọng và quảng bá hình ảnh Áo dài tới bạn bè quốc tế.

Xuất phát từ ý tưởng "Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống, áo dài còn là nhân chứng lịch sử hiện diện tại hầu hết những cột mốc quan trọng trong cuộc đời của người Việt Nam, đặc biệt là người phụ nữ," buổi tọa đàm đã mời tới ba diễn giả đặc biệt: một nghệ sỹ, nhà văn người Pháp, một cô giáo người Việt và một cậu bé người Việt nhưng lớn lên ở Pháp. Những chia sẻ của diễn giả đã chạm đến trái tim khán giả.

'Nghe ao dai ke chuyen' tai Phap: Nhung cau chuyen cham toi trai tim hinh anh 2Alice Kernen (9 tuổi, người Pháp gốc Việt) tự vẽ áo dài tặng cô giáo của mình khi tham gia hoạt động workshop vẽ áo dài tại sự kiện. (Nguồn: Vietnam+)

Bà Dominique Penhoat là nghệ sỹ điêu khắc kiêm nhà văn người Pháp gốc Việt, tác giả của cuốn tự truyện “Les trois cousines en Indochine.”

Trong buổi tọa đàm, bà Dominique đã chia sẻ kỷ niệm sâu sắc với chiếc áo dài mà bà yêu quý nhất, là quà tặng từ những người họ hàng tại Việt Nam mà bà mới tìm lại được trong chuyến hành trình về quê hương hơn mười năm trước.

“Khoảnh khắc khi lần đầu tiên tôi mặc lên mình bộ áo dài Việt Nam, quà tặng từ gia đình Việt, những người chảy chung dòng máu với tôi, tôi cảm thấy trong tôi là sự tự hào dân tộc mạnh mẽ, là sợi dây liên kết đặc biệt về mặt tinh thần giữa tôi và Việt Nam. Chiếc áo dài như một nhận dạng riêng gắn kết tôi với nguồn gốc, với cội rễ của mình. Tôi đã thực sự là người Việt Nam từ khoảnh khắc đó,” bà Dominique xúc động nói.

Diễn giả thứ hai đến từ Việt Nam là cô Nguyễn Thị Cúc. Cô là một nhà giáo với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc kết nối giáo dục và trao đổi văn hóa cho hàng nghìn học sinh Việt Nam và Pháp.

Có mặt tại buổi trò chuyện, cô Nguyễn Thị Cúc đã chia sẻ với bạn bè người Pháp câu chuyện về tà áo dài Việt Nam cùng sự gắn kết với hình ảnh giáo viên và học sinh.

Tại sự kiện, diễn giả cũng giúp người Pháp khám phá áo dài Việt Nam bằng workshop “Vẽ áo dài” bằng màu nước.

Diễn giả thứ ba, người nhỏ tuổi nhất là cậu bé Kevin Nguyen. Mới 12 tuổi nhưng cậu bé đã có 2 năm kinh nghiệm thực hiện các workshop quảng bá văn hóa Việt trong nhiều trường học ở vùng Loire Atlantique, Pháp.

Được tiếp cận với cả 2 nền văn hóa Pháp và Việt Nam, Kevin đã mang đến những câu chuyện thú vị về hình ảnh áo dài dưới góc nhìn của trẻ em Việt Nam thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên tại Pháp.

Bên cạnh đó, cậu bé cũng chia sẻ kỷ niệm về chiếc áo dài đầu tiên, về lòng tự hào dân tộc, về hành trình mang áo dài và văn hóa Việt tới giới thiệu với các bạn học sinh Pháp, về cách các bạn nhỏ Pháp đi từ ngạc nhiên tới yêu mến bộ trang phục dân tộc của Việt Nam như thế nào.

'Nghe ao dai ke chuyen' tai Phap: Nhung cau chuyen cham toi trai tim hinh anh 3Bà Elodie Le Floch, thị trưởng thành phố Kervignac (áo đen) và bà Stephanie Do, Đại biểu Quốc hội vùng Seine et Marne nhiệm kì 2017-2022, người gốc Việt đầu tiên được bầu vào Quốc hội Pháp (áo dài hồng), chụp ảnh cùng Ban tổ chức. (Nguồn: Vietnam+)

Ra mắt triển lãm trực tuyến “Áo dài kể chuyện” giới thiệu 100 cung bậc cảm xúc về áo dài Việt Nam.

Cùng lúc tại sự kiện này, triển lãm trực tuyến Toucher Arts tại địa chỉ www.toucherarts.com đã chính thức được ra mắt trước công chúng Pháp cũng như bạn bè quốc tế.

Có 3 bộ sưu tập được trưng bày là Triển lãm ảnh “Mơ màng Hội An” của nghệ sỹ trẻ Thảo Nguyễn; Triển lãm “Áo dài kể chuyện” và Triển lãm tranh của trẻ em khắp thế giới mang tên “Connections - Những sự kết nối” (riêng triển lãm tranh sẽ lên sóng vào tháng 6 năm 2023).

Ngay trong sự kiện, khán giả Pháp đã cùng dõi theo các câu chuyện cảm động được đăng trên triển lãm trực tuyến “Áo dài kể chuyện.”

Đây là một dự án với ý tưởng độc đáo khi phỏng vấn 100 nhân vật đặc biệt khắp thế giới, đủ lứa tuổi và hoàn cảnh sống, về những kỷ niệm và trải nghiệm liên quan đến áo dài, trong đó có khá nhiều nhân vật đang sống ở nước ngoài.

Từ tâm sự của nghệ sỹ xiếc Giang Mỹ Phụng hiện đang sống và làm việc tại Pháp, chị ruột của 2 nghệ sỹ Quốc Cơ Quốc Nghiệp, tới chia sẻ của cầu thủ bóng đá từng nhận Quả bóng Vàng 2008 Đỗ Thị Ngọc Châm, hay chia sẻ của bà Pascale Douineau, Phó Thị trưởng thành phố Quimperlé… về những chiếc áo dài đã hiện diện trong cuộc sống của họ, ở những thời khắc đáng nhớ.

Các câu chuyện áo dài đều được thể hiện bằng cả 3 thứ tiếng Anh-Việt-Pháp và được giới thiệu đều đặn hằng tuần, từ 13/5 đến 15/7, ngày kết thúc của toàn bộ chuỗi dự án Toucher Arts.

Tất cả những người Pháp đến tham dự sự kiện “Nghe áo dài kể chuyện” đều được tặng một chiếc áo dài Việt Nam làm kỷ niệm, đã được đóng gói trân trọng cùng thông điệp từ người tặng và được gửi từ khắp thế giới tới Pháp.

Đây là kết quả của chiến dịch “2Life áo dài" (đọc là Second Life áo dài) với mong muốn hồi sinh, mang tới cuộc đời thứ hai rực rỡ cho những bộ áo dài đã qua sử dụng, bằng cách trao tặng cho bạn bè Pháp như một món quà mang giá trị văn hóa và cũng hết sức nhân văn, thay vì bị bỏ quên trong tủ một cách lãng phí.

Đổi lại, những người Pháp yêu mến áo dài và văn hóa Việt, khi nhận áo dài sẽ đồng ý quyên góp một khoản tùy tâm để giúp đỡ cho các em nhỏ khó khăn, tật nguyền tại Việt Nam.

"2Life áo dài" đã huy động được hơn 500 chiếc áo dài, hiện đã và đang bay hàng chục nghìn cây số để tới Pháp, trong đó có 100 chiếc áo dài đã cập bến thành công và dùng để trao tặng tại sự kiện này.

'Nghe ao dai ke chuyen' tai Phap: Nhung cau chuyen cham toi trai tim hinh anh 4Những bạn Pháp trong tà áo dài Việt Nam. (Nguồn: Vietnam+)

Từ 100 câu chuyện ấn tượng về áo dài cho đến 500 chiếc áo dài Việt Nam đang trên đường đến Pháp, tất cả đều được lan tỏa, ghi chép và thực hiện bởi sự tham gia của 25 học sinh, sinh viên người Việt đến từ Pháp, Anh, Mỹ, Australia và Việt Nam, cùng hơn 20 cộng tác viên dự án là các bạn học sinh từ 8 đến 16 tuổi đang sống ở các tỉnh thành khác nhau tại Việt Nam và trên thế giới.

Bà Hoàng Thu Trang, Chủ tịch Hiệp hội Art Space, trưởng Ban tổ chức, chia sẻ: "Chúng tôi thực hiện buổi tọa đàm “Nghe Áo dài kể chuyện” cùng triển lãm trực tuyến cùng tên để chia sẻ với bạn bè quốc tế về một hình ảnh Áo dài Việt Nam khác biệt, sống động mà có thể họ chưa từng biết trước đây. Sau sự kiện, nhiều khán giả, nhất là những người Pháp gốc Việt, đã nói với tôi rằng họ rất xúc động vì thấy bản thân mình trong những câu chuyện được nói đến, không chỉ là những kí ức xung quanh tà áo dài, mà còn gợi lên trong họ tình cảm, sự nhớ nhung với quê hương, nguồn cội."

"Tôi nghĩ sự kiện đã thành công trong việc truyền tải đến bạn bè Pháp những hình ảnh đẹp về tà áo dài cũng như đất nước, con người Việt Nam, giúp họ thêm thấu hiểu, yêu mến và trân trọng văn hóa Việt Nam," bà Hoàng Thu Trang nói./.

Thanh Vân (Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/nghe-ao-dai-ke-chuyen-tai-phap-nhung-cau-chuyen-cham-toi-trai-tim/862560.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/nghe-ao-dai-ke-chuyen-tai-phap-nhung-cau-chuyen-cham-toi-trai-tim/862560.vnp
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Nghe áo dài kể chuyện' tại Pháp: Những câu chuyện chạm tới trái tim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO