Nghệ An: Phát triển du lịch cộng đồng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Văn Tý (TTXVN)| 27/11/2022 16:50

Với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ cùng hệ thống danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Thác Khe Kèm, Đập Pha Lài, Khe nước mọc, Sông Giăng cùng kho tàng văn hoá - lịch sử còn lưu giữ trong các bản làng của đồng bào Thái…, những năm qua du lịch cộng đồng đang được chính quyền địa phương, người dân huyện Con Cuông, Nghệ An đầu tư, phát triển. Không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, việc phát triển du lịch cộng đồng còn giúp đồng bào nơi đây khôi phục, giữ gìn những bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghe An: Phat trien du lich cong dong gop phan giu gin ban sac van hoa dan toc hinh anh 1Du lịch sinh thái kết hợp tham quan làng nghề tại huyện Con Cuông đang thu hút du khách. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Với nhiều lợi thế phát triển du lịch công đồng, những năm trở lại đây bên cạnh việc mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, người dân bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đã khôi phục và đưa nghề dệt thổ cẩm thành sản phẩm du lịch độc đáo. Nằm trong tuyến du lịch Vườn quốc gia Pù Mát, đến với bản Xiềng du khách sẽ được xem bà con dệt thổ cẩm, sử dụng những sản phẩm chăn, ga, gối đệm, trang phục Thái được làm từ vải thổ cẩm, cũng như tìm hiểu những nét đẹp bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương.

Bà Lô Thị Long, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm bản Xiềng, xã Môn Sơn, Con Cuông cho biết, nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Thái có từ lâu đời, con gái Thái khi đến 10 tuổi đã bắt đầu làm quen với khung cửi, thêu, dệt. Thế nhưng trong thời gian dài do nhiều nguyên nhân, nghề dệt thổ cẩm đã bị mai một... Được chính quyền địa phương quan tâm, thành lập làng du lịch, nghề dệt thổ cẩm mới được khôi phục trở lại. Sản phẩm thổ cẩm ngày càng đa dạng hơn như: Khăn quàng, váy, áo, bìa sổ, túi thêu... với những họa tiết, hoa văn phong phú. Dù thu nhập từ nghề dệt không cao nhưng lại rất được chị em yêu thích, bởi đây là công việc giúp chị em tăng thu nhập lúc nông nhàn và hơn hết là giữ được nét văn hóa của dân tộc.

Để phát triển du lịch bền vững, người dân địa phương còn đa dạng hóa các sản phẩm, tạo không gian văn hóa dân tộc Thái đặc sắc. Nhiều gia đình trên địa bàn đã đầu tư xây dựng mô hình homestay. Tại đây, du khách có thể sử dụng đầy đủ các gói dịch vụ từ ẩm thực, lưu trú đến trải nghiệm không gian văn hóa rượu cần.

Chị Hà Thị Hương, Chủ homestay Ánh Hương, bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông cho biết, việc phát triển mô hình homestay không chỉ giúp bản Xiềng có thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn mà mô hình này đã giúp cho bà con gìn giữ, tôn tạo lại những ngôi nhà sàn vốn là bản sắc của người Thái. Việc phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch sẽ giúp du khách tìm hiểu đầy đủ hơn nét văn hóa cộng đồng của người dân tộc Thái trên địa bàn huyện Con Cuông.

Anh Vi Văn Tư, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp-Du lịch cộng đồng xã Môn Sơn, huyện Con Cuông cho biết, Môn Sơn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt tại bản Xiềng nhiều gia đình còn giữ được các ngôi nhà sàn cổ, đậm nét văn hoá người dân tộc Thái. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, bản Xiềng được thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm, nhờ đó hoạt động du lịch đã được phát triển bài bản hơn, các sản phẩm đa dạng hơn. Hiện nay dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, cuộc sống người dân trở lại bình thường lượng khách đã quay trở lại khá đông. Nhờ đó, người dân có thêm thu nhập từ phát triển du lịch, đời sống vì thế được cải thiện đáng kể.

Với lợi thế về kho tàng văn hoá - lịch sử còn lưu giữ trong các bản làng của đồng bào Thái, những năm qua huyện Con Cuông đã tập trung đầu tư bảo tồn, phát huy các lễ hội, dân ca, dân nhạc, dân vũ… để phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái trên địa bàn. Bên cạnh đó, với chiến lược phát triển du lịch bền vững chính quyền địa phương nơi đây huy động nguồn lực, mạnh dạn đầu tư hệ thống hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch và đào tạo nhân lực cho du lịch.

Theo ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, bên cạnh các ảnh quan đẹp, đồng bào dân tộc Thái nơi đây vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống rất độc đáo và đặc sắc như: Nhà sàn - Trang phục, trang sức - Ẩm thực. Cùng với vốn văn nghệ dân gian đa sắc màu, đa dạng, người Thái vẫn bảo tồn và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống trong sinh hoạt văn nghệ như khèn bè, sáo, pí, cồng chiêng, khắc luống... Một số làng nghề truyền thống vẫn được bảo lưu và truyền dạy như nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm. Vì vậy, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái là rất lớn.

"Xác định, muốn làm được du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái thì vấn đề quan trọng nhất là đào tạo nhân lực. Vì vậy, thời gian qua, huyện Con Cuông đã phối kết hợp với một số ngành, kể cả nước ngoài như tổ chức JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản), đào tạo, tập huấn cho bà con làm du lịch cộng đồng... Đến nay, có thể kể đến một số thôn bản đã làm du lịch rất bài bản như: bản Nưa, xã Yên Khê; bản Khe Rạn, xã Bồng Khê đều được phân hạng OCOP 4 sao", ông Vi Văn Quý cho biết.

Hiện tại trên địa bàn huyện Con Cuông có 4 điểm làm du lịch cộng đồng đang hoạt động đó là: bản Khe Rạn ở xã Bồng Khê; bản Nưa, bản Pha ở xã Yên Khê và bản Xiềng ở xã Môn Sơn. Hoạt động du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái đã biến các di sản văn hóa bản địa thành hàng hóa, các giá trị của văn hóa được phát huy theo hướng tích cực, không chỉ góp phần giúp người dân địa phương nâng cao đời sống tinh thần mà còn đời sống vật chất cũng được nâng lên rõ rệt. Huyện Con Cuông cũng đang phấn đấu đến năm 2025, sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch của miền tây Nghệ An, điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh, thu hút được khoảng 120-150 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu du lịch tăng bình quân từ 22-25%/năm.

Văn Tý

Theo dantocmiennui.vn
https://dantocmiennui.vn/nghe-an-phat-trien-du-lich-cong-dong-gop-phan-giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc/329079.html
Copy Link
https://dantocmiennui.vn/nghe-an-phat-trien-du-lich-cong-dong-gop-phan-giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc/329079.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Phát triển du lịch cộng đồng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO