Tại phiên toà trước đó, các bị cáo là thuộc cấp và đồng phạm của Trương Mỹ Lan thể hiện sự ăn năn, hối cải và mong HĐXX xem xét.
Tuy nhiên, bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng truy tố. Bị cáo Lan phủ nhận vai trò nắm giữ quyền chi phối tuyệt đối tại SCB, cũng như phủ nhận vai trò chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện nhiều hành vi phạm tội.
Bị cáo Lan cho rằng mình chỉ cho ngân hàng mượn tài sản để tái cơ cấu nợ xấu; không chỉ đạo thành lập các công ty "ma" và không biết công ty ma là gì; không nâng khống giá trị tài sản để lấy tiền SCB...
Mặc dù Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng trước toà, bị cáo và gia đình xin tạo điều kiện bán nhiều tài sản bất động sản của mình để khắc phục hậu quả.
Cụ thể, con gái Trương Mỹ Lan gửi đơn đến tòa trình bày việc đang rao bán một số tài sản để lấy tiền khắc phục trong vụ án: tòa nhà Capital Place, và khách sạn Daewoo ở Hà Nội; bán cổ phần của bà Lan tại: Tập đoàn nhà máy sản xuất vaccine với giá 315 tỷ đồng, cổ phần tại Công ty CP bảo hiểm FWD với giá 920 tỷ đồng; được nhận lại 672 tỷ đồng việc chuyển nhượng không thành từ 1 dự án ở Lâm Đồng.
Còn căn biệt thự cổ số 110 - 112 Võ Văn Tần (Quận 3) bà Trương Mỹ Lan khai mua với giá 700 tỷ đồng và xin HĐXX không kê biên vì đây là di tích không thể mua bán mà giao lại cho gia đình để bảo tồn.
Ngoài ra, liên quan đến thẩm định giá lại các tài sản đảm bảo của bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB cũng gây nhiều tranh cãi, khi bị cáo và các luật sư đều cho rằng giá thẩm định quá thấp so với giá thị trường, nên đề nghị HĐXX xem xét lại.
Trong phần xét hỏi chiều 14/3, đại diện Ngân hàng SCB cho rằng, thiệt hại trong vụ án phải là 677.286 tỷ đồng, số liệu tạm tính đến ngày 5/3 là 760.279 tỷ đồng (bao gồm tiền gốc 482.449 tỷ và lãi/phí là 277.830 tỷ đồng).
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao ban hành, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - bị truy tố 3 tội danh gồm: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cáo buộc, bị can Trương Mỹ Lan dù không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB, song lại là người lũng đoạn, chi phối loạt lãnh đạo ngân hàng này để họ giúp sức rút ruột hơn 304.000 tỷ đồng.
Cáo trạng của VKSND tối cao nêu rõ, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ từ 85 - 91,5% cổ phần SCB. Từ đó, bị can trở thành cổ đông có "quyền lực" để chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.
Trương Mỹ Lan và đồng phạm thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.
Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.
Trong đó, VKSND tối cao xác định nhiều hành vi được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.