Ngày vía Thần Tài nên đi chùa nào ở TP.HCM?

B.T.| 31/01/2023 08:35

Nếu có ý định đi chùa ngày vía Thần Tài, bạn có thể ghé thăm chùa Ngọc Hoàng, chùa Ông Bổn hay chùa Xá Lợi… Đây đều là các ngôi chùa linh thiêng, nổi tiếng "cầu gì được nấy".

Theo tín ngưỡng dân gian, mồng 10 âm lịch hằng tháng là ngày Thần Tài nhưng chỉ có mồng 10 tháng Giêng âm lịch mới là ngày vía quan trọng nhất. Vào ngày này, các gia chủ làm ăn kinh doanh thường tất bật chuẩn bị lễ cúng đủ đầy để thu hút Thần Tài gõ cửa, phù hộ cho một năm làm ăn phát đạt và thuận lợi.

Không chỉ cúng bái ở nhà, nhiều người còn đi chùa để mưu cầu bình an, may mắn, tài lộc cho bản thân và gia đình.

Ngày vía Thần Tài nên đi chùa nào ở TP.HCM? - 1

Mồng 10 tháng Giêng âm lịch là ngày vía Thần Tài quan trọng nhất trong năm.

Tại TP.HCM, trong ngày vía Thần Tài năm nay, nhiều người thường đi chùa cầu xin may mắn, tài lộc trong năm mới. Nếu có ý định đi lễ chùa cầu tài lộc thì bạn có thể tham khảo một số ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng sau đây:

1. Chùa Ngọc Hoàng

Vốn là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng bậc nhất tại thành phố, vào ngày vía Thần Tài, nơi đây thu hút rất đông người dân và du khách gần xa đến thắp nhang, cầu khấn tài lộc trong năm mới.

Ngày vía Thần Tài nên đi chùa nào ở TP.HCM? - 2

Đông đảo người dân đến viếng chùa Ngọc Hoàng trong những ngày đầu năm mới. Ảnh: ST.

Chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Huyền Thiên Bắc Đế tại chính điện. Bên cạnh đó, còn thờ phụng các vị bồ tát như Quan Thế Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát và các vị thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng dân gian như Thiên Lôi, Thổ Địa, Thần Tài, Nữ Oa Thánh Mẫu,…

Người dân đến chùa lễ cúng trong ngày vía Thần Tài thường dâng mâm lễ trái cây, nhang đèn lên các vị thần linh nhằm cầu mong cho năm mới ấm no sung túc, tiền bạc đủ đầy. Sau đó, vài người còn tìm xin các lá bùa hộ mạng với hy vọng thần linh sẽ che chở cho họ vượt qua những sóng gió phía trước.

Địa chỉ: 73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1.

2. Chùa Ông Bổn

Chùa Ông Bổn hay Miếu Nhị Phủ là địa điểm tâm linh nổi tiếng ở khu vực Chợ Lớn quận 5, được người Hoa thường xuyên tìm đến lễ bái để cầu tài lộc, may mắn trong ngày vía Thần Tài.

Ngày vía Thần Tài nên đi chùa nào ở TP.HCM? - 3

Cảnh chùa Ông Bổn nhộn nhịp trong ngày vía Thần Tài. Ảnh: B.T.

Theo thông lệ, sáng ngày mồng 10 âm lịch, người dân sẽ đến và làm lễ bên trong chánh điện thờ phụng Ông Bổn Đầu Công, hay còn gọi là Phúc Đức Chính Thần – chủ về cai quản và bảo hộ đất đai.

Ngoài việc cầu tài, nhiều người còn tìm đến đây để cầu duyên. Bên cạnh đó, các đôi vợ chồng hiếm muộn con cái cũng thường đến chùa Ông Bổn để cầu tự.

Địa chỉ: 264 Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5.

3. Chùa Ông

Cũng tọa lạc trên địa bàn quận 5, chùa Ông, còn được gọi là Nghĩa An Hội Quán hay Miếu Quan Đế, là nơi người Hoa gốc Triều Châu tại TP.HCM thường chọn tìm đến để lễ bái Thần Tài trong ngày vía mồng 10.

Ngày vía Thần Tài nên đi chùa nào ở TP.HCM? - 4

Nhiều người dân đến Chùa Ông cầu tài lộc, bình an trong ngày mồng 10 tháng Giêng. Ảnh: ST.

Vào ngày này, người dân sống tại khu vực Chợ Lớn và các quận lân cận khác thường dâng lễ cúng bái tại điện thờ Tài Bạch Tinh Quân (Thần Tài) để cầu mong tài lộc dồi dào, vạn sự hanh thông. Bên cạnh đó, người đi lễ còn cầu nguyện đến Quan Thánh Đế Quân và Thiên Hậu Thánh Mẫu với mong muốn gia đạo bình an, thu hút hỷ khí.

Chùa Ông không chỉ là một điểm đến tâm linh nổi tiếng mà còn là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia của TP.HCM, được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận vào năm 1993.

Địa chỉ: 676 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5.

4. Chùa Xá Lợi

Nằm tại góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Sư Thiện Chiếu, nét đặc sắc của chùa Xá Lợi phải kể đến công trình tháp chuông được khánh thành vào năm 1961, gồm 7 tầng với chiều cao lên đến 32 m.

Ngày vía Thần Tài nên đi chùa nào ở TP.HCM? - 5

Vẻ đẹp của chùa Xá Lợi. Ảnh: ST.

Mỗi khi có cơ hội ghé thăm chùa Xá Lợi, khách viếng chùa đều mong muốn được một lần chạm tay vào chiếc chuông đồng quý giá đặt trên tầng cao nhất của ngọn tháp. Không chỉ vậy, trong ngày vía Thần Tài, người dân thành kính chuẩn bị mâm lễ vật đẹp mắt và tươm tất để dâng lên các vị thần linh, cầu mong năm mới sung túc, ấm no trọn vẹn.

Địa chỉ: 89 Bà Huyện Thanh Quan, phường Võ Thị Sáu, quận 3.

5. Chùa Phổ Quang

Chùa Phổ Quang được xây dựng từ năm 1951, nổi tiếng với bề dày lịch sử lâu đời cùng kiến trúc đẹp mắt, ấn tượng.

Ngày vía Thần Tài nên đi chùa nào ở TP.HCM? - 6

Chùa Phổ Quang thanh tịnh ngày đầu năm. Ảnh: ST.

Hằng năm, chùa Phổ Quang chào đón vô số người dân và du khách đến chiêm bái, vãn cảnh. Đặc biệt, vào dịp vía Thần Tài mồng 10 tháng Giêng, ngôi chùa này tấp nập hơn cả với những người tìm đến cúng bái, tạ lễ cầu may mắn, tài lộc đến với gia đình và người thân.

Địa chỉ: 64/3 Huỳnh Lan Khanh, phường 2, quận Tân Bình.

Đi chùa ngày vía Thần Tài cần chuẩn bị gì?

Nhiều người quan niệm rằng, để lời cầu nguyện của bản thân được thần linh lắng nghe, người đi lễ cần thành tâm chuẩn bị kèm một tờ sớ bên cạnh mâm lễ vật. Thông thường, tại ban tiếp dân của mỗi chùa đều có người viết sớ cầu an. Bạn chỉ cần ghi đầy đủ thông tin, quê quán và đưa cho các sư thầy, sư cô để nhờ viết sớ cho bạn.

Cũng cần lưu ý rằng mâm lễ vật cúng Thần Tài không cần thiết phải quá to, chỉ cần những lễ vật đơn giản là được. Bạn có thể sắm những lễ vật cơ bản sau đây: một đĩa hoa quả được bày biện trên mâm đẹp mắt, tổng số quả phải là số lẻ; một đĩa kẹo, bánh ngọt; một ít tiền lẻ; nước ngọt, bia hoặc rượu và cuối cùng là hoa tươi.

Theo tcdulichtphcm.vn
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/ngay-via-than-tai-nen-di-chua-nao-o-tphcm-c9a47487.html
Copy Link
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/ngay-via-than-tai-nen-di-chua-nao-o-tphcm-c9a47487.html
Bài liên quan
  • Bức ảnh ‘cổng trời’ tại Việt Nam gây sốt mạng xã hội
    Bức ảnh “cổng trời” tại Việt Nam đang được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Bức ảnh này không chỉ thu hút được lượt tương tác cao mà còn khiến nhiều người thắc mắc đây là ở đâu và người chụp là ai?
  • Phố trang trí lộng lẫy, người dân đi chơi Noel sớm
    Chưa đến cuối tháng 11 nhưng du khách và người dân Hà Nội đã háo hức lên phố Hàng Mã mua đồ, dạo chơi và chụp ảnh.
  • Phát triển du lịch văn hóa nhìn từ thực tiễn sống động tại TP.HCM
    Biểu tượng (logo) của ngành du lịch TP.HCM là hình ảnh chợ Bến Thành, kết hợp cùng khẩu hiệu (slogan) “Vibrant Ho Chi Minh City - TP.HCM Sống động”, phủ lên dải quang phổ đa sắc màu. Nếu hình dung bức tranh du lịch TP.HCM qua sự phong phú màu sắc như thế, thì ở đó, không thể thiếu thực tiễn sống động của du lịch văn hóa - mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay, dựa trên các giá trị đặc sắc của vùng đất đa dạng văn hóa, giàu tài nguyên du lịch văn hóa.
  • Chiêm ngưỡng hai thành phố đẹp như mơ ở Malaysia
    Đến Malaysia, không ghé thăm hai thành phố Malacca và Putrajaya sẽ là khuyết điểm lớn. Nếu Malacca mang vẻ đẹp cổ kính bởi đền đài, thành quách thì Putrajaya lại được biết đến là thành phố mới, thông minh và sôi động.
  • 10 sự thật thú vị về văn hóa Malaysia mà bạn nên biết
    Quê hương của đối thủ tuyển Việt Nam tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020 có vua sầu riêng, nói tiếng Anh như ngôn ngữ bản địa và... đi vệ sinh với phong cách ngồi xổm.
  • Tham quan lăng tẩm vị Hoàng đế thứ 9 của triều Nguyễn
    Được xây dựng trải qua 4 đời vua, lăng của vị vua Đồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngày vía Thần Tài nên đi chùa nào ở TP.HCM?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO