"Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Quất Động với anh thì về
Quất Động làng anh có nghề
Thêu gà thêu vịt, thêu hoa trên cành"
Câu ca dao từ xưa vọng lại đến ngày nay vẫn được bà con trong làng truyền tai nhau như cách dặn dò con cháu nhớ đến cái nghề đã làm nên tên tuổi của làng. Được biết đến với nghề thêu tay truyền thống, ra đời từ thế kỷ XVII, cho đến nay nghề thêu ở làng Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) vẫn được bảo tồn, lưu giữ.
Ghé thăm làng vào một ngày cuối năm, dưới cây đa cổ thụ đầu làng là đền thờ thần làng, bên cạnh là đền thờ ông Lê Công Hành, người được tôn vinh là ông tổ nghề thêu Việt Nam. Nhắc đến ông, người dân Quất Động không khỏi tự hào. Ông là người con sinh ra lớn lên tại làng, thi cử đỗ đạt và được cử đi sứ nhà Minh. Trong lần đi sứ, ông học được nghề thêu đem về chỉ dạy cho dân làng. Từ cái nôi làng nghề Quất Động, các địa phương khác trong và ngoài tỉnh cũng bắt đầu phát triển nghề thêu. Thêu tay truyền thông đã có mặt khắp nơi trong cả nước. Để ghi nhớ công ơn ông, sau khi Lê Công Hành mất, bà con trong vùng lập đền thờ và suy tôn ông là ông tổ nghề thêu.
Trước đây, đa phần người dân trong làng theo nghề và tạo nên tiếng vang về nghề thêu khắp trong, ngoài nước. Thưở xưa, các sản phẩm thêu tay của làng thêu Quất Động được phục vụ cho cả triều đình, quan lại. Người dân làng nghề tự hào về những sản phẩm thêu tay tài hoa, sống động. Cứ thế phát triển, sản phẩm thêu tay không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước. Tuy nhiên, giờ đây đến với Quất Động sẽ không còn cảnh nhà nhà ngồi thêu như trước. Giới trẻ hiện cũng ít theo nghề bởi sự vất vả cũng như có nhiều lựa chọn hơn. Tuy vậy, vẫn còn một số cơ sở duy trì nghề. Nhiều người vẫn đang bám trụ nghề truyền thống bởi đã quá yêu ngành nghề làm nên tên tuổi của làng, không muốn làm mai một đi nét văn hóa truyền thống bao năm.
Chị Trương Thị Nhàn, 51 tuổi, hiện là một trong những nghệ nhân thêu tay còn gắn bó với nghề. Gặp chị vào một buổi trưa, chị cùng những bạn thêu khác vẫn đang miệt mài không nghỉ ngồi tỉ mẩn thêu tay sản phẩm cho kịp tiến độ sản phẩm giao trước Tết. Nói về việc theo nghề, chị chia sẻ: “Ở đây, từ nhỏ lớn lên thấy các thế hệ ông bà, cha mẹ làm nghề thêu nên trẻ con cũng được học thêu từ bé. Tôi theo nghề từ khi còn nhỏ xíu. Học lâu thấy yêu quý nghề, không muốn bỏ vì đó là nghề truyền thống cha ông”.
Cũng theo chị Nhàn, việc theo nghề thêu cũng đòi hỏi kỹ năng tỉ mỉ, kiên trì và cách phối màu tinh tế tự nhiên. “Ngồi lâu suốt 8 đến 10 tiếng, có khi hơn nữa cho kịp hoàn tất sản phẩm. Mắt phải chăm chú, tay phải khéo léo. Nghề nào cũng có những vất vả của nó nhưng chúng tôi làm lâu nên quen và yêu nghề”.
Không chỉ chị Nhàn, bạn thêu của chị ngồi bên cạnh tiếp lời: “Tôi thì không phải dân gốc làng thêu này mà chỉ lấy chồng, theo về làm dâu làng Quất Động nhưng rồi cũng bén duyên với nghề tới tận nay là 25 năm”. Không chỉ đàn bà phụ nữ, đàn ông trong làng cũng nhiều người theo nghề thêu.
“Giờ thì trong làng công ty nhiều, các bạn trẻ lại thích bay nhảy không thích phải ngồi cặm cụi suốt ngày tỉ mẩn vẽ, chọn màu, ngồi thêu nhưng những thế hệ đi trước vẫn không ngừng động viên con cháu cố gắng học nghề để giữ lấy nghề, giữ hồn cho làng”, chị Nhàn cho biết.
Cũng như chị Nhàn, làng thêu tay Quất Động vẫn đang nhiều người cùng lứa tuổi chị cố giữ lấy nghề, truyền dạy cho các lớp con cháu đi sau. Mỗi tác phẩm đều đậm chất hồn quê, là sự chăm chút, gửi gắm tự hào mà người dân Quất Động dành cho nghề thủ công thêu tay truyền thống. Giữa bộn bề phát triển như vũ bão của làn sóng công nghiệp, ghé thăm làng nghề thêu tay Quất Động thấy như thời gian dừng lại. Nét đẹp văn hóa cổ truyền của một làng quê cổ vẫn được cố gắng bảo tồn, gìn giữ, thấm đượm hồn dân tộc.