Indira Gandhi trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ
Ngày 19/1/1966, Indira Gandhi trở thành Thủ tướng thứ năm của Ấn Độ, cũng là nữ thủ tướng đầu tiên của nước này.
Indira Gandhi tên thật là Indira Priyadarshini Nehru, là một trong những chính khách nổi bật nhất sau khi Ấn Độ giành độc lập. Là con gái của Thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru, và là mẹ của một thủ tướng khác là Rajiv Gandhi. Bà không có quan hệ họ hàng gì với Mahatma Gandhi.
Sau cái chết bất ngờ của Thủ tướng Ấn Độ Lal Bahadur Shastri năm 1966, trong cuộc bầu phiếu của Đảng Quốc Đại, Gandhi đánh bại Morarji Desai với số phiếu 355 – 169 để trở thành thủ tướng thứ ba của Ấn Độ và là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ này.
Ngày 31/10/1984, hai người Sikh thuộc toán cận vệ của Gandhi là Satwant Singh và Beant Singh đã ám sát bà ngay trong khu vườn của Tư dinh Thủ tướng ở New Dehli. Gandhi từ trần khi đang trên đường đến bệnh viện.
Sau cái chết của Gandhi, những cuộc bạo động chống người Sikh bùng nổ khắp New Delhi khiến hàng ngàn người thiệt mạng và nhiều người khác mất nhà cửa.
-Tổng thống Gerald Ford ân xá cho ‘Bông hồng Tokyo’
Ngày 19/1/1977, Tổng thống Gerald Ford ân xá cho Iva Toguri d’Aquino, nổi tiếng với biệt danh “Bông hồng Tokyo”. Bà là người thứ 7 trong lịch sử Mỹ bị buộc tội phản quốc với cáo buộc đứng về phía Nhật trong Chiến tranh thế giới II nhưng sau đó lại được minh oan.
“Bông hồng Tokyo” là biệt danh mà những người lính quân đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương đặt cho Iva Toguri d’Aquino, nữ phát thanh viên người Mỹ gốc Nhật Bản, người có giọng đọc quyến rũ, đầy ma lực trong chương trình “0 giờ”.
Iva sinh ra lớn lên tại Mỹ trong một gia đình gốc Nhật. Năm 1941 khi trở về Nhật thăm quê cha, bà bị kẹt lại khi chiến tranh thế giới II nổ ra. Nhà chức trách địa phương coi Iva Toguri là kiều dân của nước thù địch sau khi không thuyết phục được bà từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở thành công dân Nhật.
Bà phải làm nhiều nghề khác nhau để sống rồi xin được chân đánh máy ở Đài phát thanh Tokyo, dịch các bài viết ra tiếng Anh để phát trên đài. Mục tiêu mà đài phát thanh này hướng đến là làm giảm nhuệ khí chiến đấu của quân đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương.
Trong các bài đọc, Iva Toguri đã cảnh báo người nghe rằng “0 giờ” là một chương trình tuyên truyền nguy hiểm để họ biết chọn lọc thông tin khi nghe. Chính vì thế, lính Mỹ khi đó rất hào hứng chờ đón chương trình “0 giờ” và thay vì bị nhụt nhuệ khí chiến đấu, tinh thần của họ lại càng được đẩy lên cao hơn.
Trong chiến dịch tìm kiếm những người có tội và phản quốc vào năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng phe đồng minh, hai phóng viên Henry Brundidge và Clark Lee cùng lực lượng quân đội Mỹ truy tìm một phát thanh viên có biệt danh “Bông hồng Tokyo” trong chương trình “0 giờ".
Ngay sau khi tên tuổi của Iva Toguri bị báo chí công khai, tháng 10/1945, Iva bị quân đội Mỹ bắt giữ và giam giữ tại nhà tù ở Tokyo vì cáo buộc ủng hộ chính phủ Nhật chống lại nước Mỹ. Tuy nhiên, vì không đủ bằng chứng buộc tội nên sau đó bà được thả ra.
Năm 1948, bà lại bị bắt lại và bị cáo buộc phản quốc. Phiên tòa xét xử bà được mô tả là kéo dài và tốn kém nhất tính đến thời điểm đó với tổng chi phí lên đến 750.000 USD (tương đương khoảng 9 triệu USD theo thời giá hiện nay) cho 13 tuần xét xử. Bà là người thứ 7 trong lịch sử nước Mỹ bị buộc tội phản quốc. Cùng với việc bị buộc tội, bà bị kết án 10 năm tù, phạt 10.000 USD và bị tước quyền công dân Mỹ.
Nhờ sự tháo gỡ nút thắt của các phóng viên điều tra, Iva Toguri khi đó đã được minh oan, được tự do và sống cùng cha mình. Không những thế, Tổng thống Gerald Ford còn đứng ra xin lỗi vì đã khiến bà là công dân nữ duy nhất bị kết tội và cũng là người đầu tiên được Tổng thống xin lỗi. Cho đến nay vai trò gián điệp của Iva Toguri vẫn là chủ đề gây tranh cãi.
-Lance Armstrong thừa nhận sử dụng doping
Ngày 19/1/2013, tay đua xe đạp nổi tiếng Lance Armstrong gây chấn động làng thể thao thế giới khi thừa nhận sử dụng doping trong cả 7 lần vô địch Tour de France.
Kết quả là anh đã bị tước tất cả bảy chức vô địch Tour De France cùng án phạt cấm thi đấu trọn đời. Chuyện cấm thi đấu chẳng ăn thua gì vì từ năm 2011 anh ta đã giải nghệ.
Bê bối của Lance Armstrong là một trong những vết nhơ lớn nhất trong lịch sử thể thao thế giới. Bởi ngoài thành công thể thao, Lance từng được xem là thần tượng của giới trẻ Mỹ với câu chuyện chiến thắng căn bệnh ung thư tinh hoàn để vươn đến đỉnh cao của vinh quang. Tay đua huyền thoại Jerome Pineau cũng gọi Lance Armstrong là "kẻ cướp lớn nhất trong lịch sử thể thao thế giới.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Club Random Podcast của Bill Maher, tay đua này đã tiết lộ cách thức để mình vượt qua các cuộc kiểm tra doping.
Theo đó việc tính toán thời gian sử dụng PED (erythropoietin, một loại hormone glycoprotein kích thích sản xuất hồng cầu cho phép cơ thể vận chuyển nhiều oxy hơn đến cơ bắp và do đó tăng sức chịu đựng) đủ sớm để nó hết tác dụng khi kiểm tra đã giúp Lance Armstrong không một lần dương tính.
Loại thuốc này chỉ tồn tại trong cơ thể khoảng 4 tiếng nên chỉ cần tính toán thời gian thích hợp là mọi thứ sẽ hoàn toàn suôn sẻ. Bằng cách này Lance đã không bị phát hiện dù tôi đã trải qua hơn 500 lần kiểm tra trong suốt sự nghiệp thi đấu.