Máu và nước mắt ở Sharpeville
Sharpeville được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1943 để thay thế Topville khiến khoảng 10.000 người châu Phi bị buộc phải di dời đến Sharpeville. Thị trấn này có tỷ lệ thất nghiệp và tỉ lệ tội phạm cao. Nhưng điều khiến cộng đồng người da đen giận dữ chính là Đạo luật Pass Laws.
Đạo luật này yêu cầu người Nam Phi da đen trên 16 tuổi luôn phải mang theo mình một 'sổ thông hành' - một loại hộ chiếu nội bộ được gọi là 'dompas', nhằm phân biệt và kiểm soát thông hành so với người da trắng. Một người Nam Phi da đen nếu quên mang ‘dompas’ có thể bị bắt bỏ tù. Họ quyết định phải làm gì đó để phản kháng.
Hơn 8 giờ sáng 21/3/1960, những người biểu tình ở Sharpeville tiến về đồn cảnh sát, tất cả đều không đem theo ‘dompas’ như một cách công khai phản kháng, đòi hỏi không phân biệt đối xử, đòi quyền tự do đi lại và biểu đạt. Số lượng người tham gia lúc này khoảng gần 7000 người, trong khi cả đồn chỉ có gần 20 cảnh sát.
Hơn 10 giờ sáng, số người biểu tình đã lên đến gần 20.000 người. Khoảng 130 cảnh sát tăng viện có trang bị súng tiểu liên Sten và súng trường Lee Enfield, lại được hỗ trợ bởi 4 xe bọc thép Saracen. Máy bay phản lực F-86 Sabre và Máy bay huấn luyện Harvard cũng được điều đến. Ở phía ngược lại, vũ khí của đám đông là tinh thần ngùn ngụt, đồng lòng nhất trí và…đá.
Những người biểu tình đáp trả bằng cách ném đá và lao vào hàng rào cảnh sát. Dùi cui và đạn hơi cay không đủ sức chống đỡ trước sự đồng lòng của dân chúng. Khoảng 13 giờ, cảnh sát cố gắng bắt giữ một vài người biểu tình, đám đông càng tiến lên mãnh liệt. Và súng đã nổ… Sharpeville chìm trong máu, nước mắt, tiếng gào khóc thảm thiết, sự hoảng loạn bao trùm..
Con số chính thức là 69 người thiệt mạng, trong đó có 10 trẻ em, và 180 người bị thương, trong đó có 19 trẻ em. Cảnh sát đã bắn vào lưng nhiều người khi họ quay đầu bỏ chạy, khiến một số bị liệt.
Bình đẳng và phẩm giá của con người
Cuộc thảm sát Sharpeville còn dẫn đến việc cấm đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và phong trào giải phóng đối lập PAC hoạt động, khởi đầu cho cuộc kháng chiến vũ trang bí mật tại Nam Phi, và thúc đẩy lên án trên toàn thế giới các chính sách Apartheid của nước này. Rất nhiều cửa hàng tại Sharpeville phải đóng cửa, tình trạng thất nghiệp.
Trong vài tuần sau đó, người da đen ở Nam Phi biểu tình và bạo loạn khắp cả nước. Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, giam giữ hơn 18.000 người, trong đó có các nhà hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, nổi tiếng nhất là thành viên của Liên minh Quốc hội, Nelson Mandela.
Người dân ở nhiều quốc gia cũng biểu tình ủng hộ người dân Nam Phi. Liên Hợp Quốc (LHQ) lên án gay gắt và ngày 1/4/1960 Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 134. Nam Phi ngày càng bị cộng đồng quốc tế cô lập vì vụ Sharpeville khiến nước này phải rời khỏi Khối thịnh vượng chung năm 1961.
19 năm sau vụ thảm sát Sharpeville, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định chọn ngày 21/3 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ Phân biêt chủng tộc (International Day for the Elimination of Racial Discrimination - IDERD). Kể từ đó, cộng đồng quốc tế đã xây dựng một khuôn khổ đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, được hướng dẫn bởi Công ước Quốc tế về xoá bỏ Phân biệt chủng tộc, là một trong 5 Công ước quốc tế cơ bản của Liên Hợp Quốc về nhân quyền, được thông ngày 21/12/1965. Việt Nam gia nhập Công ước này năm 1982.
Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc ra đời với yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết có những hoạt động riêng rẽ hoặc phối hợp cùng LHQ nhằm đạt được một trong những mục tiêu là thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng, tuân thủ trên phạm vi toàn cầu các quyền và tự do cơ bản của con người, của tất cả mọi người mà không có bất kỳ sự phân biệt về sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo.
Sharpeville là địa điểm được Tổng thống Nelson Mandela chọn để ký thành luật Hiến pháp Nam Phi vào ngày 10/12/1996. Năm 2002, vào dịp kỷ niệm 42 năm vụ thảm sát, một đài tưởng niệm đã được cựu Tổng thống Nelson Mandela khánh thành như một phần của Phân khu Nhân quyền Sharpeville.