Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ nhằm khuyến khích các quốc gia thành viên hành động để nâng cao nhận thức về người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ; thúc đẩy các nghiên cứu để tìm ra những phương pháp mới cải thiện sức khỏe và khả năng hòa nhập của những người mắc phải hội chứng này.
Chủ đề của Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ năm 2024 là: “Empowering Autistic Voices” - Trao quyền cho tiếng nói của người tự kỷ, nhằm cung cấp nhiều hỗ trợ và sức mạnh hơn cho những cá nhân mắc hội chứng này có cuộc sống ý nghĩa và theo đuổi sự nghiệp thành công.
Tự kỷ ngày càng tăng nhanh
Tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ là 1 nhóm các tình trạng liên quan đến sự phát triển của não bộ. Theo nghiên cứu mới nhất tháng 3 năm 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trên thế giới cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh làm khiếm khuyết các kỹ năng giao tiếp, lời nói và phát triển các mối quan hệ xã hội. Đồng thời, trẻ tự kỷ có những vấn đề về hành vi, sở thích, thói quen rập khuôn cứng nhắc, định hình. Trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập với thế giới xung quanh.
Tự kỷ là một rối loạn, không phải là bệnh và không lây lan từ người này sang người khác. Khả năng và nhu cầu của người tự kỷ là khác nhau và có thể phát triển theo thời gian. Trong khi một số người mắc chứng tự kỷ có thể sống độc lập, thì một số khác lại bị khuyết tật nghiêm trọng, cần được chăm sóc và hỗ trợ suốt đời.
Vì thế, hiểu đúng về tự kỷ sẽ giúp phát hiện và can thiệp sớm, hạn chế sự kỳ thị và áp lực đối với trẻ và gia đình, từ đó giúp nâng cao chất lượng sống.
Hiện nay, tự kỷ đặc biệt tăng mạnh. Ví dụ tại Ấn Độ, theo báo cáo của ETHealthWorld thực hiện vào năm 2023, khoảng 18 triệu người ở Ấn Độ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Khoảng 1 đến 1,5% trẻ em từ 2 đến 9 tuổi được chẩn đoán mắc ASD. Theo một nghiên cứu năm 2021 do Tạp chí Nhi khoa Ấn Độ thực hiện, các bé trai thường bị ảnh hưởng bởi tự kỷ nhiều hơn các bé gái, với tỷ lệ nam/nữ xấp xỉ 3:1.
Trung bình chi phí được chi ra để điều trị cho trẻ tự kỷ tại Mỹ lên tới 268 tỷ đô la vào năm 2015 và dự tính sẽ lên đến 461 tỷ đô la vào năm 2025. Như vậy, chi phí điều trị cho trẻ em mắc phải hội chứng này tương đương 61 đến 66 tỷ USD/ năm, cao hơn 4,1 đến 6,2 lần so với những người không mắc chứng tự kỷ.
Hành trình của “tự kỷ”
Thuật ngữ “tự kỷ” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1911. Nhà tâm thần học Eugen Bleuer (Thụy Sĩ) đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả một nhóm các triệu chứng nhất định được coi là các triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh tâm thần phân liệt.
Năm 1943, tại Mỹ, bác sĩ tâm thần trẻ em Leo Kanner mô tả tự kỷ là một chứng rối loạn xã hội và cảm xúc trong bài báo “Rối loạn tự kỷ về mặt cảm xúc”, tách biệt người mắc chứng tự kỷ ra khỏi nhóm bệnh nhân thần kinh. Ông nhận thấy tính cách lạnh lùng ở những người mẹ có con tự kỷ.
Năm 1944, bác sỹ người Áo Hans Asperger đã xuất bản “Bài báo về Tâm thần học tự kỷ” mô tả tự kỷ là một rối loạn ở trẻ em có trí thông minh bình thường nhưng gặp khó khăn đối với các kỹ năng xã hội và giao tiếp. Những bài báo này đóng góp một phần quan trọng vào những công trình nghiên cứu trong năm 1980 nhằm phân biệt tự kỷ với bệnh tâm thần phân liệt.
Khoảng năm 1950, thuyết “Bà mẹ tủ lạnh” do nhà tâm lý học trẻ em Bruno Bettelheim (người Mỹ gốc Áo) truyền bá, đã kết tội cha mẹ lạnh lùng là nguyên nhân làm trẻ em bị tự kỷ.
Năm 1964, Bernard Rimland, một nhà khoa học Mỹ có con tự kỷ, đã viết nhiều công trình khoa học khẳng định tự kỷ là một rối loạn sinh học, không phải là một chứng bệnh về cảm xúc. Thuyết “Bà mẹ tủ lạnh” sụp đổ dần trên thế giới.
Năm 2013, khái niệm “phổ tự kỷ” được Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đưa vào ấn bản thứ năm của cuốn “Sổ tay chẩn đoán và thống kê các chứng rối loạn tâm thần” sau khi kết hợp tất cả các phạm trù nhỏ và các tình trạng có liên quan đến tự kỷ thành một phạm trù thống nhất, bao gồm các đặc điểm khác nhau, mức độ nghiêm trọng và biểu hiện của các triệu chứng