Ngày 22/3 năm xưa: Ngày nước thế giới

Tổng hợp| 22/03/2024 06:00

Ngày 22/3 hằng năm được chọn là Ngày nước thế giới (World Water day) với thông điệp trân trọng nguồn nước, giữ nguồn mạch sự sống. Chỉ chưa đầy 1% lượng chất lỏng khả dụng để duy trì mọi sự sống trên Trái đất, và ngày càng sụt giảm.

Trong Chương trình nghị sự 21 của Hội nghị Liên Hợp Quốc năm 1992 về Môi trường và Phát triển (UNCED) tại Rio de Janeiro, Brazil đã chính thức đề xuất ngày nước thế giới, nhằm kêu gọi công chúng không sử dụng nước một cách lãng phí cũng như tránh làm ô nhiễm nguồn nước ngọt.

world-water-day-2024-water-for-peace.jpg
Chủ đề năm 2024 được UN Water lựa chọn là Water for Peace

Nghị quyết A/RES/47/193 của Đại hội đồng LHQ đã cụ thể hóa đề xuất trên và chọn ngày 22 tháng 3 hằng năm là Ngày nước thế giới, hay còn gọi là Ngày nước sạch thế giới (World Water day). Năm 2003, Ủy ban nước LHQ (UN-Water) được thành lập, có trách nhiệm chọn chủ đề và thông điệp cho Ngày nước thế giới hằng năm.

anh-khan-hiem-nuoc-sach.jpg
Thế giới đang bị vắt kiệt nước sạch

Năm 2023 được Liên Hợp Quốc phát động ̣ với chủ đề là “Accelerating Change - Thúc đẩy sự thay đổi” nhấn mạnh vai trò của nước là nền tảng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống và là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia; đồng thời hướng đến giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường trên toàn cầu. Qua đó, kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước để tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày.

water-security-in-tanzania.jpg
Khoảng 2-3 tỷ người bị thiếu nước ít nhất một tháng mỗi năm

Năm 2024, thông điệp được lựa chọn là “Water for peace - Nước cho hòa bình", tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.

Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water), hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới.

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Bằng cách cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, nước có thể là động lực ổn định và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau.

water-50_custom-39abe1141ade8fb8c5b226c1d75e27dcbd2aa258.jpg
UN Water dự đoán đến năm 2040, khoảng 20 quốc gia thiếu nước sạch

Biến đổi khí hậu khiến hơn một nửa dân số thế giới hiện nay đang phải chịu đựng tình trạng khan hiếm nước trầm trọng ít nhất một tháng mỗi năm.

Báo cáo Phát triển Nước thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết hiện tai, gần 1 tỷ người đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Khoảng 2-3 tỷ người bị thiếu nước ít nhất một tháng mỗi năm, trong khi 3,6 tỷ người không được tiếp cận với hệ thống vệ sinh an toàn. Trong khi đó, sự gia tăng dân số khiến nhu cầu sử dụng nước trên toàn cầu đã tăng khoảng 1% mỗi năm trong 40 năm qua và sẽ tiếp tục tăng với tốc độ tương tự trong 30 năm tới.

shutterstock296059040-16872298555641698780797.jpg
Nước sạch đang thiếu và nguồn nước ngầm đang cạn dần

UN-Water dự đoán đến năm 2040, tình trạng khan hiếm nước sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi sẽ có tới 20 quốc gia nữa có thể gặp phải tình trạng thiếu nước sạch. Vì vậy, vấn đề thực sự không phải về trữ lượng nước, mà là chúng ta có thể tiếp cận được bao nhiêu lượng nước sạch.

Thực tế, 97% chất lỏng trên trái đất là nước mặn, có quá nhiều khoáng chất nên con người không thể uống hoặc dùng cho nông nghiệp. Trong số 3% lượng nước ngọt khả dụng còn lại, hơn hai phần ba bị đóng băng trong các chỏm băng và sông băng. Nghĩa là chỉ có chưa đến 1% lượng chất lỏng khả dụng để duy trì mọi sự sống trên Trái đất.

thieu-nuoc1.png
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng sâu sắc đến nguồn nước của thế giới

Đáng quan tâm hơn, nguồn nước tái tạo không thể đáp ứng nhu cầu, con người bắt đầu bơm nước ra khỏi nguồn dự trữ hữu hạn dưới lòng đất. Lượng nước sinh hoạt ta sử dụng để uống, nấu ăn và vệ sinh chỉ chiếm 3,6% lượng nước tiêu thụ của nhân loại. Trong số 37 hồ chứa lớn dưới lòng đất của Trái đất, 21 hồ đang trên đường cạn kiệt vĩnh viễn.

Báo cáo của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) năm 2023 cho thấy tình trạng khan hiếm nước đã ảnh hưởng đến 11% dân số Liên minh châu Âu (EU) năm 2023. Tại khu vực Nam Á, hơn 74% dân số phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng, trong khi ở Trung Đông và Bắc Phi con số này là 83%.

shutterstock82656628-16872298554881055832532.jpg
Đằng sau vẻ đẹp này là nguy cơ cạn kiệt nguồn nước

Bản đồ dự báo phân bổ nước của WRI nhấn mạnh nguy cơ đối với an ninh lương thực, khi 60% số cây trồng cần tưới tiêu đang bị đe dọa bởi tình trạng căng thẳng về nước ở mức "cực kỳ cao", nhiều hồ chứa nước ngọt, sông suối trên thế giới đang dần cạn kiệt, nguồn nước ngầm đang suy giảm ở tốc độ rất nhanh.

                                                                                             Theo TED-Ed, WRI

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngày 22/3 năm xưa: Ngày nước thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO