Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, người Việt Nam hai lần là thành viên Uỷ ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc (hiện đang đảm nhận nhiệm kỳ 2023-2027). Ông là nhà ngoại giao và chuyên gia pháp lý kỳ cựu của Việt Nam. Ông từng tham gia các đoàn đàm phán quan trọng về vấn đề biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đặc biệt, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao từng là chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông:
Tháng 3 năm 1988 đã đi vào lịch sử với biểu tượng Vòng tròn bất tử của các chiến sĩ Hải quân dưới mưa đạn của kẻ thù vẫn kết khối để giữ vững đảo quê hương.
Tháng 3 năm 1988 là sự kiện đặc biệt trong lịch sử hải quân thế giới khi sự hy sinh của 64 chiến sĩ hải quân tay không trước các pháo hạm lại thổi hồn mạnh mẽ cho chiến dịch CQ 88, giúp Việt Nam khẳng định quyền kiểm soát của mình không chỉ ở Len Đao, Cô Lin mà đã nâng sự hiện diện lên 21 đảo đá, 33 điểm đóng quân (theo số liệu Mỹ là 48) trên quần đảo Trường Sa.
Vinh quang thuộc về các chiến sĩ lữ đoàn vận tải quân sự Trường Sa 125 HQ, các lữ đoàn công binh hải quân 83, 131, lữ đoàn đặc công nước 126 và các cán bộ chiến sĩ tham dự chiến dịch CQ 88.
Vinh quang thuộc về Đô đốc Giáp Văn Cương huyền thoại và các sĩ quan trợ lý của ông đã không để đất nước bị động và dù trong khó khăn thiếu thốn bội phần không thể tưởng tượng của ngày đó đã vận dụng linh hoạt sách lược lấy ít địch nhiều, không mắc mưu nổ súng trước để bị gây hấn, bình tĩnh chủ động, quả cảm để giành thắng lợi, giữ biển đảo quê hương với tổn thất ít nhất.
Vinh quang thuộc về các cán bộ Bộ Ngoại Giao, Ban Biên giới Chính phủ đã tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp đấu tranh trên tinh thần lấy trí nhân thay cường bạo, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.
Vinh quang thuộc về đất nước, về những bà mẹ, người vợ, người em luôn động viên hướng tới tiền phương trong những ngày đất nước không còn tiền trong ngân khố, lạm phát quay cuồng hàng ngàn phần trăm.
"Những người nằm lại phía chân trời" (tên tượng đài xây dựng tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa để tưởng nhớ các liệt sĩ Gạc Ma) là biểu tượng của tình thương yêu và biết ơn của đồng bào cả nước.
Sự hy sinh của các anh đã làm cho những thuật ngữ biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa khô khan trở thành chân thực lạ lùng. 30 năm thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (1994-2024), văn bản pháp lý cao nhất để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các quốc gia ven Biển Đông có một phần đóng góp của các anh.
Sự hy sinh của các anh đã làm người Việt trong ngoài nước siết chặt tay nhau hơn, hướng tới và đến với Hoàng Sa - Trường Sa nhiều hơn, vì một Việt Nam biển vững mạnh. Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng lớn thuộc 2 hạm đội Nam Hải và Đông Hải xuống khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam với ý đồ nhằm chiếm giữ cụm tam giác 3 bãi ngầm Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao. Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của Trung Quốc lao đến, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin… 64 chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Những ngày này, Hà Nội và cả nước vẫn chưa hạ nhiệt với hiện tượng “Đào, Phở và Piano” cho thấy thế hệ trẻ vẫn hướng về cội nguồn, lịch sử đất nước. Lòng yêu nước vẫn luôn luôn bùng lên đúng thời điểm.
Trong những ngày tháng 3 năm 1988, tinh thần “Lũy Hoa” của Nguyễn Huy Tưởng về những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh năm 1946 cũng chính là nguồn lực cho những chiến sĩ Hải quân chúng tôi nối tiếp bước cha ông.
Nếu như có thể có một tác phẩm văn học hay điện ảnh như “Lũy Hoa”, “Đào, Phở và Piano” cho “"Những người nằm lại phía chân trời" của tháng 3 năm 1988 thì thật may mắn.
Có thể có ba thứ đã gắn bó với các chàng lính hải quân trẻ năm xưa xứng đáng được đưa vào phim. “Đảo” là tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi biển xa, nơi mang lại danh nghĩa chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển rộng gần 1 triệu km2 của quê mẹ, là nơi liệt sĩ Trần Văn Phương đã có câu nói bất hủ trong lịch sử Hải quân Việt Nam: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”.
“Bàng vuông” là đặc sản của đảo, là hình tượng hiên ngang trước sóng gió phong ba và được lính so sánh gợi nhớ hình ảnh cây tre thân thương quê nhà cũng hùng dũng, mềm mại, và dẻo dai như bố mẹ gửi gắm đến các con ngoài đảo.
“Cành trúc san hô” và ốc tai voi là những thứ luôn cất kỹ trong ba lô người lính biển khắc khoải có dịp gửi về cho những người vợ, người em gái chưa một lần biết mặt. Vì những cái rất đỗi bình dị, chúng tôi đứng đây vì một Biển Đông vững bền, vì hoà bình và công lý...