-Ngày quốc tế chống tham nhũng
Ngày Quốc tế chống tham nhũng, viết tắt là IACD (International Anti-Corruption Day) được tổ chức vào ngày 9/12 hàng năm, kể từ khi Liên hợp quốc thông qua Công ước về chống tham nhũng vào ngày 31/10/2003.
Đây là một sự kiện thường niên do Liên Hợp Quốc tổ chức, với mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về tham nhũng, hối lộ và các vấn đề có liên quan, vinh danh những người chống tham nhũng trong cộng đồng và Chính phủ của họ.
Tại Việt Nam, ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN “Về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng”, theo đó Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước kể từ ngày 19/8/2009.
-Đèn giao thông đầu tiên trên thế giới được lắp đặt
Ngày 9/12/1868, đèn giao thông đầu tiên trên thế giới đã được lắp đặt tại giao lộ giữa hai con phố Great George và Bridge, cạnh tòa nhà Quốc hội Westminster của Anh.
Người sáng chế là kỹ sư đường sắt John Peake Knight, đã mô phỏng cách thức hoạt động của đèn như tín hiệu đèn báo đường sắt (cánh tay semaphore). Thiết kế gồm hai cánh tay thẳng đứng với hai đèn khí do cảnh sát vận hành bằng tay.
Ban ngày, khi cánh tay thẳng đứng có nghĩa là “đi”, khi nằm ngang có nghĩa là “dừng lại”. Còn ban đêm, đèn gas được sử dụng với màu xanh lá cây là “đi” và màu đỏ là “dừng lại”. Vài tháng sau khi lắp đặt, một vụ nổ vô tình đã làm viên cảnh sát phụ trách vận hành nó bị thương nặng và đèn giao thông đã bị tháo dỡ.
Tuy nhiên, sáng tạo này đã trở nên phổ biến trên toàn cầu và không ngừng được cải tiến. Năm 1914, đèn giao thông chạy bằng điện đầu tiên trên thế giới được lắp đặt tại Cleveland (Mỹ). Tại châu Âu, đèn đầu tiên được lắp là ở Berlin (Đức) vào năm 1924.
-Hitler ra lệnh tấn công tàu Mỹ bằng ngư lôi
Ngày 9/12/1941, Adolf Hitler ra lệnh phóng ngư lôi vào tàu Mỹ và đồng minh, chỉ 3 ngày trước khi tuyên chiến với Mỹ.
Cuộc tấn công này, cùng với việc Trân Châu cảng bị quân Nhật tấn công tàn khốc khiến gần 2500 người thiệt mạng, đã khiến Mỹ từ một nước trung lập chính thức tham chiến Thế chiến 2.
-Bệnh đậu mùa được tiệt trừ
Ngày 9/12/1979, các nhà khoa học trong ủy ban của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã ra tuyên bố chính thức xác nhận bệnh đậu mùa (Smallpox) được tiệt trừ trên toàn thế giới, cũng là bệnh truyền nhiễm đầu tiên của con người được loại bỏ hoàn toàn.
Trước đó 10 năm, WHO chính thức bắt đầu chương trình tiêm chủng toàn cầu phòng chống bệnh đậu mùa, là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi hai biến thể virus, Variola major và Variola minor. Tiệt trừ đậu mùa được xem là thành tựu y tế nổi bật ở thế kỷ 20.
-Mỹ và đồng minh đổ bộ vào Solamia
Ngày 9/12/1992, Thủy quân lục chiến Mỹ và các nước đồng minh chính thức đổ quân bằng cả đường hàng không và đường bộ vào Mogadishu tại Somalia, nhằm ‘lập lại trật tự’ cho đất nước đang điêu tàn vì nội chiến kéo dài.
Cuộc đổ bộ này được ủy quyền bởi Nghị quyết 794 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua vào ngày 3/12 nhằm thành lập một lực lượng quốc tế với mục tiêu tạo lập môi trường để cung cấp viện trợ nhân đạo.
Lực lượng này đã thành công trong việc tái lập trật tự và làm giảm bớt nạn đói. Tuy nhiên, sự tham chiến mà không có mục tiêu rõ ràng sau đó trở thành thảm họa khi giao tranh leo thang. 18 binh sĩ Mỹ và hơn 1.000 người Somalia thiệt mạng trong trận chiến ở Mogadishu tháng 10/1993 khiến dư luận Mỹ phản ứng mạnh mẽ. Quân đội Mỹ lập tức rút lui, dù nội chiến ở Somalia vẫn còn tiếp diễn.
-Liên hợp quốc liệt chủ nghĩa bài Do Thái vào phân biệt chủng tộc
Ngày 9/12/1998, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố chủ nghĩa bài Do Thái là một hình thức phân biệt chủng tộc.
Nghị quyết được thông qua bởi sự đồng thuận nhân kỷ niệm 50 năm Công ước quốc tế chống nạn diệt chủng và một ngày trước khi tổ chức này kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nhân quyền.
-Beckham bị phạt cấm lái xe 8 tháng
Ngày 9/12/1999, tiền vệ David Beckham của MU đã bị tòa sơ thẩm Stockport xử cấm lái xe trong 8 tháng và phạt 800 bảng vì lái xe quá tốc độ.
Cảnh sát đã cáo buộc Beckham lái chiếc Ferrari trị giá 150.000 bảng ở tốc độ 76Mph trong khu vực giới hạn 50 Mph. Sau đó, Beckham đã thắng khi kháng cáo lệnh cấm với lý do đang cố gắng trốn thoát khỏi một tay paparazzi, nhưng số tiền phạt vẫn bị giữ nguyên.
-Ledley King ghi bàn thắng nhanh nhất lịch sử giải Ngoại hạng Anh
Ngày 9/12/2000, trong trận Tottenham tiếp Bradford City ở giải Ngoại hạng Anh, hậu vệ đội trưởng Ledly King đã ghi bàn mở tỉ số 1-0 cho đội chủ nhà sau 9,82 giây. Đây là bàn thắng nhanh nhất lịch sử giải Ngoại hạng Anh thời điểm đó. Trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 3-3.
Kỷ lục của Ledley King tồn tại đến tận mùa giải 2018-2019 thì bị Shane Long vượt qua với bàn mở tỉ số cho Southampton trong trận hòa 1-1 với Watford, sau 7,69 giây.
Mùa giải 2022-2023, Philip Billing cũng ghi bàn cho Bournemouth trong trận gặp Arsenal với thành tích 9,11 giây, vượt qua Ledley King nhưng vẫn đứng sau kỷ lục của Shane Long.
-Nghệ sĩ Chí Tài qua đời
Chiều 9/12/2020, nghệ sĩ Chí Tài bị đột quỵ ở cầu thang bộ chung cư anh sống ở Quận Phú Nhuận. Dù mau chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng ông đã không qua khỏi, ở tuổi 62.
Nghệ sĩ Chí Tài, tên đầy đủ là Nguyễn Chí Tài, sinh năm 1958. Năm 1981, anh sang Mỹ định cư, lập nhóm nhạc "Chi Tai's Brothers", mở studio làm hòa âm và thu âm cho nhiều ca sĩ nổi tiếng tại hải ngoại.
Những năm 1999-2000, Chí Tài chuyển sang vai trò nghệ sĩ hài và nhanh chóng được khán giả yêu mến. Anh gắn bó với nhóm kịch Thúy Nga và thường xuyên biểu diễn trong loạt chương trình văn nghệ giải trí nổi tiếng tại hải ngoại, trước khi về nước biểu diễn năm 2000.
-Tờ giấy của Darwin được bán với giá hơn 800.000 USD
Ngày 9/12/2022, nhà đấu giá Sotheby’s đã đấu giá thành công ở mức giá 882.000 USD cho một tờ giấy có chữ ký của nhà khoa học Charles Darwin khi ông trình bày về thuyết tiến hóa năm 1865. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay cho một tài liệu của nhà khoa học nổi tiếng.
Theo Sotheby’s, bản thảo là "tuyên bố dứt khoát về chọn lọc tự nhiên và di sản của ông" và được viết cho một ấn phẩm có tên The Autaphic Mirror vào tháng 10/1865.
Darwin nổi tiếng vì tin rằng tất cả các sinh vật sống xuất phát từ một tổ tiên chung và phát triển thông qua quá trình mà ông gọi là chọn lọc tự nhiên. Sau khi ông qua đời năm 1882, lý thuyết về chọn lọc tự nhiên đã được các nhà khoa học chấp nhận rộng rãi như là một phần quan trọng của sự tiến hóa.