Ngày 3/2 năm xưa: Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Mỹ xóa bỏ cấm vận Việt Nam

Tổng hợp| 03/02/2024 06:00

Ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton tuyên bố bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam. Từ chỗ là cựu thù sau chiến tranh, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2013.

-Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ ngày 3 đến 7/2/1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tiến hành giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người tiến lên chủ nghĩa xã hội.

tranh_hn_hop_nhat-17_24_34_648.jpg
Tranh vẽ Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đại hội đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Ngày 3 tháng 2 năm 1930 trở thành Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử như là Đại hội thành lập Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX; là sản phẩm cuả sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử và là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc.

-Mỹ xóa bỏ cấm vận với Việt Nam

Ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton tuyên bố bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam. Hai nước bắt đầu mở văn phòng liên lạc từ cuối tháng 1/1995. Đây là động thái mở đầu cho việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Trước đó, ngày 2/7/1993, sau gần 20 năm thực hiện lệnh cấm vận với Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc (30.4.1975), Mỹ tuyên bố không ngăn cản các nước khác cho Việt Nam vay trả nợ tổ chức tài chính quốc tế.

vna_potal_25_nam_ngay_hoa_ky_do_bo_cam_van_voi_viet_nam_102212294_stand.jpg
Tổng thống Bill Clinton tuyên bố xóa bỏ cấm vận thương mại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, tháng 5/1975, Tổng thống Gerald R. Ford đã ký lệnh áp đặt cấm vận thương mại với Việt Nam. Dẫu có những nỗ lực ngoại giao từ hai phía để thay đổi tình hình, lệnh cấm vận cuối cũng đã kéo dài gần 20 năm vì nhiều lý do khác nhau.

Từ năm 1991, Hoa Kỳ nới lỏng dần lệnh cấm vận đối với Việt Nam, mở đường cho tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước.

vna_potal_25_nam_ngay_hoa_ky_do_bo_cam_van_voi_viet_nam_102141132_stand.jpg

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch phát biểu trong buổi dạ hội tối 4/2/1994 tại Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội) nhân dịp Mỹ xóa bỏ cấm vận với Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Sau khi bỏ cấm vận, Bộ thương mại Hoa Kỳ cũng đã chuyển Việt Nam từ nhóm Z, tức nhóm bị hạn chế thương mại gồm Bắc Triều Tiên, Cuba, Việt Nam, lên nhóm Y là nhóm ít bị hạn chế thương mại hơn, gồm Liên Xô và các nước thuộc khối Vacsava cũ như Albania, Mông Cổ, Lào, Campuchia…

Từ chỗ là cựu thù sau chiến tranh, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2013, tăng cường và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên và động lực thúc đẩy quan hệ.

-Ra mắt La Dolce Vita (Cuộc sống ngọt ngào) – bộ phim khai sinh thuật ngữ ‘Paparazzi’

Ngày 3/2/1960, phim La Dolce Vita (Cuộc sống ngọt ngào) là bộ phim của đạo diễn Ý Federico Fellini, được tạp chí Empire bình chọn xếp 11 trong số 100 bộ phim hay nhất của điện ảnh thế giới. ‘Cuộc sống ngọt ngào’ đã đoạt giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes 1960, và giải Oscar Trang phục trong cùng năm.

mv5bodq0nzy5ngetytc5nc00yjg4ltg4y2qtzje2mtkyytnmnmu2l2ltywdll2ltywdlxkeyxkfqcgdeqxvynjc1ntyymjg-._v1_.jpg
Áp-phích giới thiệu phim La Dolce Vita tại Ý năm 1960. Ảnh: Filmzone 

Nhưng trên hết, bộ phim là một thành công thương mại “vô tiền khoáng hậu” ở châu Âu. Ở Ý, 13.617.148 khán giả đã đến xem phim. Còn ở Pháp là 2.956.094 khán giả. Không những thế, Cuộc sống ngọt ngào còn ảnh hưởng rất lớn đến mọi thế hệ làm phim trên thế giới sau này.

Lấy bối cảnh thủ đô Rome của Ý (chủ yếu là phố Via Veneto, con đường có nhiều hộp đêm, cà phê lề đường và nơi tản bộ) vào những năm 1950. Chuyện phim xoay quanh nhân vật chính Marcello Rubini (do diễn viên Marcello Mastroianni thủ vai), một phóng viên chuyên săn lùng những tin tức nhạy cảm và giật gân. Anh bỏ ra nhiều thời gian tìm kiếm những cô gái thuộc đủ mọi thành phần, từ gái điếm đến ngôi sao điện ảnh, từ nữ quý tộc đến những mụ nạ dòng. Anh cũng không ngại tiếp cận các chức sắc tôn giáo và những gã nhà giàu tha hóa, để viết bài đưa tin hay làm tư liệu cho tiểu thuyết.

la-dolce-vita-03.jpg
La Dolce Vita giành giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes 1960, và giải Oscar Trang phục. Ảnh: Filmzone

Cũng từ bộ phim này đã đóng góp thuật ngữ paparazzi cho ngôn ngữ báo chí (với nghĩa:Những tay săn ảnh). Cái tên này dựa theo tên của người thợ ảnh Paparazzo, cộng sự của Marcello trong phim (do Walter Santesso đóng). Fellini lấy tên Paparazzo, như ông giải thích sau này trong một cuộc phỏng vấn, lấy từ tên của một người mà ông gặp ở Calabria (miền Nam Italy), nơi mà tên kiểu Hy Lạp vẫn còn phổ biến.

image-w1280_11zon.jpg
Diễn viên Marcello Mastroianni và Anita Ekberg trong phim La Dolce Vita.

Paparazzo có nghĩa là “chim sẻ” trong một phương ngữ Italy (theo cách sử dụng thông thường, passero có nghĩa là “chim sẻ” trong tiếng Italy). Fellini giải thích rằng mỗi khi nhìn thấy các nhiếp ảnh gia xôn xao và chạy lăng xăng xung quanh những người nổi tiếng, hình ảnh đó khiến ông hình dung đến bầy chim sẻ. Và paparazzi là số nhiều của paparazzo, nên từ đó về sau paparazzi đã có thêm nghĩa mới là:Những tay săn ảnh.

-Thủ lĩnh IS Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi tự sát ở Syria

Ngày 3/2/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo thủ lĩnh tối cao của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trùm khủng bố Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi đã tự sát bằng cách kích nổ bom khi bị Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ bao vây ở Tây Bắc Syria.

1000_2-1643939837854.jpeg
Ngôi nhà Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi lẩn trốn và kích hoạt bom tự sát cùng người thân. Ảnh: AP

Theo truyền thông Mỹ tường thuật, khi bị truy đuổi, al-Qurayshi đã lựa chọn giống người tiền nhiệm của hắn, al-Baghdadi, đó là kích nổ một quả bom làm chết bản thân và các thành viên trong gia đình, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Abu Ibrahim al-Hashemi al-Quraishi đã lãnh đạo Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau khi thành viên sáng lập IS Abu Bakr al-Baghdadi tử vong vào năm 2019.

reclusive-leader-of-the-militant-islamic-state-abu-bakr-al-baghdadi.jpg
Chân dung Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi xuất hiện trong một video của IS sau khi thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi chết. Ảnh: CNN

Chiến dịch truy quét khủng bố bố ở Tây Bắc Syria do Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động không kích ở Trung Đông, đứng đầu.

Theo AP, khoảng 50 binh sĩ đặc nhiệm Mỹ đã hạ cánh bằng trực thăng xuống khu vực gần nhà của al-Qurayshi, sau đó giao tranh với các tay súng trong khoảng 2 giờ đồng hồ.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngày 3/2 năm xưa: Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Mỹ xóa bỏ cấm vận Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO