Sự việc xảy ra tại một ngã tư ở thành phố Thanh Hóa hôm 24/1, tức mùng 3 Tết Quý Mão, và được camera hành trình của xe ô tô đang dừng chờ đèn đỏ ghi lại.
Theo đó, nhiều nam nữ thanh niên không đội mũ bảo hiểm đi xe máy đã nối nhau vượt đèn đỏ. Việc phóng nhanh, lạng lách trong khi xe kẹp 3 trọng lượng nặng đã khiến ba cô gái ngã sõng soài giữa đường.
Thấy bạn ngã, hai thanh niên đi xe máy phía trước đã lập tức quay lại dù đang vượt đèn đỏ giữa ngã tư, tạo xung đột giao thông với các xe đi đúng đèn, khá nguy hiểm.
Qua video, có thể xác định 3 lỗi của các thanh niên đi xe máy là vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm và kẹp 3.
Thứ nhất, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm; người ngồi phía sau xe không đội mũ bảo hiểm; chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách (trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật) đều là vi phạm luật giao thông.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt 200.000-300.000 đồng đối với các hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy định như trên.
Thứ hai, đối với hành vi điều khiển xe máy "kẹp ba" khi lưu thông trên đường, Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt 300.000-400.000 đồng và tước Giấy phép lái xe 2-4 tháng.
Hành vi điều khiển xe máy "kẹp bốn" tham gia giao thông sẽ bị xử phạt 400.000-600.000 đồng, và tước Giấy phép lái xe 2-4 tháng.
Thứ ba, hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng đều bị coi là không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, với mức phạt là 3-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy vi phạm, và 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm.
Ngoài ra, trong những ngày lễ tết, khá nhiều người mắc lỗi điều khiển phương tiện (cả ô tô và xe máy) sau khi uống rượu bia.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng đối với người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở dưới 50 mg/100ml máu hoặc dưới 0,25/1 lít khí thở; đối với người điều khiển ô tô vi phạm tương tự, mức phạt là từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10-12 tháng.
Trường hợp điều khiển xe máy khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở dưới 50-80 mg/100ml máu hoặc dưới 0,25-0,4/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 4-5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 16-18 tháng; còn mức phạt đối với người điều khiển ô tô là từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 16-18 tháng.
Trên tất cả các mức phạt, mối nguy lớn nhất khi vi phạm luật giao thông là những tai nạn có thể gây hậu quả nghiêm trọng.