Sài Gòn thường có mưa lớn vào buổi chiều, nếu đói bụng quá bạn cứ…thong dong mà đi, không cần vội. Bởi chẳng khó để mua được trái bắp nướng thơm mùi mỡ hành, hay chén súp cua nóng hổi “lót dạ” trên vỉa hè.
Món ngon Sài Gòn hợp với tiết trời se se sau cơn mưa nhiều vô kể. Trong số đó phải kể đến những món dưới đây:
Chén chè nóng
Quán chè nho nhỏ trên vỉa hè hay nằm ẩn mình trong con hẻm nhỏ, chiếc ghế nhựa xanh đỏ được xếp sát vào nhau làm bàn ăn. Hình ảnh quá đỗi quen thuộc trong “cõi ăn dung dị” ở Sài Gòn – TP HCM. Ở Sài Gòn có những tiệm chè nóng có tuổi đời gần nửa thế kỷ.
Chè nóng đương nhiên sẽ không có đá. Nồi chè ngon được chuẩn bị nguyên liệu chu đáo, thậm chí có loại còn phải ngâm qua đêm. Chè nóng cũng đa dạng như chè lạnh: có chè khoai môn, chè bà ba, chè bắp, chè đậu trắng, đậu xanh, chè chuối…
Ảnh: @thithi5597
Ảnh: @thithi5597
Chè được chủ quán múc vào bát, không thêm “topping lạnh” đá bào, thạch. Để tăng thêm hương vị, chén chè nóng thường sẽ được rưới thêm nước cốt dừa. Vị ngọt thanh từ dừa, vị thơm thơm, bùi bùi, miếng chè nhuyễn mịn tan chậm, ấm và thơm trong miệng, tưởng chừng như đã chạm tới “mỹ vị nhân gian”.
Gợi ý quán ngon:
- Chè nóng Cô Điệp, có tuổi đời gần 50 năm. Quán ở địa chỉ 241 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP.HCM. Giờ bán: 17h00 – 21h00, giá tham khảo14.000 VNĐ/chén.
- Quán chè đèn dầu ở số 504, Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP HCM. Giờ mở cửa: 19h30 – 0h. Giá tham khảo: 5.000 VNĐ/chén.
- Chè Hà Ký ở 138 Châu Văn Liêm, Phường 11, Quận 5. Giờ mở cửa: 10h – 22h. Giá tham khảo: 25.000 – 38.000VNĐ.
Cháo nóng
Sài Gòn mưa lạnh, để ấm bụng bạn đừng bỏ qua món cháo nóng hổi như: cháo lòng dồi chiên, cháo sá sùng, cháo ếch, cháo sườn, cháo cá… Mỗi bát cháo lại được nêm nếm thêm gia vị ớt, hành thái nhỏ, tiêu… làm tăng hương vị ngon.
Ảnh: @thithi5597
Ảnh: @thithi5597
Tuỳ sở thích cá nhân và cách thưởng thức, mỗi món cháo lại được chế biến và bày biện đặc trưng. Thực khách có thể ăn kèm cháo với rau luộc, tôm rim chua ngọt, củ cải muối, trứng bắc thảo… Những bát cháo có độ sánh vừa phải, hạt gạo nấu nở bung thơm lừng.
Gợi ý quán ngon:
- Quán cháo lòng cô Ba Đa Kao Quận 1. Giá tham khảo 40.000VNĐ.
- Cháo sườn bà Hào. 109/15 Trần Khắc Chân, P. Tân Định, Quận 1. Giá tham khảo 25.000 – 35.000VNĐ, giờ mở cửa 15h-9h sáng (quán bán xuyên đêm).
- Cháo sá sùng Tư Ký, 338 Âu Cơ, Quận Tân Bình, mở cửa 6:00-10:00. Giá tham khảo 50.000 – 65.000 VNĐ
- Cháo sườn phô mai trứng bắc thảo 81 Tuệ Tĩnh, Phường 13, Quận 11. Giờ mở cửa 5:30-12:30. Giá tham khảo 15.000 – 25.000VNĐ
- Cháo lòng hẻm số 4. Hẻm 4 Trần Khắc Chân, Phường Tân Định, Quận 1. Giờ mở cửa 15h30-23h00. Giá tham khảo 30.000 – 50.000 VNĐ
Hủ tiếu
Nhắc đến món ngon Sài Gòn mùa mưa, không thể không kể tới hủ tiếu. Món ngon nức tiếng, hễ ai xa Sài Gòn là thèm nhớ. Hủ tiếu gắn liền với đời sống của người dân lao động, bởi vậy hủ tiếu Sài Gòn còn có tên gọi dân giã: hủ tiếu gõ.
Hủ tiếu cũng được biến tấu đa dạng như món cháo. Hũ tiếu sườn, hủ tiêu giò heo, hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu hoành thánh, hủ tiếu bò cà ri, hủ tiếu xíu mại, hủ tiếu da gà giòn…
Ảnh: @Elly Bùi
Sợi hủ tiếu có độ dai, không quá mềm như phở bún. Ở Sài Gòn có rất nhiều quán hủ tiếu gia truyền, bí quyết hút khách nằm ở nước dùng được nấu từ xương tuỷ heo, thịt heo và các loại hải sản khô.
Hủ tiếu được ăn kèm với rau xanh tươi sạch và ăn ngon khi vừa ăn vừa thổi, nếu để lâu sợi hủ tiếu sẽ nở bung, ăn cảm giác sẽ rất “ngán” làm mất vị ngon.
Ảnh: @xihy
Đặc biệt, ở Sài Gòn còn có hủ tiếu khô gây thương nhớ. Hủ tiếu sẽ không để chung với nước dùng mà để riêng, thực khách tự gia giảm thêm cho vừa miệng. Hủ tiếu khô hấp dẫn với đủ loại topping như thịt, trứng, cua, tôm… Ăn hủ tiếu khô cũng có cái thú riêng, đỡ bị ngán và nếm trọn vị nước sốt đặc trưng, thơm ngon sực nức.
Gợi ý quán ngon:
- Hủ tiếu Mỹ Tho Thanh Xuân, số 62 Tôn Thất Thiệp, Quận 1. Giờ mở cửa 6h30 – 14h, mức giá tham khảo : 55.000 VNĐ – 110.000 VNĐ.
- Hủ tiếu Dì Năm Sadec số 166 Bùi Thị Xuân, Quận 1, mở cửa liên tục từ 6h sáng đến 23h. Giá tham khảo: 51.000 – 72.000 VNĐ
- Hủ tiếu Nam Vang Trung Còi: 80 Cao Thắng, Quận 3. Mở cửa từ 14h đến 23h mỗi ngày tại. Giá 1 tô hủ tiếu thường 55.000-60.000 VNĐ, tô đặc biệt 70.000 VNĐ.
Lẩu bò
Một nồi lẩu bò cho 2-3 người, vừa ăn vừa tán gẫu ngày mưa. Vương vấn trong không gian quán mùi nước hầm từ ống xương bò, mùi thơm nhẹ của sả, riềng, quế, hồi, hay mùi thơm ngon khó cưỡng từ sợi mì tôm thả vào nồi lẩu đang sôi.
Ảnh: @xihy
Ở Sài Gòn có nhiều tên quán lẩu bò nổi tiếng. Mỗi quán lại có một vị ngon đặc trưng riêng.
Lẩu bò Quang Khải: nước lẩu ở đây được nấu theo công thức gia truyền, có vị ngọt thanh. Không gian quán khá thoáng, bài trí ấm cúng. Quán có địa chỉ số 60 Hồ Hảo Hớn, Quận 1, TP.HCM.
Ảnh: Nhi Lê
Lẩu bò Nhà Gỗ: Quán mang theo hương vị lẩu bò xứ ngàn hoa Đà Lạt xuống tận Sài Gòn. Lẩu bò ở đây chỉ có nạm và giò, thực khách được thưởng thức nguyên vẹn vị bò mà không sợ pha trộn. Phần thịt giò hầm mềm, giò gân giòn sật ăn kèm vị rau má, rau cải thảo… hoà cùng vị nước chao chấm tuyệt hảo. Không gian quán rộng rãi, trang trí gần gũi mộc mạc. Quán có địa chỉ 162 Lý Thái Tổ, Quận 3 và đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú và đường Nguyễn Thị Thập, Quận 7.
Ảnh: Nhi Lê
Lẩu bò cư xá Sài Gòn: Không gian của quán thích hợp cho thực khách yêu thích phong cách hoài cổ. Phần nước dùng ngọt thanh, tròn vị kết hợp với vị thơm thơm, beo béo của miếng gân bò dễ khiến bạn “ngon quên lối về”. Địa chỉ số 3A, đường Hồ Biểu Chánh, Phường 12, quận Phú Nhuận.
Ăn vặt
Không ngoa khi nói rằng, “thiên đường ăn vặt” cũng là một phần trong cái hồn ẩm thực của Sài Gòn. Ăn vặt nhiều khi là ăn vội, nhưng vậy mà lại dễ dàng lấp đầy cơn đói cồn cào. Bạn đã thưởng thức qua món đậu hủ hấp rau răm, súp cua, bắp, khoai nướng, hột gà nướng… trên vỉa hè Sài Gòn ngày mưa?
Đậu hũ rau răm
Một nồi đậu hũ rau răm trên vỉa hè hay được bán rong trên chiếc xe máy, đi tới đâu rao tới đó. Miếng đậu hũ hấp được xẻ đôi, kẹp vào dăm lá rau răm, quẹt mỏng lên lớp ớt tươi, rắc muối tiêu, nặn thêm chút vị chanh hay tắc (quất), tất cả hương vị dân giã mà ngon quá đỗi.
Ảnh: @lenkycungkhoa
Súp cua
Người Sài Gòn, đặc biệt là giới trẻ quá quen thuộc với món súp cua nóng hổi. Chén súp cua đặc sánh được nấu từ thành phần chính gồm: nấm đông cô, nấm tuyết, trứng cút, cua, bột năng, trứng bắc thảo. Người bán còn gia giảm thêm chút gia vị như tiêu, hành ngò, ớt tươi làm ấm người. Các quán súp cua ngon ở Sài Gòn phải kể đến súp cua Hoà Bình (gần nhà thờ Đức Bà), súp cua ngon ở chợ Hồ Thị Kỷ, chợ Phạm Thế Hiển…
Ảnh: @thienjaidee
Bắp, khoai lang nướng
Giữa cơn mưa chiều, chiếc vỉ nướng than hồng xếp ngay ngắn từng trái bắp (ngô), củ khoai phảng phất vị thơm như gọi mời người qua đường ghé mua. Những tiếng rao “khoai lang nướng, bắp nướng đây” gần gũi và thân thuộc trong mỗi con hẻm Sài Gòn khi ngớt cơn mưa. Không chỉ trong hẻm, món ăn dân giã, giá cả phải chăng này còn được bày bán phổ biến trên nhiều đường phố Sài Gòn.
(Ảnh: Võ Thanh Phương)
Ngày mưa tấp vội vào quán lề đường, sì sụp bên chén súp cua nóng hổi, hay vừa thổi vừa ăn củ khoai lang nướng thơm bột, ngon tuyệt chén chè nóng, đậm đà vị lẩu bò… ta chợt nhận ra “Sài Gòn, ô bỗng ngon ghê!".