Tôi và chồng tôi hẹn hò được ba năm thì tiến tới hôn nhân. Trước đây, mỗi lần đến nhà anh chơi, tôi run và căng thẳng lắm. Bởi mẹ anh trông có vẻ rất nghiêm túc, chuẩn mực.
Sau nhiều lần để ý quan sát, tôi thấy mẹ anh đúng là mẫu người "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên", giỏi "nữ công gia chánh", đoan trang, làm việc gì cũng tỉ mỉ, chăm chút. Điều này thật sự còn khiến tôi sợ hơn so với những bà mẹ chồng ghê gớm.
Nói thật, tôi rất tự tin trong công việc, chuyện nhà cửa cũng không đến nỗi tệ. Nhưng tôi sống khá thẳng tính, không phải kiểu con gái biết cư xử khéo léo. Khi về làm dâu, tôi lo mẹ chồng sẽ không vừa mắt, rồi suốt ngày uốn nắn tôi từng ly từng tí theo tiêu chuẩn "cao ngất" của bà. Do vậy, dù tuổi của chúng tôi đều chạm ngưỡng 30, tôi vẫn "câu giờ" đến ba năm mới tổ chức đám cưới.
Tôi luôn sợ sẽ không bao giờ có thể làm vừa lòng mẹ chồng. (Ảnh minh họa: The Sun).
Tôi từng bàn với chồng về chuyện mua nhà ở riêng nhưng khá khó. Bố mẹ chỉ có mỗi mình anh là con nên cuối cùng, tôi vẫn phải nhượng bộ.
Là người sĩ diện, lại sợ không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn con dâu, không thể làm mọi việc chỉn chu, hoàn hảo như mẹ chồng, ngày về làm dâu tôi căng thẳng lắm.
Đám cưới của chúng tôi diễn ra vào buổi trưa, khoảng 2-3h chiều hoàn tất hôn lễ về đến nhà, ai nấy đều mệt mỏi và vào phòng đi ngủ ngay. Chỉ có tôi bồn chồn, không dám chợp mắt vì không biết nên bắt đầu từ đâu. Trong đầu tôi chỉ quẩn quanh suy nghĩ: "Mình có nên dọn dẹp nhà cửa, rửa ấm chén... không nhỉ?".
Trong khi tôi đang đi loanh quanh ở phòng khách thì mẹ chồng đột ngột xuất hiện. Mẹ bảo có lời dặn dò dành riêng cho con dâu mới. Thật sự lúc đó, tôi toát mồ hôi hột.
Để tránh sau này xảy ra va chạm hay xung đột giữa mẹ chồng - nàng dâu, mẹ đưa ra một số quy tắc trong gia đình, áp dụng ngay từ ngày đầu tiên tôi về đây sống:
- Phong bì, vàng mừng cưới các con giữ. Mọi chi phí tổ chức đám cưới bố mẹ cho.
- Mỗi tháng, vì chỉ ăn bữa tối ở nhà, hai vợ chồng phải đóng 3 triệu đồng. Còn tiền điện, tiền nước..., bố mẹ chịu trách nhiệm.
- Cả nhà cố gắng cùng nhau đi ăn quán mỗi tháng một lần, du lịch mỗi năm một lần. Chi phí tùy từng trường hợp sẽ xem bố mẹ hay các con là người chi trả.
- Nhà mỗi năm có ba lần giỗ, con dâu phải phụ giúp mẹ. Còn đâu hàng ngày, việc cơm nước sẽ do mẹ lo nhưng hai vợ chồng phải tự phân chia nhau rửa bát. Phòng của ai người nấy dọn dẹp, khu vực chung nếu mệt có thể thuê người giúp việc theo giờ.
- Hai vợ chồng đi chơi đâu không cần xin phép nhưng phải thông báo cho bố mẹ biết, đừng đi khuya quá bố mẹ lo "mất ăn mất ngủ".
- Hai vợ chồng không cãi nhau hay thể hiện tình cảm quá mức trước mặt bố mẹ, có gì vào phòng "đóng cửa bảo nhau".
- Có khó khăn gì nhớ nói bố mẹ giúp đỡ.
Mẹ chồng tôi nói sẽ cố gắng coi tôi như con gái trong nhà. Mẹ chỉ có một mong muốn duy nhất là các con không ra ở riêng, hai ông bà luôn được gần con gần cháu.
Trái với suy nghĩ ban đầu của tôi, những lời mẹ nói khiến tôi ứa nước mắt. Tôi không ngờ mẹ lại là người rất hiểu tâm lý con dâu, đưa ra bảng quy tắc không thể "hợp tình hợp lý" hơn được nữa.
Sau một năm làm dâu, may mắn khi tôi có cuộc sống khá vui vẻ, hòa thuận với nhà chồng. Có chăng chỉ là đôi lúc cãi vã, giận hờn vu vơ với chồng chứ tôi và bố mẹ chồng chưa hề xảy ra bất cứ vấn đề gì.
Nhất là mẹ chồng, bà yêu thương, chỉ bảo cho tôi từng tí và luôn tôn trọng mọi điều trong bảng quy tắc được đưa ra vào ngày đầu tôi về làm dâu. Gia đình tôi đã đi du lịch Đà Nẵng với nhau được một lần, còn chuyện ra quán ăn "đổi gió" thì nhiều hơn so với dự tính.
Nhiều lúc tôi thầm nghĩ giá như trước đây mình không "câu giờ" mà quyết định tổ chức đám cưới sớm hơn, có phải tôi đã không mất đến ba năm để có thêm một người mẹ tuyệt vời không?
Theo Dân trí